Mỹ trừng phạt các nền tảng công nghệ lớn: Gậy ông đập lưng ông

Việc Mỹ trừng phạt quá mức một số công ty công nghệ sáng tạo của nước này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của họ và gián tiếp mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Mỹ trừng phạt các nền tảng công nghệ lớn: Gậy ông đập lưng ông ảnh 1Biểu tượng Amazon tại trung tâm phân phối ở Las Vegas, Nevada, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã gửi một lá thư tới Ủy ban Tư pháp Thượng viện bày tỏ sự ủng hộ đối với đạo luật cấm các nền tảng công nghệ lớn (chủ yếu là Amazon, Apple, Google và Meta) có hành vi “phân biệt đối xử,” chẳng hạn như tìm cách tư lợi cho các sản phẩm của mình.

Bức thư lập luận rằng Đạo luật trực tuyến về sự lựa chọn và đổi mới của Mỹ (AICOA) là điều cần thiết để duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước này, đồng thời ngăn các công ty công nghệ lớn (Big Tech) lợi dụng sức mạnh thị trường để đe dọa “quyền tự do kinh tế, vốn là nền tảng của dân chủ.”

Tuy nhiên, trong đợt trừng phạt của lưỡng đảng nhắm vào các “Big Tech,” cả DOJ và các nhà hoạch định chính sách dường như chưa xem xét tổn hại mà cuộc cải cách chống độc quyền gây ra đối với vị thế tiên phong về công nghệ của Mỹ, trong bối cảnh Washington đang cần điều này hơn bao giờ hết.

Công bằng mà nói, có nhiều lý do chính đáng đằng sau làn sóng phản đối các “Big Tech;” từ những vụ bê bối về quyền riêng tư cho đến những lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quản trị.

Thật không may, việc cố gắng buộc các công ty này chịu trách nhiệm cho những hành vi sai trái đã khiến nhiều người từ bỏ sự tôn trọng vốn có đối với các thể chế tự do - chẳng hạn như thị trường và tòa án - trong việc giải quyết những tổn hại. Thay vào đó, nhiều nhà hoạch định chính sách đã đầu tư cho các đề xuất cấp tiến, bao gồm cả AICOA, nhằm trừng phạt các công ty theo cách khác xa với phong cách của nước Mỹ.

Một số hình thức tư lợi - mà AICOA dự định xử lý - có thể gây hại cho người tiêu dùng cũng như quá trình đổi mới.

Khi Microsoft ưu tiên trình duyệt Internet Explorer trên hệ điều hành Windows vào cuối những năm 1990, các tòa án đưa ra phán quyết rằng hãng này đã vi phạm Đạo luật chống độc quyền Sherman bằng cách sử dụng các biện pháp phản cạnh tranh để duy trì sự độc quyền.

Mỹ trừng phạt các nền tảng công nghệ lớn: Gậy ông đập lưng ông ảnh 2 Microsoft đã "khai tử" Internet Explorer. (Ảnh: Softpedia/TTXVN)

Gần đây hơn, các công ty như Yelp, Epic Games và Wikipedia đã phàn nàn về hành vi phân biệt đối xử của các nền tảng “Big Tech.”

Tuy nhiên, việc hành vi tư lợi có thể dẫn đến phản cạnh tranh không đồng nghĩa rằng nó có hại cho người tiêu dùng hoặc thị trường, hay tất cả các hành vi tư lợi đều bị cho là phạm pháp. Trong nhiều trường hợp, đó chỉ là một phần thường thấy trong cách vận hành của các công ty công nghệ.

[Mỹ sắp công bố dự luật cấm Big Tech thiên vị sản phẩm, dịch vụ]

Việc quá khắt khe đối với mọi hành vi phân biệt đối xử có thể sẽ loại bỏ nhiều mô hình kinh doanh tiềm năng, từ đó làm hạn chế quy mô sáng tạo. Có lẽ những người ủng hộ AICOA cho rằng hành vi tư lợi của các nền tảng lớn luôn có tác động xấu đến tính cạnh tranh và cả người tiêu dùng.

Sau khi AICOA được Ủy ban Tư pháp thông qua, nhà tài trợ dự luật, Thượng nghị sỹ Chuck Grassley (Đảng Cộng hòa bang Iowa) cho biết: “Mọi người đều thừa nhận các vấn đề do những nền tảng trực tuyến thống trị đặt ra. Luật pháp ra đời nhằm cân bằng sân chơi cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nhân cần hoạt động trên các nền tảng này, đồng thời mang lại lợi ích cho người tiêu dùng sử dụng chúng.”

Mỹ trừng phạt các nền tảng công nghệ lớn: Gậy ông đập lưng ông ảnh 3Biểu tượng của Google trên màn hình máy tính bảng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, Bruce Hoffman - cựu Giám đốc Cục Cạnh tranh của Ủy ban Thương mại Liên bang - đã chỉ ra rằng hành vi tư lợi có thể vẫn có ích cho người tiêu dùng và giúp tăng tính cạnh tranh. Quan trọng hơn, luật chống độc quyền hiện hành đã đưa ra các biện pháp xử lý hành vi tư lợi phản cạnh tranh, cùng nhiều hành vi “phân biệt đối xử” khác gây tổn hại đến thị trường và người tiêu dùng.

Tăng cường cạnh tranh và thúc đẩy lợi ích của người tiêu dùng là những mục tiêu đáng ngưỡng mộ. Điều đáng tiếc là AICOA lại hướng đến mục tiêu này thông qua các quy định mang tính trừng phạt, rập khuôn và mâu thuẫn với học thuyết chống độc quyền mà không màng đến hậu quả.

Hơn nữa, việc sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang theo cách này - nhằm trừng phạt một số mục tiêu có động cơ chính trị - là không phù hợp với nền tảng của dân chủ tự do.

Trong lá thư gửi Ủy ban Tư pháp, DOJ lập luận rằng AICOA “sẽ cải thiện hệ thống thực thi giúp Mỹ duy trì các thị trường cạnh tranh.”

Tuy nhiên, AICOA có rất ít điều khoản liên quan đến việc thực thi trước đó. Thay vào đó, đạo luật này đã bẻ cong luật chống độc quyền liên bang để trừng phạt các công ty về hành vi phản cạnh tranh.

Quy định mang tính trừng phạt và lạc hậu như vậy hoàn toàn đi ngược lại với pháp quyền và các nguyên tắc của thị trường tự do.

Hơn nữa, những người ủng hộ đã không xem xét tác động của AICOA và các nỗ lực cải cách chống độc quyền khác đối với năng lực cạnh tranh toàn cầu của các công ty Mỹ, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong sự kiện mà Graham Allison của Trường Harvard Kennedy gọi là “Cuộc đối đầu lớn về công nghệ,” Trung Quốc đã “(nhanh chóng trỗi dậy) để thách thức sự thống trị của Mỹ đối với những thành tựu công nghệ đỉnh cao.”

Trong sự trỗi dậy này, Trung Quốc ngày càng tận dụng các nền tảng trực tuyến như một cách để thúc đẩy lợi ích quốc gia của họ. Gần đây nhất, Trung Quốc đã sử dụng các nền tảng này để tuyên truyền chống phương Tây xung quanh cuộc chiến tại Ukraine.

Mặc dù các nền tảng công nghệ lớn của Mỹ thường “lắm tài nhưng nhiều tật” - trong đó có việc tạo điều kiện cho chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số của Trung Quốc - song chúng vẫn là công cụ quan trọng của quyền lực mềm để thúc đẩy các giá trị tự do.

Đó là trường hợp của phong trào “Mùa Xuân Arab” và giờ là xung đột Nga-Ukraine. Việc răn đe một số công ty công nghệ sáng tạo nhất của Mỹ bằng các quy định trừng phạt quá mức có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của họ, gián tiếp mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Mỹ nên khuyến khích ngành công nghệ nước này tiếp tục đổi mới và tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu thay vì cản trở họ bằng những quy định mang tính cục bộ.

Điều đáng tiếc là những đạo luật như AICOA sẽ đưa năng lực cạnh tranh về công nghệ của Mỹ đi sai hướng; tạo ra những giả định về một mô hình châu Âu bảo hộ hơn (chính mô hình này đã có tiền đề để hỗ trợ ngành công nghệ châu Âu chống lại Mỹ).

Trên thực tế, việc thay đổi cách tiếp cận công nghệ sang một nhà nước quản lý mạnh tay và có nhiều động cơ chính trị hơn sẽ tàn phá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Mỹ giống như cách mà nó đã tàn phá châu Âu.

Các cơ quan chống độc quyền “diều hâu” như DOJ cho rằng tình hình hiện nay chính là mối đe dọa đối với “nền dân chủ.” Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc Mỹ trừng phạt các công ty lớn hay làm bất kỳ điều gì khác để bảo vệ nền dân chủ.

Trên trường quốc tế, việc Mỹ dần đánh mất thế thống trị về công nghệ sẽ là cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh phi tự do từ Trung Quốc, trong bối cảnh nên dân chủ toàn cầu suy yếu.

Thay vì trừng phạt một số công ty lớn, các nhà lập pháp Mỹ có thể đóng góp hiệu quả hơn cho sự đổi mới trong dài hạn bằng cách thực thi luật chống độc quyền một cách phù hợp.

Khuôn khổ pháp lý hiện tại đã giúp Mỹ kiểm soát quy trình của nhiều “Big Tech,” từ Ma-Bell, IBM đến Microsoft. Thay vì tìm cách thay thế, Quốc hội Mỹ nên tập trung đẩy mạnh cải cách để hệ thống của nước này vận hành hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục