Mỹ và EU thảo luận về nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu

Các quan chức thảo luận về kế hoạch thiết lập một khuôn khổ để tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên.
Mỹ và EU thảo luận về nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu ảnh 1Thiết bị bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ) ngày 26/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà Trắng ngày 29/4 cho biết đại diện của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp tại thủ đô Washington để thảo luận về triển vọng đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu, cũng như giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Ngày 28/4, Lực lượng đặc nhiệm Mỹ-EU về an ninh năng lượng đã có cuộc hội đàm trực tiếp tại Washington để thảo luận việc thực hiện tuyên bố chung ngày 25/3 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen."

Cuộc họp, do Cố vấn cấp cao phụ trách an ninh năng lượng Mỹ Amos Hochstein và Chánh Văn phòng Chủ tịch EC Björn Seibert chủ trì, đã đánh giá tiến triển trong việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu và giảm nhu cầu của châu lục này đối với khí đốt tự nhiên. 

Ngoài ra, các quan chức cũng thảo luận về kế hoạch thiết lập một khuôn khổ để tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên, trong đó việc chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo và phát triển máy bơm nhiệt.

[Dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua các đường ống chính ổn định]

Trước đó, ngày 28/4, EC đã thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm khu vực tại Sofia (Bulgaria) để tìm hiểu các nguồn cung năng lượng trước thềm mùa Đông tới, sau khi Nga ngừng cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan do hai 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble theo yêu cầu của Moskva.

Liên quan vấn đề trên, công ty dầu khí nhà nước SOCAR của Azerbaijan ngày 29/4 cho biết nước này có kế hoạch tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu thêm 30% trong năm nay, lên 10,5 tỷ m3.

Theo SOCAR, việc tiếp cận trực tiếp thị trường châu Âu đã đảm bảo sự đa dạng hóa năng lực xuất khẩu của Azerbaijan. Điều này giúp tăng giá trị cho nền kinh tế Azerbaijan, đồng thời củng cố vị thế của nước này với tư cách là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy của châu Âu.

Trong quý 1/2022, Azerbaijan đã xuất khẩu 2,6 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục