Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tham vấn về cạnh tranh theo khuôn khổ FTA

Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc tiến hành các cuộc tham vấn để giải quyết các vấn đề liên quan tới cạnh tranh theo khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tham vấn về cạnh tranh theo khuôn khổ FTA ảnh 1Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tiến hành tham vấn về cạnh tranh theo khuôn khổ FTA. (Nguồn: Coalition for a Prosperous America)

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 16/3 cho biết đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc tiến hành các cuộc tham vấn để giải quyết các vấn đề liên quan tới cạnh tranh theo khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, phía Mỹ đưa ra yêu cầu tham vấn chính thức theo khuôn khổ FTA song phương, có hiệu lực từ năm 2012.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thông qua các cuộc tham vấn như vậy, Mỹ sẽ nỗ lực giải quyết những quan ngại liên quan tới các thủ tục trong công tác điều tra cạnh tranh do Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc tiến hành. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc không đảm bảo đầy đủ các quyền của giới doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cơ hội xem xét và bác bỏ bằng chứng chống lại họ và làm suy giảm khả năng tự vệ của họ khi cơ quan này tiến hành các cuộc điều tra.

[Costa Rica thông qua hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc]

Cũng theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, hoạt động của Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã vi phạm Điều khoản 16 của FTA Mỹ-Hàn, theo đó tất cả các bên đều có quyền có “một cơ hội hợp lý” để xem xét và bác bỏ các bằng chứng chống lại họ trong những vấn đề liên quan tới cạnh tranh. Ngoài ra, phía Mỹ cho rằng luật cạnh tranh đã được sửa đổi của Hàn Quốc vẫn không giải quyết được những quan ngại của Mỹ.

Mặc dù Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ không cung cấp chi tiết về một vụ việc điển hình nào liên quan tới vấn đề cạnh tranh nói trên, song các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp Hàn Quốc đã nhắc tới vụ Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc phạt 1.000 tỷ won (879,9 triệu USD) đối với công ty sản xuất chip Qualcomm Inc. (Mỹ) do vi phạm luật chống độc quyền của Hàn Quốc hồi tháng 12/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục