Mỹ-Trung không dừng ván bài chiến lược bất chấp COVID-19?

Một số học giả khu vực cho rằng dịch bệnh COVID-19 đang “đổ thêm dầu vào lửa," thúc đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược và tiến trình dứt bỏ liên hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mỹ-Trung không dừng ván bài chiến lược bất chấp COVID-19? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Asia Times)

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh tại Hong Kong, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trầm trọng.

Một số học giả khu vực cho rằng dịch bệnh đang “đổ thêm dầu vào lửa," thúc đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược và tiến trình dứt bỏ liên hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy vậy, hai nước này không thể vì đại dịch COVID-19 mà tạm ngừng ván bài mang tính chiến lược giữa hai nước. Với các nước ASEAN, điều này có nghĩa họ sẽ phải đối mặt với khó khăn khi buộc phải chọn ngả về bên nào.

Học viện chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore ngày 28/4 đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến có chủ đề “Đại dịch COVID-19: Xung đột Trung-Mỹ trầm trọng ảnh hưởng như thế nào đến khu vực."

Tham dự diễn đàn, các giáo sư, viện sỹ, chuyên gia kinh tế… đều bày tỏ quan điểm bi quan về xu hướng quan hệ Trung-Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Bà Alicia Garcia Herrero - giáo sư thỉnh giảng Khoa Kinh tế của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong kiêm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Ngoại thương Pháp - phân tích sâu hơn từ góc độ kinh tế rằng mâu thuẫn hiện nay không chỉ là cuộc chiến thuế quan bề ngoài, mà còn liên quan đến vai trò của Trung Quốc, xu hướng phi toàn cầu hóa dòng chảy nhân sự và sự giải thể hợp tác tài chính trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Những dấu hiệu này đều ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với cả hai nước Trung-Mỹ."

Ngay cả khi tình hình dịch bệnh chậm lại, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong năm nay cũng sẽ tiếp tục mang lại những yếu tố bất lợi cho quan hệ Trung-Mỹ.

Giáo sư Chính trị học Quảng Vân Phong của Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng trước sự phẫn nộ của người dân Mỹ, Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh. Mặc dù điều này sẽ không dẫn đến xung đột quân sự, nhưng sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn, làm suy yếu thêm niềm tin lẫn nhau giữa hai nước, khơi dậy xung đột nghiêm trọng.

Trả lời câu hỏi của Bert Hofman “liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tạm dừng ván bài giữa hai nước trong thời kỳ dịch bệnh hay không," Viện sỹ Kishore Mahbubani của Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore thẳng thắn nhận định: “Năm 2020 sẽ rất tồi tệ."

[Quan hệ Mỹ-Nga-Trung: Ba kịch bản tồi tệ thời hậu COVID-19]

Ông giải thích đại đa số người Mỹ hiện xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ông Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden dường như sẽ "so kè" cao thấp xem ai cứng rắn hơn với Trung Quốc. Hiện nay chỉ có thể hy vọng rằng sau cuộc bầu cử, nếu đảng Dân chủ giành thắng lợi, xung đột Trung-Mỹ mới có thể hạ nhiệt một chút.

Đối với khu vực, giáo sư Quảng Vân Phong chỉ ra rằng xung đột Trung-Mỹ liên quan đại dịch COVID-19 có thể khiến các nước Đông Nam Á một lần nữa phải đối mặt với tình huống mà họ không hề mong muốn - buộc phải lựa chọn đứng về một bên giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề quy kết trách nhiệm liên quan đến dịch bệnh lần này.

Ông chỉ rõ hầu hết các nước ASEAN trong những năm gần đây đều đã thể hiện rằng họ không muốn chọn đứng về bên nào, nhưng trong thời gian qua, sự giằng co xoay quanh các vấn đề như Huawei, 5G, và Sáng kiến Vành đai và Con đường lại cho thấy ngày càng khó khăn trong việc duy trì lập trường trung lập.

Chuyên gia Quảng Vân Phong nhận định rằng hầu hết các nước ASEAN sẽ không ủng hộ việc điều tra Trung Quốc mà Mỹ và các đồng minh của nước này yêu cầu. Điều quan trọng hơn là sau khi dịch bệnh bùng phát, bên nào thể hiện tốt hơn trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và cứu sống được các bệnh nhân.

Ông cũng chỉ ra rằng có một chỉ số khác để đo lường thể hiện của Trung Quốc và Mỹ - đó là nền kinh tế của nước nào phục hồi nhanh hơn. Ông cho biết đến nay đáp án vẫn chưa rõ ràng.

Dư luận không nên đánh giá thấp khả năng phục hồi và sức sáng tạo công nghệ của nền kinh tế Mỹ, nhưng nếu Trung Quốc thực hiện tốt hơn về phương diện này, Đông Nam Á sẽ có thể chấp nhận lập luận của Trung Quốc rằng họ sẽ thúc đẩy làn sóng tương lai.

Bàn về triển vọng kinh tế khu vực, giáo sư Herrero cảnh báo dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động đến nền kinh tế Trung Quốc và tác động liên đới đến khu vực cũng sẽ sâu sắc.

Bà phân tích rằng mặc dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng trong năm nay, song mức tăng trưởng sẽ không đủ để chia sẻ với các nước châu Á khác. Điều quan trọng là Trung Quốc hậu đại dịch sẽ nhập khẩu bao nhiêu?

Là quốc gia nhập khẩu lớn thứ nhì thế giới (chỉ sau Mỹ), mức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc - vốn là yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của nước này - sẽ tác động không nhỏ đến các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á. Điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ thể hiện tốt hơn, nhưng Trung Quốc trong ngắn hạn liệu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho châu Á hay không, chúng ta phải xem xét một cách thiết thực”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục