Mỹ-Trung theo đuổi kiềm chế căng thẳng trên nhiều mặt trận

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để tiến hành cuộc hội đàm kéo dài 5 tiếng tại khu nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.
Mỹ-Trung theo đuổi kiềm chế căng thẳng trên nhiều mặt trận ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: Reuters)

AP/AFP/Sputnik đưa tin ngày 9/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong một nỗ lực mới nhằm cố gắng kiềm chế hoặc ít nhất là kiểm soát sự thù địch gia tăng trong quan hệ gần đây giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đang trở nên phức tạp hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Bliken và ông Vương Nghị đã tiến hành cuộc hội đàm kéo dài 5 tiếng tại khu nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, một ngày sau khi cả hai cùng tham dự hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Hội nghị đã kết thúc mà không đưa ra lời kêu gọi chung chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine hoặc lập kế hoạch về cách đối phó với các tác động của nó đối với an ninh lương thực và năng lượng.

Tuy nhiên, ông Blinken cho biết ông tin rằng Nga đã rời khỏi hội nghị G20 một cách cô lập và đơn độc vì hầu hết những người tham gia đều bày tỏ sự phản đối đối với cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, các bộ trưởng đã không thể đi đến một lời kêu gọi thống nhất của G20 về việc chấm dứt xung đột.

Cuộc hội đàm “mang tính xây dựng”

Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ-Trung kể từ cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai bên vào tháng 10/2021 trong bối cảnh hai cường quốc tăng cường tương tác vào thời điểm phương Tây đang tập trung vào cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

[Ngoại trưởng Mỹ: Cuộc hội đàm với phía Trung Quốc "mang tính xây dựng"]

Sau 5 giờ hội đàm, Blinken khẳng định: “Bất chấp những phức tạp trong mối quan hệ của chúng ta, tôi có thể tự tin nói rằng các phái đoàn của chúng ta nhận thấy các cuộc thảo luận hôm nay là rất hữu ích, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn tới hai nước chúng ta cũng như tới thế giới. Chúng tôi cam kết quản lý mối quan hệ này - sự cạnh tranh này - một cách có trách nhiệm."

Ông hứa hẹn sẽ duy trì các kênh ngoại giao rộng mở với Bắc Kinh.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai bên đã đồng ý làm việc để cải thiện mối quan hệ - nhưng cũng đưa ra một danh sách những điều “bất mãn” với Washington, cáo buộc Mỹ "bôi nhọ và tấn công" hệ thống chính trị của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Hai bên... đã đạt được nhất trí thúc đẩy tham vấn nhóm công tác chung Trung-Mỹ để đạt được nhiều kết quả hơn. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Cả hai bên đều tin rằng cuộc đối thoại này là thực chất và mang tính xây dựng, sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu hiểu lầm và đánh giá sai, tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước trong tương lai."

Cuộc gặp lần này chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn sự cạnh tranh Mỹ-Trung dẫn tới xung đột không chủ ý, cũng như xoay quanh sự phản đối của Washington đối với Bắc Kinh về một loạt vấn đề bao gồm Đài Loan và nhân quyền.

Blinken nói: “Tôi truyền tải những quan ngại sâu sắc của Mỹ về những phát biểu và hoạt động ngày càng khiêu khích của Bắc Kinh đối với Đài Loan và tầm quan trọng sống còn của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Ông cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề Ukraine và hành động ngầm của Bắc Kinh nhằm ủng hộ Moskva trong cuộc xâm lược nước láng giềng và kêu gọi Trung Quốc tách xa khỏi Nga, một ngày sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Điện Kremlin vấp phải làn sóng chỉ trích của phương Tây tại cuộc họp G20.

Blinken nói: “Đây thực sự là thời điểm mà tất cả chúng ta phải đứng lên để lên án hành động gây hấn, yêu cầu Nga cho phép tiếp cận thực phẩm đang bị mắc kẹt ở Ukraine.”

Mỹ đã thận trọng theo dõi khi Trung Quốc từ chối chỉ trích cuộc xâm lược của Nga, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và cáo buộc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kích động xung đột.

Blinken khẳng định: “Chúng tôi lo ngại về sự liên kết của Trung Quốc với Nga.”

Ông nói thêm rằng ông không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng họ là bên trung lập trong cuộc xung đột Ukraine.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố lập trường của mình về Ukraine ngay cả trước khi bắt đầu cuộc họp cấp bộ trưởng G20 ở Bali.

Vương Nghị đã nói điều này trong các cuộc đàm phán với các bên có ảnh hưởng trực tiếp tới giải pháp cho vấn đề an ninh ở châu Âu, cũng như những nước có ảnh hưởng đáng kể đến đánh giá khách quan và phi chính trị hóa trên thế giới về những gì đang xảy ra ở Ukraine ngày nay.

Trung Quốc cho thấy rằng lập trường của mình về vấn đề này vẫn nhất quán và không thay đổi. Những tuyên bố này cũng có thể được coi là một thông điệp trực tiếp tới Mỹ trước cuộc gặp với Blinken.

Giáo sư Alexei Maslov, Viện trưởng Viện Á Phi thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng Ngoại trưởng Trung Quốc đã đi một nước cờ khác lạ trong thực tiễn ngoại giao trước cuộc hội đàm với Blinken.

Ông nói: “Các tuyên bố thường được đưa ra sau khi kết thúc đàm phán, chứ không phải trước cuộc đàm phán. Đây là thời điểm khi Trung Quốc đi bước phủ đầu - không có gì phải bàn luận, lập trường của Trung Quốc không thay đổi. Vương Nghị nhận thức rõ rằng nhiệm vụ chính của cả Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ là thuyết phục Trung Quốc ngừng hỗ trợ Nga, bao gồm cả thương mại và kinh tế, chưa nói gì tới bất kỳ tuyên bố chính trị đáng chú ý nào. Vương Nghị công khai ấn định lập trường đàm phán từ trước. Điều này có nghĩa là sẽ không thể thuyết phục được ông ta.”

Lập trường tiết chế

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Blinken và Vương Nghị trong nhiều tháng, và họ dự kiến sẽ chuẩn bị cho các cuộc đối thoại trực tuyến trong những tuần tới giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden khi cả hai cường quốc tăng cường can dự và tiết chế giọng điệu của họ.

Sau một thời gian dài lạnh nhạt vì đại dịch COVID-19, kể từ tháng trước, các lãnh đạo quốc phòng, tài chính và an ninh quốc gia cũng như các chỉ huy quân sự hàng đầu của hai bên đều đã lên tiếng.

Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của nhà nước Trung Quốc, vốn nổi tiếng với những lời chỉ trích Mỹ, viết rằng các hoạt động ngoại giao ngày càng gia tăng "nhấn mạnh sự đồng thuận của hai bên về việc tránh leo thang đối đầu."

Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc đã cứng rắn hơn trong những năm gần đây và Biden phần lớn vẫn duy trì bản chất của cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump khi coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, Blinken trong một bài phát biểu gần đây đã nói rõ rằng Mỹ không tìm kiếm một "Chiến tranh Lạnh" mới, ngay cả khi ông kiên quyết với những lời chỉ trích - bao gồm cáo buộc Bắc Kinh tiến hành diệt chủng đối với những người Duy Ngô Nhĩ, một cáo buộc mà ông lặp lại sau cuộc hội đàm hôm 9/7.

Chính quyền Biden được cho là sẽ sớm giảm bớt một số thuế quan của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, một động thái có thể làm giảm lạm phát đang tăng vọt, vốn đã trở thành một vấn đề chính trị lớn ở Mỹ.

Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, dự kiến sẽ cải tổ đội ngũ chính sách đối ngoại tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Craig Singleton, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ có trụ sở tại Washington, dự đoán Tập Cận Bình sẽ bổ nhiệm một lần nữa các nhà kỹ trị có thể làm việc với Washington.

Ông nói: “Lý do đơn giản là - nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những sóng gió đáng kể và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như nhận ra rằng những lời lẽ hung hăng của Trung Quốc đã phản tác dụng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục