Mỹ-Trung xích gần nhau hơn nhờ công nghệ xanh

Nhiều chuyên gia dự báo mối quan hệ thương mại xanh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bùng nổ do nhu cầu năng lượng của hai nước rất lớn.
Nhiều chuyên gia dự báo mối quan hệ thương mại xanh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bùng nổ do nhu cầu năng lượng của hai nước rất lớn.

Các ý kiến cho rằng do Trung Quốc và Mỹ đều có kế hoạch cắt giảm khí thải dioxit carbon (CO2), hai nước có thể đóng vai trò chính trong việc phát triển các công nghệ và thiết bị sử dụng năng lượng tái sinh.

Tại cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung trung tuần tháng 7 vừa qua, hai nước đã ký một thỏa thuận kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch.

Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn của Mỹ đã quan tâm đến khu vực năng lượng mặt trời mới nổi của Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, các ngân hàng đầu tư của Mỹ như Goldman Sachs và CDH Investment tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Himin ở Trung Quốc. Các khoản đầu tư này sẽ được sử dụng vào việc nghiên cứu, phát triển cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của tập đoàn.

Thực tế, Trung Quốc đã đạt nhiều tiến bộ trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Ví dụ, công ty Suntech, có trụ sở tại Trung Quốc, chuẩn bị vượt công ty Q-Cells, có trụ sở tại Đức, để trở thành nhà cung cấp pin quang điện vontainc lớn thứ hai thế giới sau công ty First Solar tại Mỹ.

Một nhà phân tích chính sách cấp cao thuộc Trung tâm Vì Sự Tiến bộ của Mỹ, dẫn dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết đến năm 2030, thế giới sẽ cần 26.000 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Chuyên gia này đánh giá dự án nghiên cứu chung của Mỹ và Trung Quốc nhằm sản xuất các loại ôtô cũng như xây dựng các tòa nhà tiết kiệm nhiên liệu hơn là một biện pháp quan trọng đầu tiên, mặc dù ngân sách dự án chỉ có 15 triệu USD.

Tương tự, ông Nicholas Hope, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Stanford, cho rằng cơ hội thương mại xanh giữa hai nước là "vô hạn" và năng lượng mặt trời có thể trở thành một nguồn năng lượng quan trọng.

Tuy nhiên một số công ty năng lượng mặt trời của Mỹ quan ngại rằng họ không thể cạnh tranh được với các đối tác Trung Quốc, bởi các công ty Trung Quốc được hưởng nguồn điện rẻ hơn và chi phí lao động thấp hơn.

Hơn nữa, đạo luật "hạn chế và thương mại" - quy định các công ty mua giấy phép hạn chế lượng khí thải CO2 của chính phủ - sẽ chưa có hiệu lực do các nghị sĩ vẫn đang xem xét để thông qua. Điều đó có nghĩa là nhu cầu năng lượng xanh của Mỹ có thể vẫn thấp trong những năm tới./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục