Năm 2019 và ba vấn đề hâm nóng ở khu vực Đông Nam Á

Ba vấn đề hâm nóng Đông Nam Á năm 2019 gồm cải cách của chính phủ mới Malaysia; bầu cử tổng thống, quốc hội ở Indonesia vào ngày 17/4 tới; và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Thái Lan ngày 24/2 tới.
Năm 2019 và ba vấn đề hâm nóng ở khu vực Đông Nam Á ảnh 1Cựu Thủ tướng Najib Razak rời tòa án ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ba vấn đề hâm nóng khu vực Đông Nam Á trong năm 2019 gồm những cải cách của chính phủ mới Malaysia, bầu cử tổng thống và quốc hội ở Indonesia dự kiến vào ngày 17/4 tới; và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Thái Lan vào ngày 24/2 tới.

Malaysia và điều chờ đợi

Tốc độ lĩnh hội của chính phủ mới Malaysia đã dốc theo chiều thẳng đứng, với việc 7 tháng qua không chỉ chồi sụt thêm những vấn đề khó tháo gỡ mà còn cả những rào cản không thể vượt qua được đối với những kế hoạch cải cách sâu rộng được cam kết trước khi đảng Liên minh Hy vọng (PH) giành chiến thắng bất ngờ hồi tháng 5/2018.

Một số các kế hoạch cải cách nói trên mang tính tự “đánh vào mình” như bãi bỏ thuế quan và tái khởi động chính sách trợ cấp. Những tuyên bố không hợp lý về tài chính này khó có thể thực hiện.

Cho đến thời điểm này, chính phủ mới của Malaysia đã thoát ra được tình trạng không mong muốn. Việc chỉ trích chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak bỏ lại gánh nặng nợ nần của Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) và cách xử lý vấn đề này đã giúp PH có được cái thở phào nhẹ nhõm.

Thế nhưng, dần dần cách điều hành này cũng sẽ đi vào lối mòn. Cách xử lý các vấn đề về sắc tộc sẽ trở lại lối xưa giữa lúc những người Malaysia theo cánh hữu phản đối chính phủ mà họ cho rằng đang bị thao túng bởi những người gốc Hoa và những người theo chủ nghĩa tự do.

Công bằng mà nói, Chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tận dụng phần lớn lợi thế trong năm 2018 để nhấn nút tái khởi động “làm mới” các thể chế chính phủ quan trọng và triển khai kế hoạch đưa nền tài chính công quay trở về quỹ đạo hoạt động thông thường.

Năm 2019 sẽ là năm kiểm nghiệm liệu PH có thể đưa ra chương trình cải cách mới mẻ nào hay không.

Một số cải cách đã sẵn sàng được triển khai trong các lĩnh vực như chính trị và tự do dân sự cũng như kinh tế. Và tin tức tốt lành là với việc đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đối lập trên bờ vực sụp đổ, chính phủ có thể thúc đẩy các cải cách thông qua các chính sách và luật mới mà không vấp phải rào cản nào.

Kẻ thù lớn nhất của PH có thể là chính đảng này ngay cả khi thời điểm chuyển giao, đã được cam kết từ trước dù không chắc chắn, từ vai trò của Mahathir sang Anwar Ibrahim có thể xảy ra tại thời điểm nào đó trong năm 2020. Khi đó, tranh cãi chính trị sẽ gia tăng và gây phân tán đối với công việc điều hành chính phủ.

Một năm là khoảng thời gian không hề ngắn ngủi trong hoạt động chính trị. Và “ngựa già” Mahathir dường như vẫn sung sức bất chấp 15 năm rời chính trường kể từ lần cuối nắm giữ chức vụ Thủ tướng Malaysia.


Bầu cử ở Indonesia

Hơn 192 triệu cử tri Indonesia sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến vào ngày 17/4 tới. Đây là lần đầu tiên người dân của quốc gia dân chủ lớn thứ ba thế giới sẽ lựa chọn tổng thống và các nghị sĩ quốc hội trong cùng một ngày.

Tuy nhiên, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cuộc ganh đua gắt gao giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và đối địch cũ của mình là Prabowo Subianto.

Mặc dù cuộc đua tổng thống 2019 này được coi là “trận đấu lượt về” giữa hai nhân vật, song lần này, ông Joko không còn là một ứng cử viên không tên tuổi, mà là một tổng thống đương nhiệm và cử tri sẽ “soi” những thành tích của ông.

Câu hỏi là liệu ông Joko đã hoàn thành trọng trách của mình, nhất là trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và tăng lương, đủ để thuyết phục người dân Indonesia trao cho ông một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai hay không.

Bề ngoài, ông Joko vẫn là một nhân vật chính trị có uy tín. Mặc dù các cuộc thăm dò bầu cử tiếp tục cho thấy ông Joko vẫn dẫn đầu so với ông Prabowo, tuy nhiên nhiều nhà quan sát kỳ vọng cuộc đua năm 2019 sẽ vẫn căng thẳng khi chiến dịch tranh cử làm nóng bầu không khí năm mới 2019.

[Tổng thống Indonesia Widodo công bố nhân vật liên danh tranh cử]

Ông Pangi Syarwi Chaniago, nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Hồi giáo Quốc gia Syarif Hidayatullah ở Jakarta cảnh báo rằng tình trạng mộ đạo gia tăng ở Indonesia có thể đe dọa nỗ lực tái bầu cử của Tổng thống Joko. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà phân tích khác.

Họ chứng minh bằng cuộc bầu cử vị trí thống đốc Jakarta năm 2017, khi thống đốc đương nhiệm Basuki Tjahaja Purnama bị đánh bại bởi ông Anies Baswedan - người đã được ông Prabowo hậu thuẫn trong một chiến dịch ác liệt bị hủy hoại bởi mối bất hòa giáo phái.

Nhà phân tích Pangi Syarwi cho rằng chiều hướng của cuộc đua sẽ “quật” ông Joko nếu ông Prabowo và đồng tranh cử là ông Sandiaga Uno giành được đà ủng hộ của cử tri cho chiến dịch tranh cử của họ.

Ông nói: “Nếu khả năng được bầu của các ứng cử viên đối địch gia tăng thì điều này có thể đe dọa người đương nhiệm.”

Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý rằng ông Joko hiện vẫn có những lợi thế nhất định dù mong manh. Đó là việc nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được hoàn thiện vào tháng Hai và tháng Ba. Khi đó, chúng ta sẽ chờ xem liệu các dự án này có tác động đến khả năng được bầu của ông Joko hay không, Pangi Syarwi nhận định.

Thái Lan: Sức nóng bầu cử

Thái Lan sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của mình trong vòng 8 năm qua vào ngày 24/2 tới. Cho đến thời điểm bầu cử, vương quốc dễ vướng vào các cuộc đảo chính này sẽ trải qua gần 5 năm dưới sự cai trị của chính quyền quân sự.

Giới chỉ trích chính quyền quân sự cáo buộc các cuộc thăm dò dư luận đã được dựng lên nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự và để “thiết kế” một nhiệm kỳ thứ hai cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, một vị tướng về hưu đã dẫn đầu thực hiện cuộc đảo chính 2014.

Giới chỉ trích cũng cảnh báo rằng nhiệm kỳ của ông Prayut có thể kéo dài thêm 8 năm nữa nhờ quy định của một điều khoản hiến pháp trong thời kỳ chuyển giao.

Cuộc bầu cử tới đây sẽ là cuộc ganh đua quyết liệt với hệ thống bầu cử mới cho phép thu hẹp khoảng cách giữa các đảng phái mạnh nhất và các đảng phái mạnh thứ hai.

Chính quyền quân sự cũng đã gỡ bỏ lệnh cấm về hoạt động chính trị chỉ trong ngày 11/12/2018, khiến các đảng phái chỉ có “khoảng chạy đà” ngắn ngủi cho cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, Hiến pháp mới được thông qua sau đảo chính lại tạo ra những rào cản khó khăn để các đảng chính trị lớn như đảng Pheu Thai có thể chiếm lĩnh chính trường.

Thay vào đó, các đảng nhỏ và tầm trung sẽ giành được “sân chơi,” nhiều khả năng hình thành nên một chính phủ liên minh.

Luật bầu cử mới cũng cho phép một người không chạy đua trong cuộc tổng tuyển cử có thể trở thành thủ tướng miễn là người này có được sự chấp thuận của cả Hạ viện và Thượng viện được bầu.

Một số đảng chính trị ủng hộ ông Prayut đã tỏ ra nổi trội. Trong đó, đáng gờm nhất là đảng Palang Pracharath mới tồn tại được 3 tháng tuổi, được điều hành bởi 4 bộ trưởng chủ chốt trong Nội các.

Đối lập với đảng Palang Pracharath là đảng Pheu Thai và các đảng phái nhỏ lẻ khác của Pheu Thai là Thai Raksa Chart và Pheu Chart.

Các đảng này đều tuyên bố họ sẽ hợp tác với bất kỳ ai ủng hộ dân chủ và phản đối sự trở lại quyền lực của ông Prayut. Tuy nhiên, liên minh đảng Pheu Thai lại chịu tai tiếng là do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra kiểm soát. Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và hiện vẫn sống lưu vong kể từ năm 2008.

Đảng tầm trung là Bhumjaithai lại không gây nhiều tiếng vang song giới phân tích cho rằng đảng này rốt cục sẽ có “chân” trong liên minh ủng hộ ông Prayut. Trong khi đó, đảng Dân chủ được dẫn dắt bởi cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, vẫn là đảng lớn thứ hai sau đảng Pheu Thai. Đảng này tự coi mình là sự thay thế cho hai khối đối lập: Pheu Thai và liên minh các đảng ủng hộ Prayut.

Ngoài ra, đảng tiến về tương lai gồm những nhà chính trị trẻ tuổi, do nhà tài phiệt Thanathorn Juangroongruangkit điều hành, cũng đã gây được tiếng vang khi tuyên bố họ muốn phi tập trung hóa quyền lực và giảm quy mô lực lượng quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục