Nam Định chính thức khai mạc Lễ hội Phủ Dày 2014

Sáng 2/4, tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản, Nam Định), Lễ hội Phủ Dày 2014 đã chính thức khai mạc, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh.

Sáng 2/4 (tức 3/3 âm lịch), tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản, Nam Định), Lễ hội Phủ Dày 2014 đã chính thức khai mạc, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất cả nước được tổ chức hàng năm.

Lễ hội diễn ra từ ngày 2/4 đến hết ngày 7/4 (tức từ 3/3 – 8/3 âm lịch). Các hoạt động lễ hội sẽ diễn ra liên tục trong sáu ngày, tiêu biểu như thi hát chầu văn, hoa trượng hội tại Phương du phủ Tiên Hương và Phương du phủ Vân Cát; rước thỉnh kinh phủ Vân Cát và rước đuốc phủ Tiên Hương; múa lân, múa sư tử, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật tại Đền Cây Đa Bóng, thi đấu cờ người, thi đấu vật, kéo chữ…

Đặc biệt, kéo chữ là hoạt động đặc sắc mang nét riêng của lễ hội Phủ Dày. Năm nay, đại diện của hai phủ Tiên Hương và Vân Cát được chọn kéo bộ chữ “Mẫu nghi thiên hạ” bằng chữ Hán. Xen kẽ các chữ được kéo sẽ là các đoàn rồng, sư tử, tứ linh biểu diễn múa và phần hòa tấu nhạc cụ dân tộc do Nhà hát Chèo tỉnh Nam Định trình diễn.

Không chỉ vào dịp chính hội mà ngay từ đầu năm quần thể Di tích văn hóa Phủ Dầy đã thu hút đông đảo du khách trảy hội. Ban tổ chức đã thành lập các tiểu ban bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra sự cố bất ngờ cho nhân dân và du khách.

Ban tổ chức cũng quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ; tập trung đẩy lùi các hiện tượng mê tín, tệ nạn xã hội, khắc phục nạn hành khất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phản cảm, văn hoá phẩm lậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách về dự lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn giá trị quần thể di tích và nét độc đáo của Lễ hội Phủ Dày.

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dày bao gồm gần 20 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Lễ hội Phủ Dày được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghi lễ chầu văn – một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu gắn liền với lễ hội Phủ Dày nay có tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cũng đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục