Nạn bắt cóc bé gái hoành hành ở Trung Quốc

Khi bé gái Li Xiang Xiang mới 2 tuổi rưỡi bước ra khỏi cửa nhà vào ngày 1/4 vừa qua để đi tới cửa hàng gần đó, mẹ cô bé nghĩ rằng con mình sẽ sớm trở lại trong vài phút với nụ cười rạng rỡ và một túi kẹo to.

Khi bé gái Li Xiang Xiang mới 2 tuổi rưỡi bước ra khỏi cửa nhà vào ngày 1/4 vừa qua để đi tới cửa hàng gần đó, mẹ cô bé nghĩ rằng con mình sẽ sớm trở lại trong vài phút với nụ cười rạng rỡ và một túi kẹo to.

Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Bé Xiang Xiang đã trở thành nạn nhân của bọn bắt cóc trẻ em ở Trung Quốc, những kẻ coi các bé gái như mặt hàng có thể đem lại bộn tiền.
 
Những thập niên gần đây, chính sách một con của Trung Quốc đã khiến số bé gái được sinh ra sụt giảm hẳn. Theo một nghiên cứu mới công bố của tạp chí Y học Anh, tỷ lệ giới của Trung Quốc là 124 bé trai/100 bé gái. Thậm chí ở một số tỉnh, tỷ lệ này chênh lệch tới mức đáng kinh ngạc là 192 bé trai/100 bé gái.
 
Các bé gái vì thế đã trở thành một “món hàng” đắt giá. Rất nhiều bé đã được các gia đình ở nông thôn mua về để làm vợ “dự trữ” cho những đứa con trai của họ. Những kẻ khác mua các thiếu nữ về vì muốn có một cô dâu trẻ con mà không phải mất tiền hồi môn. Bộ Công an Trung Quốc cho biết mỗi năm có khoảng từ 2.000 - 3.000 bé gái và thiếu nữ bị bắt cóc. Tuy nhiên một số tờ báo của nước này đoán con số thực phải cao tới 20.000 trường hợp/năm. Trong số đó chỉ có một vài vụ được giải quyết và cha mẹ con cái được đoàn tụ.
 
Với những người như anh Li Faming, cha của Xiang Xiang, việc cô bé bị bắt cóc không khác gì trời sập. “Tôi không thiết ăn uống. Vợ tôi đêm nào cũng khóc. Con trai của chúng tôi đã lâm bệnh kể từ khi chị nó bị bắt và giờ phải nhập viện” - anh Li nói. Anh và vợ được phép sinh thêm một đứa con nữa vì con đầu là bé gái. Nỗi đau mà Li bộc lộ cho thấy sự thương yêu vô bờ bến của anh dành cho cô con gái, cũng giống như nhiều ông bố Trung Quốc hiện đại, trái hẳn với truyền thống coi con trai là thứ quý giá nhất và con gái chỉ như một gánh nặng.
 
Gia đình Li rất nghèo. Anh làm nghề trang trí, công việc chỉ đủ để nuôi mấy miệng ăn trong nhà. Cả gia đình anh sống ở một khu ổ chuột tại quận Shuangqiao của thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Thật không may, tỉnh này lại là trung tâm của các hoạt động buôn người đã vươn sang cả Myanmar, Lào và Việt Nam.
 
“Chúng tôi tới cảnh sát và họ ghi nhận vụ việc” - Li kể - “Họ hứa sẽ điều tra... Gần đây họ lại nói rằng rất bận nên không thể tiếp tôi”. Thế là gia đình Li đã phải tự làm các tờ giấy tìm người mất tích. Trong mỗi tờ giấy có in hình Xiang Xiang, một khoản tiền thưởng gần 10.000 USD cho ai tìm ra cô bé, dù rằng gia đình chưa biết sẽ đào đâu ra số tiền lớn như vậy, và số điện thoại của họ.
 
Li không phải là người bất hạnh duy nhất. Bé Mao Yinjie, 4 tuổi, đã mất tích hơn một năm qua. Vụ việc này đã nhận được sự quan tâm từ báo chí, sau khi cha cô bé, ông Mao Zhengfa, do quá bực mình với sự chậm chạp của nhà chức trách, đã gọi điện tới đường dây nóng của Thị trưởng Côn Minh. Chỉ khi đó cảnh sát mới xếp Yinjie vào danh sách người mất tích. Nhưng cô bé vẫn chưa được tìm thấy, dù đã một năm trôi qua.
 
Trong nỗ lực tìm con, nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc đã thành lập trang web mang tên Trẻ em về nhà. Khoảng 2.000 cặp vợ chồng đã đưa lên đó thông tin chi tiết liên quan tới con họ. Hơn 400 đứa trẻ cũng đăng ký tìm cha mẹ. Nhưng sau 2 năm hoạt động, trang web này chỉ giúp được có 7 gia đình đoàn tụ.
 
Cách đây vài tháng, Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức một chiến dịch kéo dài 6 tháng chống việc buôn bán trẻ em và công bố danh sách 10 tên buôn người bị truy nã gắt gao nhất. Bộ này cũng có cơ sở dữ liệu ADN toàn quốc nhằm giúp nhận dạng những đứa trẻ bị mất tích.
 
Dù vậy, việc chống lại nạn bắt cóc là rất khó khăn. Trong cuộc đột kích nhằm vào một ngôi làng ở quận Guangnan, tỉnh Vân Nam, cảnh sát phát hiện nhiều đứa trẻ đang được các gia đình ở đây nuôi lớn để chờ ngày đem bán. Một số gia đình còn đóng vai trò môi giới, giúp đỡ các nông dân nghèo bán bớt những đứa con “thừa”.
 
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tận gốc nạn bắt cóc, chính phủ Trung Quốc phải có các hình phạt nặng hơn để chống lại không chỉ bọn bắt cóc mà cả những kẻ mua trẻ em. Tờ China Daily đã hưởng ứng lời kêu gọi, cho rằng mức phạt 3 năm tù hiện nay là không đủ nặng. Tuy nhiên hình phạt nào mới là đủ nặng để đền bù cho nỗi đau của các ông bố mất con ở Côn Minh, những người luôn để ảnh con gần tim mỗi ngày hòng có thêm sức mạnh trong nỗ lực tuyệt vọng tìm lại giọt máu của họ./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục