Nan giải bài toán hậu “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”

Tại TP.HCM, tình hình chủ doanh nghiệp bỏ trốn, để lại số nợ lớn lương công nhân, tiền bảo hiểm xã hội... đang có xu hướng gia tăng.
Theo Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình chủ doanh nghiệp bỏ trốn, để lại số nợ lớn lương công nhân, tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuê mặt bằng... đang có xu hướng gia tăng.

Chỉ tính riêng trong năm 2009, trên địa bàn đã có 10 doanh nghiệp có giám đốc bỏ trốn; ngoài ra có 2 doanh nghiệp chủ không bỏ trốn nhưng đã ngừng sản xuất, không giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động là Công ty Anjin và Công ty Hải Vinh.

Đây là đối tượng bị bảo hiểm xã hội thành phố khởi kiện. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, việc khởi kiện là giải pháp cuối cùng và rất tốn kém.

Trong năm 2009, cơ quan này đã tiến hành khởi kiện 99 doanh nghiệp (có 23 vụ kiện đã giải quyết xong), đưa tổng số doanh nghiệp vào diện bị khởi kiện là 173 đơn vị, thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội 40,16 tỷ đồng, đạt gần 60 %. Án phí cho các vụ kiện nói trên lên đến 500 triệu đồng.

Bộ Luật Hình sự chưa có quy định loại tội danh “chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội” nên bảo hiểm xã hội thành phố chỉ có thể kiện doanh nghiệp ra tòa dân sự. Ngay cả khi đã có phán quyết của tòa án, vụ việc vẫn không phải đã được giải quyết xong xuôi.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, thành phố phải tạm ứng ngân sách để chi trả cho người lao động rồi thanh lý tài sản doanh nghiệp bù vào. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, giá trị tài sản sau khi phát mãi không bù được cho số ngân sách đã tạm ứng.

Trong khi chờ đợi những điều chỉnh hợp lý hơn trong Bộ Luật lao động sửa đổi sắp tới, theo ông Cao Văn Sang, cần phải nâng mức xử phạt hành chính từ 20 triệu đồng như hiện nay lên thành 10% tổng số tiền mà doanh nghiệp cố tình chiếm dụng mới đủ sức răn đe, cảnh báo chung.

Cơ quan này vẫn “đeo đuổi” lộ trình khởi kiện bên cạnh tăng cường việc đi cơ sở đối với những người làm công tác đốc thu bảo hiểm xã hội.

Cùng với Sở Lao động-Thương bình-xã hội và Liên đoàn lao động, bảo hiểm xã hội sẽ sớm “điểm mặt chỉ tên” các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, đưa vào diện kiểm tra và có những xử lý kịp thời. Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự, tiến hành tập huấn Luật Thi hành án cho cán bộ bảo hiểm xã hội các quận huyện./.

Trần Xuân Tình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục