Nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm của các nhà báo-nhà khoa học

Hội thảo “Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm” tập trung thảo luận nhằm nâng cao bản lĩnh và trách nhiệm của người làm công tác tạp chí, trong vai trò vừa là nhà khoa học, vừa là nhà báo.

Ngày 22/6, tại Hải Phòng, Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo 90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam với chủ đề “Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm.”

Hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề nhằm nâng cao bản lĩnh và trách nhiệm của người làm công tác tạp chí, trong vai trò vừa là nhà khoa học, vừa là nhà báo.

Các báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo xoay quanh một số nội dung như bản lĩnh chính trị của người làm công tác tạp chí đối với các vấn đề nhạy cảm, được dư luận quan tâm, như tôn giáo, dân tộc, chủ quyền biển đảo, quan hệ quốc tế; chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình tác nghiệp; kinh nghiệm xây dựng và phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của tạp chí trong bối cảnh hội nhập quốc tế; việc xây dựng các tiêu chí để tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế; tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho công tác tạp chí...

Theo tiến sỹ Lê Mai Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, những tranh chấp liên quan đến biển đảo luôn là những tranh chấp mang tính nguy cơ cao. Nhà báo phải cố gắng chuyển tải, nhận diện những căn cứ pháp lý liên quan về vấn đề Biển đông, chủ quyền, liên quan đến những yêu sách của các quốc gia tranh chấp để bàn thảo, từ đó đưa ra những quan điểm mang tính định hướng dư luận.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Tôn giáo, khẳng định là diễn đàn trao đổi học thuật và là nơi công bố các kết quả nghiên cứu về tôn giáo, Tạp chí đã thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng về tôn giáo. Nghiên cứu cơ bản và bảo vệ lẽ phải là hai phương diện của Tạp chí Tôn giáo. Ngày càng củng cố và hoàn thiện, nâng cao chất lượng, không có sai sót về chính trị cũng là một khía cạnh của bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp.

Tiến sỹ Trần Hồng Hạnh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học, cho biết Tạp chí luôn đề cao xây dựng tính chuyên nghiệp, khả năng phản biện bài viết và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trong quá trình biên tập, ngoài am hiểu về chuyên môn, các biên tập viên phải am tường về khoa học để có thể có tiếng nói phản biện kịp thời. Nếu tri thức khoa học không đảm bảo thì bản lĩnh chính trị cũng không thể đáp ứng được.

Cùng ngày, Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ 4, tổng kết công tác nhiệm kỳ 2010-2015 và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội, tăng cường đoàn kết, tập hợp hội viên, để tổ chức Hội thực sự là diễn đàn hoạt động nghề nghiệp của những người làm báo-làm khoa học.

Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ hướng trọng tâm vào công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng các tạp chí, công bố kịp thời các kết quả nghiên cứu, góp phần quan trọng thúc đẩy nền khoa học xã hội và nhân văn nước ta phát triển; tích cực cung cấp các luận cứ khoa học cho công tác hoạch định và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục