Nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không trong tình hình mới.
Nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không ảnh 1Máy bay của các hãng hàng không tại một sân bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của tình hình khủng bố, cũng như hoạt động tội phạm quốc tế trên toàn cầu, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh hàng không và phòng chống khủng bố nhằm vào hàng không dân dụng, ngày 3/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1360/QĐ-TTg thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (Ủy ban an ninh hàng không), đã được kiện toàn theo Quyết định 2083/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 12 năm hoạt động, Ủy ban an ninh hàng không đã khẳng định được vị trí, phát huy rất tốt vai trò giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng; chỉ đạo, chỉ huy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

[PTT Trần Lưu Quang: Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không]

Qua Báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm (giai đoạn 2010-2020) hoạt động của Ủy ban an ninh hàng không, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không trong tình hình mới.

Xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả

Chỉ thị nêu rõ các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm an ninh hàng không như sau: an ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, cần được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình an ninh quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

An ninh hàng không được đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, được xây dựng trên nền tảng của nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Công tác bảo đảm an ninh hàng không phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh hàng không.

Xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có hệ thống tổ chức độc lập, hoạt động thống nhất, chuyên nghiệp, đủ năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp pháp luật Việt Nam; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Ủy ban an ninh hàng không cần tiếp tục đổi mới hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò, vị trí là cơ quan chỉ đạo chiến lược, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác bảo đảm an ninh hàng không.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay phát huy vai trò quản lý Nhà nước tại địa phương; tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn bảo đảm an ninh trật tự, an ninh, an toàn hàng không; thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ, bao gồm: Phương án đối phó tại chỗ; lực lượng tại chỗ; trang thiết bị tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn về an ninh hàng không, đặc biệt, tập trung hoàn thiện Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về an ninh hàng không; các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.

Hoàn thiện hệ thống tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn về an ninh hàng không.

Thực hiện nghiêm quy định về công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao khoa học-kỹ thuật, văn hóa, xã hội; Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy định liên quan về tăng cường quản lý, giám sát và thiết lập khu cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; các quy định về cấm sử dụng tia laser, nguồn sáng có công suất lớn…

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị Công an, Quân đội và Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cảng hàng không, sân bay; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, tham gia tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không

Chỉ thị yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống quản lý, bảo đảm an ninh hàng không.

Cụ thể, rà soát, hoàn thiện tổ chức, biên chế của bộ phận an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không phù hợp với chức năng Nhà chức trách hàng không và quy định của pháp luật về an ninh hàng không; xây dựng đội ngũ tham mưu, giám sát viên an ninh hàng không chuyên sâu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an ninh hàng không; kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp hàng không xây dựng hệ thống quản lý theo quy định của pháp luật; xây dựng chương trình chuẩn đào tạo đội ngũ giám sát viên an ninh hàng không, chuyên viên làm công tác tham mưu, giúp việc trong công tác đảm bảo an ninh hàng không.

Nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không ảnh 2Hành khách làm thủ tục tại sân bay. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc tổ chức lực lượng kiểm soát để cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không theo thông lệ quốc tế và thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp, không cổ phần hóa, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không bằng nhiều hình thức; xây dựng bản tin (tài liệu thông tin chuyên môn, nghiệp vụ nội bộ) về công tác bảo đảm, phòng chống can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; xây dựng, củng cố văn hóa an ninh hàng không, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp trong bảo đảm an ninh hàng không.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không tăng cường tổ chức diễn tập thực chiến về an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin tại các cảng hàng không, sân bay.

Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm đến an ninh, an toàn hàng không.

Chủ trì, chỉ đạo, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia, xây dựng trên nền tảng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân theo quy định trong Luật An ninh quốc gia, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan.

Xây dựng, hoàn thiện và ban hành Đề án "Công tác công an bảo đảm an ninh hàng không"; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tổ chức và hoạt động của lực lượng An ninh trên không; Đề án thành lập Đồn Công an tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm.

Quản lý chặt tàu bay không người lái

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Phương án ứng phó tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc giám sát, cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm hoạt động hàng không dân dụng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chỉ thị yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khoản 3 Điều 48 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Điều 41 Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về An ninh hàng không, tập trung vào một số giải pháp cụ thể:

Bằng nhiều hình thức, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự xã hội an ninh, an toàn hàng không, bổ sung vào chương trình công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của các địa phương; tăng cường tuần tra kiểm soát khắc phục tình trạng cò mồi, taxi dù tại các cảng hàng không, sân bay; triển khai, tăng cường các tuyến xe buýt, dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối các trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đi, đến cảng hàng không, sân bay.

Triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn chiếu laser, thả diều, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quản lý tốt hoạt động của các câu lạc bộ dù lượn, tránh uy hiếp an toàn hàng không.

Đồng thời, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kế hoạch khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng của từng địa phương; chủ động rà soát việc mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, tài liệu và đảm bảo các điều kiện khác để thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ.

Sàng lọc lực lượng bảo đảm an ninh hàng không

Các doanh nghiệp có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không căn cứ quy định của pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe, trình độ chuyên môn, nhân thân, phẩm chất chính trị và đạo đức đối với lực lượng bảo đảm an ninh hàng không. Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, bố trí sử dụng, sàng lọc lực lượng bảo đảm an ninh hàng không một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy định.

Đào tạo, tập huấn nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng chuyên nghiệp, ngoại ngữ, ý thức chấp hành pháp luật, quy định nội bộ của nhân viên an ninh hàng không, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Rà soát hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện về an ninh hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế; chuyên nghiệp hóa các cơ sở được giao đào tạo ban đầu nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.

Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cơ sở về an ninh hàng không; nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, phương tiện, trang bị, thiết bị an ninh hàng không; phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an chủ động ứng dụng công nghệ mới về nhận diện sinh trắc học đối với người Việt Nam và nước ngoài; tập trung nâng cấp hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hệ thống bảo đảm an ninh hàng không, xử lý khẩn nguy và thực hiện các biện pháp an ninh phòng ngừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục