Nâng cao năng lực xét nghiệm là “vũ khí” khởi động lại kinh tế Canada

Theo nhiều nhà phân tích, “vũ khí” mà Canada cần trong cuộc chiến với COVID-19 trong những tháng tới đó là: xét nghiệm và xét nghiệm nhiều hơn nữa.
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Toronto, Canada.( Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở Toronto, Canada.( Ảnh: THX/TTXVN)

Trong cuộc chiến với virus corona SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, 38 triệu dân Canada cùng “nhập ngũ” và nhận lệnh “giãn cách xã hội.”

Câu hỏi đang được đặt ra đó là Canada cần làm gì để giành chiến thắng trong trận đấu này và bao giờ người dân Canada mới được “giải ngũ.”

Thủ tướng Justin Trudeau trong một phát biểu mới đây đã cảnh báo người dân Canada sẽ không thể quay lại cuộc sống bình thường như trước khi có đại dịch COVID-19 cho tới khi có vắcxin phòng bệnh. “Sẽ là một chặng đường dài phía trước. Chúng ta cần thận trọng trong ít nhất một năm nữa,” Thủ tướng nói.

Ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy Canada đang kìm được tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh. Mặc dù với tình hình hiện nay Canada chưa thể nới lỏng lệnh đóng cửa nền kinh tế, nhưng ít nhất cũng có cơ sở để tin rằng sẽ có ngày này và Canada cần lên kế hoạch chuẩn bị.

Theo nhiều nhà phân tích, “vũ khí” mà Canada cần trong cuộc chiến với COVID-19 trong những tháng tới đó là: xét nghiệm và xét nghiệm nhiều hơn nữa.

Ông Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York (Mỹ), nhận định rằng bang này (với dân số bằng một nửa của Canada) cần đặt mục tiêu nâng năng lực xét nghiệm COVID-19 lên hàng trăm nghìn người/ngày nếu muốn mở cửa trở lại nền kinh tế và duy trì được tình trạng mở cửa này.

[Dịch COVID-19: Canada thận trọng về việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm]

Tóm lại, việc xét nghiệm đóng vai trò thiết yếu trong trận chiến với COVID-19. Nhưng cách tiếp cận của Canada trong tháng Ba vừa qua được ví von như “ném bom rải thảm.”

Việc thiếu công cụ để liệt kê người nhiễm virus, người mắc bệnh nhưng đã khỏi... khiến Canada không có lựa chọn nào khác ngoài việc cách ly mọi người với nhau. Canada chỉ có thể nới lỏng được cách tiếp cận này trong trường hợp trang bị đầy đủ “vũ khí” xét nghiệm.

Nhiều chuyên gia cho rằng Canada hoàn toàn có thể làm được điều này, trong bối cảnh phương pháp xét nghiệm virus không ngừng được cải tiến, chẳng hạn như các máy phân tích của Spartan Bioscience có thể cho kết quả xét nghiệm trong vòng chưa đến 1 tiếng. Ngoài ra, có nhiều cách để tối ưu hóa việc “truy tìm dấu vết’ của các ca nhiễm thông qua điện thoại thông minh...

Đặc biệt, việc xét nghiệm cũng không quá đắt đỏ và không thể so với hàng trăm tỷ đôla Canada (CAD) tổn thất về kinh tế mà Canada đang phải gánh chịu, hay hàng trăm tỷ CAD thâm hụt ngân sách mà Ottawa và các tỉnh bang phải chấp nhận để xoa dịu “nỗi đau” mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Đầu tháng Tư này, công ty Spartan đã ký một hợp đồng bán cho tỉnh bang Alberta 250 máy phân tích và 100.000 bộ kit xét nghiệm với giá 9,5 triệu CAD.

Hiện nay Canada tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 18.000 người mỗi ngày. Con số này cao hơn nhiều nước khác, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.

Nâng cao năng lực xét nghiệm là “vũ khí” khởi động lại kinh tế Canada ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Canada phải có phương tiện để xét nghiệm cho người có triệu chứng và cả những người đã tiếp xúc với người có triệu chứng. Canada cần tiến hành xét nghiệm định kỳ các nhân viên chăm sóc y tế và bệnh nhân tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Canada cũng phải xét nghiệm nhanh cho hàng nghìn lái xe tải hàng ngày chạy qua biên giới Mỹ-Canada.

Từ nay cho tới khi có vắcxin phòng bệnh, người dân phải “làm phẳng đường cong” dịch bệnh bằng cách ở tại nhà trước khi Canada có thể mở cuộc "tổng tấn công" trên mặt trận xét nghiệm, đi kèm với việc kiểm soát biên giới chặt chẽ và thực hiện giãn cách xã hội với các mục tiêu cụ thể.

Những giải pháp này sẽ đem đến cho Canada cơ hội để mở cửa trở lại phần lớn các hoạt động kinh tế, cho phép đông đảo người dân được quay trở lại làm việc.

Ngân hàng trung ương Canada nhận định đại dịch COVID-19 đã đẩy GDP của nước này trong ngắn hạn rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Ngân hàng này ước tính GDP thực tế của Canada, khi so với ở thời điểm quý 4/2019 có thể giảm 1-3% trong quý 1 vừa qua và giảm 15-30% trong quý 2 này.

Đáng chú ý là báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thâm hụt ngân sách của Canada trong tài khóa bắt đầu vào ngày 1/4 vừa qua có thể bị đẩy lên 184,2 tỷ CAD (gần 132 tỷ USD), tương đương 8,5% GDP.

Lần gần đây nhất ngân sách Canada bị thâm hụt 8,5% GDP là hồi năm 1984-1985./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục