Nâng cao nhận biết để không bị lừa đảo khi giao dịch trên mạng

Có người cả tin, đã làm theo hướng dẫn nộp tiền và sau đó phát hiện ra mình bị lừa mất số tiền đã chuyển. Trường hợp khách hàng trả lời đã thanh toán tiền điện rồi thì đối tượng lừa đảo dừng cuộc gọi.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh về việc người dân nhận được cuộc gọi từ số điện thoại di động lạ yêu cầu nộp tiền điện, nếu không sẽ bị cắt điện.

Khi làm theo hướng dẫn nộp tiền điện, nhiều người sau đó đã phát hiện ra mình bị lừa đảo, vừa mất tiền, vừa hoang mang, hoảng sợ.

Để không bị mắc vào những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, người dùng cần tự trang bị cho mình những thông tin và biết cách giải quyết để thoát khỏi tình huống lừa đảo.

Nâng cao cảnh giác

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), từ đầu tháng 5 đến nay, các kênh Chăm sóc khách hàng của EVN nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc họ nhận được điện thoại từ số điện thoại lạ, tự xưng là "nhân viên điện lực", "tổng đài ngành điện," "điện lực Việt Nam" để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện. Thậm chí, người gọi còn đe doạ sẽ cắt điện nếu người dùng không không nộp tiền điện.

Có người cả tin, đã làm theo hướng dẫn nộp tiền và sau đó phát hiện ra mình bị lừa mất số tiền đã chuyển. Trường hợp khách hàng trả lời đã thanh toán tiền điện rồi thì đối tượng lừa đảo lập tức dừng cuộc gọi.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) thống kê từ ngày 4 đến 14/5, đã có hơn 80 cuộc gọi của khách hàng đến đường dây nóng của điện lực (Tổng đài 19001909) để phản ánh về tình trạng nhận được cuộc gọi yêu cầu thanh toán tiền điện từ số điện thoại lạ.

Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thậm chí có đầu số không phải ở Việt Nam, gọi đến với nội dung: "Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn."

Sau khi bấm số 9, có người nói chuyện trực tiếp đề nghị cung cấp tên, địa chỉ để kiểm tra tiền điện rồi thông báo là khách hàng đang nợ tiền điện, thậm chí tiến hành dọa nạt sẽ gửi hồ sơ khách hàng sang công an, sau đó yêu cầu chuyển tiền gấp tới số tài khoản lạ.

Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội Hà Nội khẳng định đây là hành vi lừa đảo và đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực.

Ông Lê Ánh Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cho biết hiện nay Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đã gửi thông báo về các hình thức lừa đảo, giả mạo nhân viên ngành điện đến khách hàng qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, với những thông tin được người dân cung cấp về các vụ lừa đảo, EVNHANOI đã gửi hồ sơ sang cảnh sát điều tra công an Thành phố Hà Nội để xử lý.

Trường hợp này người dân bị lừa đảo qua điện thoại. Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/8/2020 về Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác cuộc gọi rác có quy định rõ về các biện pháp xử lý cuộc gọi rác, trách nhiệm của các bên liên quan cũng như hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời Cục Viễn thông cũng phối hợp với các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, ngăn chặn tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn...

Trên thực tế, gọi điện thoại chỉ là một trong những phương tiện của kẻ xấu khi thực hiện hành vi lừa đảo. Không dễ dàng ngăn chặn đối tượng lừa đảo tiến hành mọi cách để đạt được mục tiêu xấu, cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại cho bản thân người dùng là phải tự nâng cao cảnh giác, nhạy bén trong việc xử lý thông tin để làm thất bại hành vi lừa đảo của kẻ xấu.

Cụ thể, người dùng khi nhận được điện thoại từ một số lạ, yêu cầu một vấn đề liên quan đến thanh toán tiền, cung cấp các thông tin cá nhân cần phải cảnh giác cao độ, không thực hiện các yêu cầu trên. Người dùng nhắn tin theo cú pháp là V [nguồn phát tán][nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656. Ví dụ V (09xx93xxxxx)(lua dao nop tien dien) rồi gửi đến số 5656.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận thông báo, phối hợp với các nhà mạng để xử lý thuê bao phát tán nội dung lừa đảo. Ngoài ra, trong trường hợp biết bị lừa đảo về vấn đề gì, cần liên hệ trực tiếp với đơn vị chủ quản để thông báo tình hình.

Cụ thể trong trường hợp liên quan đến tiền điện, Tổng công ty điện lực Việt Nam đã khuyến cáo khách hàng cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh "Chăm sóc khách hàng" chính thống của ngành Điện.

Trong mọi trường hợp, ngành Điện khuyến cáo mọi người không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình, đồng thời tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cẩn trọng khi thanh toán qua internet

Một cách thức lừa đảo nữa khá phổ biến là trên các ứng dụng, trang web để thanh toán hóa đơn điện qua trung gian. Trong vòng 1 phút, với cụm từ khóa "khuyến mại thanh toán tiền điện", Google tìm kiếm cho ra hơn khoảng 37,7 triệu kết quả. Trong đó, có rất nhiều trang web có thông tin hấp dẫn như khuyến mại giảm % thanh toán tiền điện, hoàn tiền, mua vourcher (phiếu khuyến mại) để được chiết khấu tiền điện…

Câu chuyện ở đây là khi người dùng sử dụng 1 hình thức khuyến mại nào với mong muốn được giảm giá điện, đó có thể là lỗ hổng để đối tượng xấu lợi dụng để lừa tiền hoặc đánh cắp thông tin cá nhân.

Anh Trần Hoài Bảo (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết "Tôi đã kích vào những đường dẫn có thông tin giảm giá, khuyến mại trên mạng để tìm thông tin. Với tính năng tự động chat chăm sóc khách hàng, nhiều trang web đã tư vấn cho người dùng các hình thức thanh toán hóa đơn trên mạng để nhận được chiết khấu. Một số trang web cung cấp dịch vụ thanh toán thực sự và có ưu đãi cho người dùng. Tuy nhiên nhiều trường hợp khi thanh toán qua 1 đơn vị trung gian, thanh toán từ ví điện tử của mình để mua dịch vụ giảm giá thì người dùng đã mất tiền khi chuyển khoản đến một địa chỉ lạ hoặc bỏ tiền mua mã, thẻ giảm giá nhưng không sử dụng được."

[Cảnh báo tình trạng mạo danh công ty điện lực gọi điện lừa khách hàng]

Trong các giao dịch trên internet như vậy, khi hành vi lừa đảo xẩy ra, người dùng sẽ chịu thiệt hại, không truy vết được đối tượng lừa đảo. Nhiều trường hợp số tiền bị lừa từ vài chục, đến vài trăm nghìn, với người bị lừa đảo số tiền bị mất không nhiều nên bỏ qua, nhưng với kẻ lừa đảo, lừa được số tiền nhỏ nhưng từ nhiều người.

Nguồn lợi bất chính này vẫn khiến nhiều đối tượng tìm mọi cách thức, thủ đoạn để lừa tiền. Việc kiểm nghiệm, loại bỏ nhưng trang thông tin giả mạo được các cơ quan chức năng tiến hành xử lý thường xuyên nhưng không thể xử lý triệt để.

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện nay trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu EVN (có địa chỉ là: http://dienlucevn.com) không phải của EVN cũng như của bất cứ đơn vị thành viên nào của EVN.

Trang web này đã sử dụng tên miền và một số nội dung, hình ảnh có thể gây hiểu nhầm là ấn phẩm thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi sử dụng các thông tin tại trang web này.

Đối với những trường hợp lừa đảo trên internet, chuyên gia công nghệ khuyến cáo các cá nhân sử dụng internet và các mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Với mọi giao dịch thanh toán trên mạng, với đối tượng lạ, phải cẩn trọng kiểm tra địa chỉ chuyển tiền. Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... khi tham gia vào các đường dẫn trên mạng.

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...

Khi hình thức nhân viên đến nhà thu tiền điện được thay thế bằng các hình thức thanh toán điện tử, một loạt các hình thức lừa đảo kiểu mới đã ra đời, phát triển nhanh chóng. Đối tượng lừa đảo đã kết hợp nhiều hình thức, phương tiện khiến cho hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, số lượng người bị lừa đảo ngày càng nhiều.

Trước khi các cơ quan chức năng có những biện pháp triệt để để ngăn chặn các phương thức mà kẻ xấu sử dụng để lừa đảo, mỗi người dùng cần nâng cao cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng công nghệ để không là nạn nhận của các vụ lừa đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục