Nắng nóng bất thường lên đến 30 độ C tại bang Alaska của Mỹ

Đã quá quen với những ngày nhiệt độ âm, người dân Alaska đang tìm cách thích ứng với một đợt nóng kỷ lục với nhiệt độ tăng vọt 30 độ C so với mức nhiệt thông thường ở một số khu vực.
Nắng nóng bất thường lên đến 30 độ C tại bang Alaska của Mỹ ảnh 1Vùng đất băng tuyết Alaska đang tìm cách thích ứng với một đợt nóng kỷ lục với nhiệt độ tăng vọt 30 độ C. (Nguồn: iStock)

Đã quá quen với những ngày nhiệt độ âm, người dân Alaska đang tìm cách thích ứng với một đợt nóng kỷ lục với nhiệt độ tăng vọt 30 độ C so với mức nhiệt thông thường ở một số khu vực.

Chuyên gia khí hậu Rick Thoman tại Trung tâm Đánh giá và Chính sách Khí hậu Alaska cho biết vùng này đã trải qua tình trạng nóng bất thường trong cả tháng 2 và 3 này.

Nhiều nơi sẽ ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 3. Ông Thoman cho biết nhiều thành phố và thị trấn tại nửa phía Bắc của bang Alaska sẽ chứng kiến mức nhiệt tăng cao hơn thông thường từ 14 tới 22 độ C trong cuối tuần này khi tình trạng nóng tiếp diễn.

Đây là hình thái thời tiết mà Alaska thường trải qua và tháng 4 và tháng 5 hằng năm nhưng nay đã kéo đến sớm hơn.

[Một số căn cứ quân sự Mỹ có thể bị đe dọa do biến đổi khí hậu]

Dự báo, tình trạng nóng bất thường này sẽ kéo dài tới hết tháng 4, với mức nhiệt cao nhất sẽ dược ghi nhận ở phần phía Tây của bang này.

Chuyên gia Thoman cũng cho biết các đợt nóng bất thường cũng từng xảy ra ở Alaska trong vài năm gần đây, một phần do tình trạng băng trên biển tan và Bắc Cực ấm lên. Nóng bất thường đã tác động nghiêm trọng tới các cộng đồng địa phương, thiên nhiên hoang dã và nền kinh tế khu vực.

Người dân địa phương không thể tiến hành các hoạt động thông thường vốn chủ yếu phụ thuộc vào các tầng băng dày trên mặt biển trong khi số lượng hải cẩu cũng được cho là sẽ bị giảm trong vài tháng tới vì một số thuộc loài này chỉ sinh sản trên băng dày.

Hoạt động giao thông trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trong khi có tới 2/3 số cộng đồng dân cư ở Alaska không thể được tiếp cận bằng những tuyến đường thông thường mà dựa vào những dòng sông đóng băng vào mùa Đông.

Ông Thoman cho biết tình trạng ấm lên toàn cầu đã khiến dộ dày của băng trên biển Bering, kết nối Bắc Cực, giảm xuống mức thấp nhất tính từ năm 1850, khi con người bắt đầu ghi nhận độ dày của băng tại khu vực này.

Chuyên gia này cho biết điều ông lo sợ nhất hiện nay là tốc độ biến đổi đang diễn ra ở mức chưa từng thấy và khả năng ứng phó với những biến đổi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục