NATO chuyển cơ sở hạ tầng quân sự đến gần biên giới với Nga

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đưa ra đề xuất về việc thành lập các căn cứ thường trực của NATO gần biên giới với Nga và hủy bỏ một thỏa thuận giữa Nga và NATO từ năm 1997.
NATO chuyển cơ sở hạ tầng quân sự đến gần biên giới với Nga ảnh 1Khu vực biên giới giữa Nga và Latvia. (Nguồn: LETA)

Theo hãng tin TASS, ngày 11/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng châu Âu sai lầm khi chưa hiểu những nguy cơ từ quyết định di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến gần biên giới với Nga, vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột hiện nay.

Ông Peskov đưa ra tuyên bố trên sau khi Nhật báo The Times của Anh trong tuần này đưa tin Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đưa ra đề xuất về việc thành lập các căn cứ thường trực của NATO gần biên giới với Nga và hủy bỏ một thỏa thuận giữa Nga và NATO từ năm 1997, trong đó nêu rõ không triển khai vũ khí hạt nhân và các lực lượng chiến đấu đáng kể thường trực trên lãnh thổ của các nước thành viên mới của liên minh.

Liên quan đến việc Ukraine gia nhập NATO, ông Peskov cảnh báo điều này rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu và tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn.

Ngày 7/7 vừa qua, NATO đã quyết định cắt giảm thủ tục gia nhập liên minh của Ukraine trong tương lai bằng cách loại bỏ yêu cầu Kiev phải thực hiện Kế hoạch hành động để có tư cách thành viên (MAP) như một phần trong quy trình gia nhập khối quân sự này.

[Các vấn đề về Ukraine trở thành tâm điểm tại Hội nghị thượng đỉnh NATO]

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích rằng Ukraine không cần MAP nữa vì "nước này đã tiến gần hơn đến liên minh" và giai đoạn này của thủ tục gia nhập sẽ được loại bỏ đối với Kiev.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Nga sẽ có các biện pháp đáp trả sau khi Thụy Điển gia nhập NATO và sẽ tương tự như những biện pháp đang được lên kế hoạch liên quan đến việc Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này trước đó.

Thụy Điển cùng với Phần Lan đã xúc tiến các thủ tục gia nhập NATO vào năm ngoái, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ do mẫu thuẫn giữa các bên.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận để Phần Lan trở thành quốc gia thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 năm nay, trong khi vẫn từ chối Thụy Điển.

Tuy nhiên, ngày 10/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra tại Litva trong hai ngày 11-12/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục