Nga đạt thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V ở nhiều nước châu Âu

Trước sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng, nhiều quốc gia đã quyết định không phụ thuộc vào EU mà tự tìm giải pháp riêng cho mình, trong đó một số nước đã tìm đến vaccine Sputnik V của Nga.
Nga đạt thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V ở nhiều nước châu Âu ảnh 1Vaccine Sputnik V của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev tuyên bố, quỹ này đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V ngừa bệnh COVID-19 ở các nước châu Âu quan trọng, trong bối cảnh cơ quan y tế của Liên minh châu Âu (EU) đang thận trọng cân nhắc việc chính thức phê duyệt loại vaccine này.

Trong tuyên bố, ông Dmitriev nhấn mạnh RDIF đã đạt được thỏa thuận với các công ty từ Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Đức để bắt đầu sản xuất Sputnik V. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức EU đang tham gia quá trình đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cho biết, Italy đang cân nhắc sử dụng cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất của nước này là nhà máy ReiThera ở gần thủ đô Rome để sản xuất Sputnik V.

EU đang chịu nhiều sự chỉ trích do sự chậm trễ trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng. Nhiều nước châu Âu đang tiếp tục phải "căng mình" đối phó với dịch bệnh, ví dụ như Italy đang tăng cường các biện pháp phong tỏa, Pháp đang phải giải quyết tình trạng hệ thống y tế quá tải tại Paris hay Đức đang chuẩn bị cho làn sóng bùng phát mới.

[Vaccine Sputnik V sản xuất tại Italy có thể được bán vào cuối năm 2021]

Cho đến nay, EU đã cấp phép cho 4 vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, những vấn đề trong khâu sản xuất đã khiến kế hoạch tiêm chủng của EU diễn ra chậm chạp, điển hình là việc AstraZeneca mới đây thông báo sẽ giảm lượng vaccine cấp cho các nước EU.

Trước sự chậm trễ này, nhiều quốc gia đã quyết định không phụ thuộc vào EU mà tự tìm giải pháp riêng cho mình. Một số quốc gia khu vực Trung Âu như Slovakia và Hungary đã mua Sputnik V, trong khi Cộng hòa Séc cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến loại vaccine này. Trong khi đó, EU vẫn chưa đưa ra thông tin gì về khả năng cấp phép lưu hành cho Sputnik V./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục