Nga "sẽ hành động" nếu phương Tây không phản hồi về đề xuất an ninh

Quan chức ngoại gia Nga cho biết nếu Nga không nhận được phản hồi "mang tính xây dựng" từ phương Tây, Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Nga "sẽ hành động" nếu phương Tây không phản hồi về đề xuất an ninh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: reuters.com)

Ngày 13/1, trong khuôn khổ cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo), đại diện phái bộ của Nga tại OSCE khẳng định, Moskva sẽ hành động để bảo vệ an ninh quốc gia nếu nước này không nhận được "phản ứng mang tính xây dựng" từ phương Tây đối với các đề xuất đảm bảo an ninh.

Trưởng phái bộ Nga tại OCSE, Đại sứ Alexander Lukashevich nói rằng: "Nếu chúng tôi không nhận được phản hồi mang tính xây dựng đối với các đề xuất của chúng tôi trong khung thời gian hợp lý và nếu hành vi gây hấn nhằm vào (Nga) tiếp tục, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo cân bằng chiến lược và loại bỏ các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Nga."

Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RTVI cho biết chính quyền Nga đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua ngoại giao, nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ trong trường hợp tình hình miền Đông Ukraine leo thang.

[Liên minh châu Âu và NATO thảo luận về các đề xuất an ninh của Nga]

Theo ông Ryabkov, các chuyên gia quân sự đã đưa ra và tiếp tục đưa ra các phương án cho Tổng thống Putin trong trường hợp tình hình Ukraine xấu đi, nhưng “chúng ta cần trao cho ngoại giao cơ hội.”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết các cuộc đối thoại nhằm tìm cách phá vỡ thế bế tắc liên quan tới những đề xuất an ninh của Nga, bao gồm việc từ chối vĩnh viễn việc Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã không có bước đột phá.

Phát biểu họp báo sau phiên khai mạc cuộc họp của 57 nước thành viên OSCE, ông Zbigniew Rau thừa nhận đàm phán có tiến triển, tuy nhiên các nước thành viên OSCE sẽ cần bước vào đối thoại thực chất.

Ông nói: "Thật khó để nói tới bất kỳ sự đột phá nào. Một số thành viên cho rằng đưa ra một tuyên bố là đủ và không tham gia tranh luận."

Một quan chức thạo tin các cuộc đàm phán cho biết các đặc phái viên tại cuộc họp đã đọc những tuyên bố được chuẩn bị sẵn thay vì tham gia thảo luận thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục