Nga, Syria kêu gọi LHQ tìm giải pháp cho vấn đề trại tị nạn Rukban

Nga và Syria kêu gọi Liên hợp quốc thuyết phục Mỹ hiểu ra rằng sự tồn tại của những cơ sở như trại tị nạn Rukban là không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi tổ chức này giúp đưa ra giải pháp.
Nga, Syria kêu gọi LHQ tìm giải pháp cho vấn đề trại tị nạn Rukban ảnh 1Trẻ em trại tị nạn Rukban ở Syria. (Nguồn: aljazeera.com)

Ngày 7/3, Nga và Syria kêu gọi Liên hợp quốc thuyết phục Mỹ hiểu ra rằng sự tồn tại của những cơ sở như trại tị nạn Rukban ở Syria là không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi tổ chức đa phương này giúp đưa ra giải pháp cho vấn đề.

Theo hãng tin Sputnik, nhóm phối hợp liên ngành của Nga và Syria ra tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi các thành viên của cộng đồng quốc tế, mà trên hết là Liên hợp quốc, thực hiện các bước đi tích cực để giải quyết vấn đề trại tị nạn Rukban vốn đã kéo dài suốt nhiều năm qua, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, và thuyết phục Mỹ hiểu ra rằng sự tồn tại của những nơi như trại Rukban là không thể chấp nhận trong thế giới hiện đại."

Tuyên bố trên cũng cho biết giới chức Jordan không cho phép người tị nạn từ trại Rukban đi vào lãnh thổ Jordan, đồng thời kêu gọi Amman cân nhắc thay đổi lập trường và cho phép người tị nạn đi vào lãnh thổ nước này.

[Nga: Mỹ lợi dụng trại tị nạn để bao biện cho sự hiện diện ở Syria]

Tuyên bố nhấn mạnh: "Giới chức Jordan, viện dẫn các vấn đề an ninh và tình hình kinh tế khó khăn trong nước, từ chối mở cửa biên giới cho người tị nạn đi vào lãnh thổ nước này. Những người tị nạn bị bỏ lại với duy nhất một con đường cứu tế, đó là hành lang nhân đạo do nhà chức trách Syria thiết lập."

"Chúng tôi hy vọng đối tác Jordan sẽ thực thi các sáng kiến nhân đạo liên quan tới hồi hương người tị nạn Syria và tham gia tiến trình giải quyết vấn đề trại Rukban, từ đó giúp bình ổn tình hình trong khu vực, điều mà Amman quan tâm."

Trại Rukban với gần 40.000 người lánh nạn đang sinh sống, nằm ở khu vực miền Nam Syria, không xa Jordan. Khu vực trở thành trại tị nạn cho người dân Syria hồi năm 2014 này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Hồi tháng Một vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả người tị nạn sống trong trại Rukban như là "sống trong một cái bẫy" tồi tệ.

Theo WHO, nguồn cung nước bị hạn chế, thời tiết giá lạnh, các cơ sở y tế hoạt động trong cảnh thiếu thốn là nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh tật trong trại Rukbun như cúm, sởi, viêm phổi, các bệnh về hô hấp mãn tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục