Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/8, các đại diện của Nga và Mỹ đã đưa ra những ý kiến tranh cãi về vấn đề kiểm soát vũ khí trong bối cảnh hai nước cáo buộc nhau gây nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được triệu tập theo đề nghị của Nga và Trung Quốc, sau khi ngày 19/8 vừa qua Mỹ thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình thông thường phóng từ mặt đất, đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km. Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ kể từ khi nước này rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Phát biểu tại phiên họp, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy nhấn mạnh vụ thử tên lửa nói trên chứng tỏ “Mỹ sẵn sàng cho một cuộc chạy đua vũ trang."
Ông Polyanskiy kêu gọi các nước châu Âu hành động để ngăn chặn Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu lục, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng “đối thoại nghiêm túc” về kiểm soát vũ khí để đảm bảo tình hình an ninh và ổn định chiến lược.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen khẳng định các cuộc thử nghiệm của Mỹ phát triển tiềm lực vũ khí thông thường không phải là hành động khiêu khích hay gây mất ổn định.
Đại diện Mỹ nhấn mạnh việc Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời nêu rõ Washington quan tâm các hình thức “kiểm soát vũ trang nghiêm túc."
[Nga cáo buộc Mỹ đang cố phá hủy hệ thống kiểm soát vũ khí]
Cũng tại diễn đàn này, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân kêu gọi Nga và Mỹ duy trì đối thoại về an ninh chiến lược và các vấn đề giải trừ vũ khí song phương cũng như gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) sau khi hai bên đã chấm dứt INF. Tuy nhiên, ông Trương Quân nêu rõ Trung Quốc sẽ không tham gia bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí ba bên nào với Nga và Mỹ.
INF được Mỹ và Liên Xô trước đây ký năm 1987 và chính thức có hiệu lực năm 1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình bố trí trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km). Tuy nhiên, những năm gần đây Moskva và Washington nhiều lần chỉ trích nhau vi phạm thỏa thuận.
Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga-Mỹ đối thoại để tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới./.