Ngân hàng chưa mở rộng cho vay chứng khoán

Dù hạn mức cho vay kinh doanh chứng khoán còn nhiều nhưng hầu hết các ngân hàng chưa mở rộng dịch vụ cho vay này vì lo ngại rủi ro.
Mặc dù hạn mức cho vay kinh doanh chứng khoán còn khá nhiều nhưng hầu hết các ngân hàng đều cho biết chưa có ý định mở rộng dịch vụ cho vay này trong thời gian tới.

Lo ngại rủi ro

Theo quy định, các ngân hàng được sử dụng 20% trên tổng vốn điều lệ để cho vay đầu tư chứng khoán. Tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ này vẫn còn khá nhiều, nhưng họ vẫn không “mặn mà” với mở rộng hoạt động cho vay này vì đây là loại hình tín dụng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro so với các loại hình cho vay khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán và bản thân ngân hàng thương mại cũng không “mặn mà” với việc mở rộng dịch vụ này.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần như Phương Đông, Miền Tây… cho biết sẽ thận trọng đối với tín dụng cầm cố chứng khoán trong thời gian tới.

Thực tế, tín dụng dành cho chứng khoán thường là các khoản vay ngắn hạn, lãi suất bị khống chế bởi trần lãi suất, cho vay tối đa 12%/năm.

Trong khi đó, cho vay các lĩnh vực khác như tiêu dùng, cho vay sản xuất trung và dài hạn, lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận ở mức trên 15%. Do vậy, các ngân hàng cũng không chú trọng cho vay chứng khoán.

Tuy nhiên, bà Phan Vân Hà - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Artex cho rằng, các ngân hàng hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán không phải vì e ngại rủi ro mà do họ kẹt tiền.

“Thực tế, tôi vẫn thấy một số ngân hàng cho nhà đầu tư cầm cố chứng khoán lấy tiền tái đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường đang “lình xình” thế này thì các nhà đầu tư cũng chẳng dám vay,” bà Hà cho biết thêm.

Trong những năm trước đây, khi thị trường sôi động, các ngân hàng thường cho vay 50-70% thị giá của cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện nay khi thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, tỷ lệ này chỉ từ 30-50% thị giá cổ phiếu.

Ông Phạm Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khẳng định ngân hàng này rất thận trọng trong việc cấp tín dụng cho đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu nào tốt, nhà đầu tư có khả năng kiểm soát được rủi ro thì ngân hàng sẽ cho vay.

Theo ông Dũng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán, do vậy Vietcombank cũng không triển khai mạnh hoạt động này. Nhưng trong chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ, sắp tới Vietcombank sẽ quan tâm hơn tới dịch vụ cho vay đầu tư chứng khoán.

Vốn né chứng khoán

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau khi thị trường vàng đóng cửa. Tuy nhiên, trên thực tế, dù một số sàn giao dịch vàng đã đóng cửa được khá lâu nhưng lượng vốn đổ vào chứng khoán cũng không tăng như kỳ vọng.

Hơn nữa, đang có một xu hướng luồng tiền chảy từ chứng khoán về bất động sản. Bà Phan Vân Hà - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Artex, cho rằng vốn ở sàn vàng không đổ sang chứng khoán như mong đợi vì thực tế chơi trên sàn vàng là “chơi ảo”.

Số tiền mà các nhà đầu tư vàng có chỉ chiếm 5-7% so với số tiền giao dịch trên sàn vàng. Do vậy, khi sàn vàng đóng cửa thì tiền từ sàn vàng đổ sang chứng khoán cũng không nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ diễn ra từ ngày 30/3-1/4, tăng trưởng tín dụng VND quý I/2010 là 0,57%. Như vậy, vẫn còn nhiều dư nợ tín dụng trong năm nay, dự kiến 25%.

Do đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán khởi sắc hơn trong quý II. Nhưng phía ngân hàng vẫn nghiêng về khả năng cân nhắc kỹ hạn mức khi cho vay đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tiếp tục giữ ở mức khá cao từ 15-17%, trong khi lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán thấp, khiến nhiều nhà đầu tư cũng sẽ không vay tiền để đầu tư chứng khoán./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục