Ngân hàng "thả", dân vay tiêu dùng vẫn ngại

Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng thương mại đồng loạt đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hạn mức cho vay cao nhất lên tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại các ngân hàng, mảng tín dụng tiêu dùng vẫn chưa tăng đáng kể, một phần do những chương trình này vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của người dân.

Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng thương mại đồng loạt đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hạn mức cho vay cao nhất lên tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại các ngân hàng, mảng tín dụng tiêu dùng vẫn chưa tăng đáng kể, một phần do những chương trình này vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của người dân.
 
Ngân hàng "thả"

Từ tháng 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng bằng việc để các ngân hàng tự thỏa thuận lãi suất cho vay tiêu dùng. Như được "cởi tấm lòng", các ngân hàng đã đồng loạt đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng.
 
Tại Ngân hàng An Bình, VIB, SHB khách hàng có thể vay 200 triệu đồng mà không cần thế chấp, thời hạn cho vay tối đa lên đến 60 tháng.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank), khách hàng có thể vay tín chấp tối đa đến 300 triệu đồng hoặc vay mức tối đa 10 tháng lương. Hình thức trả nợ và lãi hàng tháng được tính theo dư nợ giảm dần.
 
Tại Ngân hàng Liên Việt, Eximbank hạn mức cho vay tiêu dùng lên tới 500 triệu đồng. Mức cho vay tiêu dùng "đỉnh" nhất thuộc về Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) với hạn mức cho vay tiêu dùng có thể lên tới 1 tỷ đồng và thời gian giải quyết hồ sơ tối đa chỉ 2 ngày.
 
Theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc của Sacombank: "Tín dụng tiêu dùng là một phần không thể thiếu được của các ngân hàng hiện đại". Ông Huy giải thích, tín dụng doanh nghiệp đang chiếm một phần đáng kể trong các ngân hàng thương mại nhưng sẽ dần bị thay thế bởi tín dụng tiêu dùng.
 
Như ở nước ngoài, các doanh nghiệp ít vay vốn ngân hàng để làm ăn mà họ huy động trên sàn chứng khoán với chi phí rẻ hơn, sức cạnh tranh doanh nghiệp sẽ được nâng lên. Do vậy, trong vài năm tới các ngân hàng thương mại sẽ chú trọng cho vay tiêu dùng hơn là doanh nghiệp.
 
Lãi suất còn quá tầm
 
Mặc dù ngân hàng rất "thả cửa" về mức tiền cho vay nhưng trên thực tế người dân vẫn chưa mặn mà với việc vay tiền để tiêu dùng.
 
Chị Đỗ Hải - giáo viên cấp hai ở Hà Nội cho biết: "Mức lãi suất mà các ngân hàng đang áp dụng đối với cho vay tiêu dùng là quá cao, khoảng 1,25% một tháng, tương đương 15% một năm khiến chúng tôi chưa dám vay".
 
Về điều này, các ngân hàng lý giải, cho vay tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà băng phải áp dụng những điều kiện ràng buộc và cân nhắc mức lãi suất sao cho có thể bù đắp chi phí, hạn chế một phần rủi ro. Thực tế, muốn vay được mức tín dụng 500 triệu đồng, khách hàng phải chứng minh thu nhập lên tới gần 30 triệu đồng/tháng, và phải có nhà ở Hà Nội, có ôtô.
 
Chị Phương, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết: "Mình đã từng thử vay tiền ngân hàng để tiêu dùng nhưng phía ngân hàng yêu cầu xác nhận nhiều thủ tục, chứng minh tài chính rườm rà nên mình quyết định không vay nữa. Bên cạnh đó lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao".
 
Bà Nguyễn Thu Hà - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: "Thực tế từ đầu năm tới nay, mảng tín dụng tiêu dùng tại Vietcombank giảm rõ rệt so với năm ngoái".

Theo phân tích của bà Hà, có hai nguyên nhân khiến mảng cho vay tiêu dùng chưa phát triển. Thứ nhất là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nên người dân đang thắt chặt chi tiêu; thứ hai, mức lãi suất hiện nay còn cao so với đại đa số thu nhập của người dân".
 
Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, để tín dụng tiêu dùng thực sự được người dân đón nhận thì các ngân hàng cần một khoảng thời gian để người dân thích nghi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần điều chỉnh mức lãi suất và có những chương trình riêng với những đối tượng khác nhau./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục