Ngân hàng và doanh nghiệp ‘ngóng’ sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ

Lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng việc sửa đổi Thông tư 01 sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang gặp phải.
Ngân hàng và doanh nghiệp ‘ngóng’ sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ ảnh 1Ngân hàng và doanh nghiệp đều đang ngóng Thông tư 01 được sửa đổi để tránh nợ xấu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thông tư 01/2020/TT-Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ được đánh giá cao vì tính kịp thời và hữu dụng của nó đối với cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Thông tư đã hết hiệu lực trong khi nỗi lo về nợ xấu đang ngày càng gia tăng, do đó ngân hàng và doanh nghiệp vẫn phải mỏi mòn ngóng văn bản sửa đổi từ các cơ quan chức năng.

Hiệu quả của việc cơ cấu lại nợ

Thông tư 01 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 có hiệu lực ngày 13/3/2020. 

Đến nay đã tròn 1 năm triển khai các gói hỗ trợ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, đã có hàng vạn doanh nghiệp trên cả nước được giãn nơ theo Thông tư 01, thời gian trả nợ cũng được kéo dài. Nhờ vậy, áp lực nợ cũng giảm đi.

Cùng với đó là lãi suất, các loại phí giao dịch cũng được giảm cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

[COVID-19: Các ngân hàng được quyền chủ động cơ cấu lại nợ]

Tính đến ngày 22/2 đã có khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ trên 366.000 tỷ đồng được giãn, hoãn trả nợ. Hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng cũng đã được miễn, giảm lãi suất.

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch. Hai đợt miễn giảm phí dịch vụ thanh toán năm 2020 có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

Điển hình, không khí làm việc tại tại Công ty cổ phần Dệt May 29/3 (Hachiba) ở thành phố Đà Nẵng như chưa hề có tác động của đại dịch COVID-19. Hàng nghìn công nhân liên tục thay ca làm việc không ngừng nghỉ để kịp giao đơn hàng cho đối tác.

Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Hachiba cho biết cũng như các doanh nghiệp khác, đơn vị này cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty đã linh hoạt bằng việc nhận gia công sản phẩm phục vụ y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn cung cấp cho thị trường Mỹ và Pháp... Chính vì vậy thu nhập của người lao động không bị giảm nhưng thưởng thì không thể bằng mọi năm.

Cũng theo bà Nguyệt, có được kết quả này là do trong thời gian qua các ngân hàng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và kịp thời, thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hàng vạn doanh nghiệp ngóng sửa đổi Thông tư 01

Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 01 có hiệu lực trong vòng một năm, tức là đến ngày 13/3 vừa qua đã hết thời hạn áp dụng. Hiện hàng vạn doanh nghiệp chờ đợi sửa đổi Thông tư 01 để tiếp tục được hỗ trợ tín dụng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp.

Vấn đề đặt ra lúc này là phải sửa đổi Thông tư 01 để có thể tiếp tục gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ngân hàng và doanh nghiệp ‘ngóng’ sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ ảnh 2Sản xuất tại doanh nghiệp dệt may 29/3. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Được biết, dự thảo sửa đổi Thông tư 01 đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trong suốt mấy tháng qua nhưng vẫn chưa thể ban hành mới do còn một số vướng mắc cơ chế.

Thực tế, có ngân hàng đã tạm ngưng triển khai Thông tư 01 do lo ngại rủi ro. Còn doanh nghiệp cũng lo lắng bởi nếu nhà băng không hỗ trợ vì lý do Thông tư chưa được gia hạn thì nhiều khả năng họ sẽ bị liệt vào danh sách nợ quá hạn, điểm tín dụng xấu và không thể tiếp tục vay vốn.

Bà Hoàng Thi Mai Thảo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết nếu không kịp thời sửa đổi Thông tư 01 và để quá thời hạn thì ngân hàng cũng không thể xem xét hỗ trợ cho khách hàng. Sau đại dịch, doanh nghiệp cần một thời gian nhất định mới phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng như kỳ vọng.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết mới đây, Hiệp hội đã có báo cáo góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo này nêu rõ việc sửa đổi Thông tư 01 rất cần thiết, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải.

Đáng lưu ý, với quy định về "Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ..." tại Điểm b Khoản 3 Điều 4, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên bởi lẽ thực hiện theo Thông tư sửa đổi thì các khoản vay trung, dài hạn sẽ tạo áp lực cho khách hàng, khi các kỳ hạn chưa trả trước đó sau khi cơ cấu sẽ phải phân kỳ trả nợ trong vòng 12 tháng tiếp theo.

“Điều này dẫn đến khách hàng khó có khả năng trả nợ đúng hạn vì cho dù hết dịch bệnh thì khách hàng cần phải có thời gian khá dài để phục hồi. Hơn nữa, rất khó khăn cho tổ chức tín dụng theo dõi, thực hiện theo Thông tư sửa đổi và Thông tư 01 đang áp dụng,” ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng, với việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, các tổ chức tín dụng chịu áp lực và gặp nhiều khó khăn trong việc phải loại dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu, sắp tới các tổ chức tín dụng còn phải trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm. Như vậy, thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, thậm chí một số tổ chức tín dụng có khả năng lỗ nếu dịch bệnh còn kéo dài.

Đại diện các ngân hàng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi  đảm bảo an toàn hệ thống, đúng quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vượt qua đại dịch COVID-19.

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 01 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

“Doanh nghiệp có khả năng phục hồi, nhưng vì yêu cầu chuyển nhóm nên họ bị dừng cho vay vô hình trung gây khó cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Do đó, có thể yêu cầu chuyển nhóm nhưng cũng nên xem xét dựa trên điều kiện thực tế để đưa ra phương án hài hòa hợp lý,” ông Lực nhấn mạnh.

Về định hướng sửa đổi Thông tư 01, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó tiếp tục là mục tiêu trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Trên tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng việc tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn và cho phép các tổ chức tín dụng đánh giá một cách thực tế chất lượng các khoản tín dụng để có thể trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự an toàn nền tài chính quốc gia trong trung hạn cũng như dài hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục