Văn hóa giao thông không ở đâu xa, mà nằm trong chính mỗi con người chúng ta. Chỉ một hành động nhường nhịn khi tham gia giao thông đã thể hiện nét văn hóa, văn minh.
Đề cập đến câu chuyện về văn hóa giao thông, tại chương trình "Người bạn đường" và Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, nhằm hưởng ứng "Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông" do Đại Hội đồng Liên hợp quốc phát động, các ý kiến khách mời tham gia chương trình cho rằng văn hóa giao thông là không chỉ đi đúng luật mà còn biết nhường nhịn nhau trên đường, đối xử với những người cùng lưu thông trên đường một cách có văn hóa, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần.
Tạo lập môi trường giao thông an toàn và thân thiện
Đã có hai năm liền, văn hóa giao thông được lấy làm chủ đề của Năm An toàn giao thông. Đó là năm 2016 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ" và năm 2017 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên."
Nhìn một cách sâu xa, chủ đề của mỗi năm An toàn giao thông kể từ 2016 đến nay đều gắn với văn hóa giao thông, như năm 2018 là "An toàn giao thông cho trẻ em"; năm 2019 "An toàn giao thông cho hành khách và người đi môtô, xe máy" và năm 2020 "Đã uống rượu, bia không lái xe."
Đi liền với chủ đề của các năm đều gắn với mục tiêu phấn đấu mỗi năm kéo giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông.
Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy công tác tuyên truyền văn hóa giao thông khá dày đặc với nhiều hoạt động quy mô lớn, tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội, như chương trình giáo dục "An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ"; chuỗi hoạt động "Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông"; Ngày hội "Thanh niên với văn hóa giao thông"…
Nội dung tuyên truyền đều tập trung vận động nhân dân thực hiện nếp sống "văn hóa giao thông," tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Mặc dù chúng ta đã và đang rất nỗ lực xây dựng một cộng đồng văn minh trên đường nhưng tai nạn vẫn có thể xảy ra và hằng ngày vẫn có những người ra đường và không trở về nhà.
Tại Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ trong những năm qua tại Việt Nam, tai nạn giao thông đã luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có trên 7.500 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với gần 15.000 người bị thương tật suốt đời. Thiệt hại về nhân mạng là không gì bù đắp được.
[Bình Dương: Khởi tố thanh niên đánh nữ sinh sau khi va chạm giao thông]
Tai nạn giao thông không chỉ gây tổn thất rất lớn cho cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, tạo gánh nặng cho xã hội và gây tổn thương cho hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận là việc để xảy ra tai nạn giao thông có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và của Nhà nước.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, cùng tự giác thực hiện việc khi đã uống rượu, bia thì không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe máy; luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông, văn hóa giao thông an toàn và thân thiện.
Ngăn ngừa những hiện tượng "phi văn hóa" khi tham gia giao thông
Là Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa giao thông. Trong mỗi hội nghị, phát biểu chỉ đạo, ông đều đề cập đến việc xây dựng văn hóa giao thông.
Nếu như triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018, Phó Thủ tướng chỉ đạo "tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hóa giao thông" thì năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu "xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp vận tải, tuyên truyền văn hóa giao thông liên tục, để ý thức giao thông thấm vào trong từng người, từ trẻ em mầm non đến người cao tuổi thấy được trách nhiệm của mình trong khi tham gia giao thông."
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện, nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, định hướng các giá trị văn hóa giao thông; đấu tranh, ngăn ngừa những hiện tượng "phi văn hóa" trong giao thông.
Vụ việc cụ thể được Phó Thủ tướng nhắc đến như một "điển hình" về tình trạng "phi văn hóa" trong giao thông là trường hợp em V.N.K.V. (15 tuổi, học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) bị Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ phường Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một) dùng gậy đánh, sau khi va chạm giao thông (ngày 7/12) khiến em V phải nhập viện, khâu 10 mũi ở đỉnh đầu và rơi vào trạng thái hoảng loạn.
"Đã vi phạm, làm ngã em nữ sinh rồi còn quay lại đánh người ta bằng ống nước. Dã man không?," Phó Thủ tướng thốt lên.
Vụ việc gây bức xúc dư luận này chưa kịp lắng xuống, ngày 12/12, một vụ việc khác tương tự lại xảy ra ở Tây Ninh. Do có va chạm giao thông với chị Lê Thị Mộng Trúc (sinh năm 1995, ngụ ấp Khởi Nghĩa, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), nữ sinh H.B.B.N. (sinh năm 2008, học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Chà Là, huyện Dương Minh Châu) bị Trần Văn Mẫn (là chồng chị Trúc) đánh bị thương, phải khâu ở đầu và bị bong gân chân.
Mặc dù các vụ hành hung trên đã được cơ quan công an vào cuộc xử lý kịp thời nhưng vẫn dấy lên lo ngại về hiện tượng phi văn hóa, bạo lực giao thông. Cách đây hơn 1 tháng, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) thụ lý vụ va chạm giao thông giữa hai tài xế ôtô Vinfast và Lexus 350 rượt đuổi, húc, đâm và chèn bánh xe nhau như phim hành động trên phố Trần Duy Hưng, bất chấp dòng phương tiện đang qua lại đông đúc.
Từ những vụ việc trên cho thấy nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng luôn cần được chú trọng và làm thường xuyên, liên tục.
Mỗi người cần tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhường nhịn khi tham gia giao thông, như câu tục ngữ "một điều nhịn, chín điều lành" để chúng ta có một xã hội giao thông an toàn./.