Ngành đường sắt cần 1.700 tỷ đồng để xóa các điểm ‘thần chết’

Trên các tuyến đường sắt vẫn còn tồn tại hàng nghìn điểm đen mất an toàn giao thông ở các lối đi tự mở và “thần chết” có thể gọi tên bất cứ ai khi xảy ra tai nạn.
Ngành đường sắt cần 1.700 tỷ đồng để xóa các điểm ‘thần chết’ ảnh 1Một đoạn đường ngang dân sinh trên đường Phùng Hưng tại Hà Nội, người dân còn bắc ván để dễ bề đi lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Dự thảo Nghị định thi hành Luật Đường sắt năm 2017 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018 của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở (đường ngang dân sinh) qua đường sắt đồng thời quy định chi tiết và phân rõ chịu trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hàng nghìn điểm đen đường sắt.

Hàng nghìn điểm “thần chết”

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có gần 4.300 lối đi tự mở, chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, còn có 14.171 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

[Các đường ngang "tử thần" chiếm 80% các vụ tai nạn đường sắt]

Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở chiếm trên 70%, còn lại là tại các vị trí giao cắt.

Mặc dù VNR đã rà soát, thống kê, phân loại lối đi dân sinh đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể rào kín hay xóa bỏ lối đi dân sinh, cắm biển cảnh báo, cảnh giới tại các đường ngang thế nhưng ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban an toàn giao thông đường sắt (VNR) thừa nhận thực tế, thay đổi nhận thức về việc bảo đảm an toàn giao thông ko chỉ của một ngành, địa phương mà là của toàn xã hội.

“Luật Đường sắt 2005 đã quy định trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý lối đi tự mở. Giữa Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành cũng có quy chế phối hợp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt nhưng một số địa phương trên quyết liệt chỉ đạo nhưng dưới chưa thực hiện,” ông Chiến cho hay.

Một nguyên nhân khiến các điểm đen tai nạn giao thông này vẫn còn tồn tại và “thần chết” có thể gọi tên bất cứ lúc nào đó là do không được bố trí kinh phí, các dự án công trình an toàn giao thông chưa được triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu tiến độ mặc dù theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 là 26.358 tỷ đồng.

[Xóa bỏ các đường ngang, lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt]

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.

Truy cứu trách nhiệm lãnh đạo địa phương?

Đánh giá sự phối hợp giữa các địa phương và ngành đường sắt còn chưa đầy đủ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, khi để phát sinh lối đi cắt ngang đường sắt, chính quyền xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ thẳng thắn nhìn nhận, trên 4.000 lối đi phát sinh là trách nhiệm từ vấn đề quy hoạch, quản lý, chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua.

“Đường sắt có hàng trăm năm nay rồi tại sao trước không phát sinh mà bây giờ để phát sinh nhiều thế? Vỉa hè xây nhà chỉ cần đổ vật liệu xây dựng ra buổi sáng là đến chiều bị nhắc nhở. Tại sao nhiều đường ngang phát sinh như vậy mà chính quyền địa phương không có ý kiến gì? Có những vị trí tai nạn giao thông đường sắt xảy ra thường xuyên mà địa phương không hề có giải pháp ngăn chặn?” Thứ trưởng Thọ đặt ra câu hỏi.

Để xử lý thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Dự thảo quy định lộ trình thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở phải được duy trì liên tục thực hiện hàng năm và bảo đảm lộ trình thực hiện theo giai đoạn.

[Địa phương phải có trách nhiệm trong mở đường ngang qua đường sắt]

Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp huyện phải xác nhận hồ sơ vị trí nguy hiểm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan lập, quản lý và theo dõi những vị trí nguy hiểm; tổ chức giao thông, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt; tổ chức thực hiện giảm, xóa bỏ những vị trí nguy hiểm. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đến năm 2020 phải hoàn thành xây dựng hồ sơ quản lý đối với các lối đi tự mở và đến năm 2025 phải hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục