Ngành đường sắt xác định 3 trụ cột để hướng tới có lãi trong năm 2023

Ngành đường sắt phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng vẫn đặt mục tiêu cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh để không lỗ và tiến tới có lãi.
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại ga Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại ga Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự kiến năm 2023, doanh thu vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã đưa ra hàng loạt các giải pháp tổng thể để phấn đấu sản xuất kinh doanh không lỗ, tiến tới có lãi.

Cơ cấu lại doanh nghiệp, tiết giảm chi phí

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của VNR vào chiều 5/1, theo báo cáo của VNR, năm 2022, doanh thu hợp nhất của VNR đạt 7.718,2 tỷ đồng (bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm) và cũng giảm lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, VNR tập trung cao độ cho các chiến dịch vận tải cao điểm khi lượng khách tăng đột biến; hiệu quả của vận tải hành khách tăng mạnh do bố trí biểu đồ, lịch trình và lựa chọn tuyến vận tải hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu của hành khách và năng lực phục vụ.

Vì thế, vận tải hàng hóa của VNR tăng trưởng so với cùng kỳ, vận tải hành khách đã phục hồi sau dịch COVID-19 và tăng cao, tuy nhiên sản lượng vẫn chưa đạt được mức như thời điểm trước khi có dịch năm 2019.

Chỉ ra những thách thức trong thời gian qua, lãnh đạo VNR cho rằng các hãng hàng không hiện hữu và một số hãng mới thành lập do còn hạn chế khai thác đường bay quốc tế nên vẫn tiếp tục tập trung vào khai thác các đường bay nội địa giá rẻ với nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút khách hàng nên sản lượng vận tải hành khách chưa thể phục hồi và tăng trưởng trở lại được.

Mặt khác, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các công ty cổ phần vận tải trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh.

[Vận tải phục hồi, doanh thu ngành đường sắt có sự tăng trưởng trở lại]

Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế về chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ hành khách; số lượng lao động còn nhiều, năng suất lao động thấp; tỷ trọng cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh chưa cao; tư duy chuyển biến còn chậm và chưa thực sự chủ động trong phát triển thị trường; nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn còn rất thấp so nhu cầu cũng dẫn đến cản trở về mặt doanh thu.

Đặt ra mục tiêu năm 2023, lãnh đạo VNR nhìn nhận, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh với vận tải hàng không và đường bộ về vận tải khách; vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng do vận tải đường biển sau giai đoạn biến động cước tăng cao đã giảm trở lại mức cước cũ và cung tải tàu biển đã tăng trở lại như trước dịch.

Trong bối cảnh đó, VNR sẽ triển khai thực hiện theo tiến độ phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc để tiết kiệm được chi phí sản xuất kinh doanh nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người lao động cũng như công tác tổ chức sản xuất.

Trên cơ sở này, VNR phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính (tuy nhiên do phải bù đắp các khoản lỗ dự kiến từ các khoản chi không phát sinh doanh thu nên sẽ vẫn lỗ 55 tỷ đồng); phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ 77% trở lên.

"Bán cái thị trường cần"

Đưa ra giải pháp thực hiện, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết doanh nghiệp sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu phù hợp với năng lực hạ tầng và phương tiện; hoàn thiện các phương án về giá dịch vụ; khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; triển khai hoàn thành kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2023 theo đúng các quy định tại hợp đồng và các tiêu chuẩn, chất lượng hiện hành, đảm bảo tiến độ giải ngân…

VNR tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư chất lượng phương tiện, nâng cao các dịch vụ phục vụ, có sự gắn kết giữa trên tàu với dưới ga; đưa ra các chương trình ưu đãi, chính sách linh hoạt để cạnh tranh với các phương tiện vận chuyển khác; tăng cường liên kết với các công ty du lịch, định hướng vận chuyển hành khách gắn với du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc Nam, container lạnh...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh năm 2022 đánh dấu mốc phục hồi của nền kinh tế, trong đó có ngành đường sắt, sản lượng vận tải tăng, giảm lỗ sâu so với kế hoạch, có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thứ trưởng Huy gợi mở ngành đường sắt cần xác định 3 trụ cốt đó là kết cấu hạ tầng (gồm các đơn vị bảo trì, quản lý hạ tầng), vận tải (cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá) và công nghiệp cơ khí đường sắt.

[Ngành đường sắt đặt mục tiêu không lỗ, phấn đấu có lãi từ năm 2023]

VNR phải bán cái thị trường cần, muốn vậy cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tần suất tàu đi đến đúng giờ, an toàn, tạo thuận tiện cho người dân khi mua vé, lên tàu. Ngành đường sắt có bộ máy, tổ chức, cơ sở vật chất nhưng chưa năng động mà mới chỉ tập trung vào sản xuất đầu máy, toa xe phục vụ ngành và các đơn vị vận tải.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, Bộ Giao thông Vận tải rất quan tâm đến phát triển đường sắt, ngoài gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp kết cấu hạ tầng chạy tàu đã triển khai, bộ còn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt.

Về kế hoạch năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất ngành đường sắt cần phấn đấu vượt kế hoạch chạy tàu của năm 2022 với biểu đồ tối ưu hơn và bảo đảm an toàn; cải thiện tình hình tài chính, không chỉ phấn đấu giảm lỗ mà hướng đến hết lỗ và có lãi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục