Ngành hàng cá tra trước cơ hội mở rộng, tìm kiếm thị trường mới

Dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp xuất khẩu cá tra loay hoay, người nuôi phải bán lỗ nhưng đây cũng được coi là cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu cá tra mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.
Ngành hàng cá tra trước cơ hội mở rộng, tìm kiếm thị trường mới ảnh 1Một hộ nuôi cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị đình trệ, giá trị giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước khiến doanh nghiệp loay hoay, còn người nuôi phải “treo ao” hoặc bán lỗ.

Có hộ nuôi cá giống không bán được đành tiếp tục nuôi tiếp thành cá thịt. Ngành hàng xuất khẩu tỷ USD này đang đối mặt với nhiều khó khăn sau khi xuất khẩu cá tra lập kỷ lục vào năm 2018.

Mặc dù vậy, đây cũng được coi là cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.

Nuôi hơn một năm chưa bán

Bà Đào Thúy Phượng (khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) có hơn 1,5ha ao nuôi cá tra giống. Số cá giống này được thả nuôi từ đầu năm 2019 nhưng đến nay bà Phượng vẫn chưa bán được, trong khi bình thường cá tra giống từ khi thả nuôi đến khi bán chỉ khoảng ba tháng, thậm chí có khi hút hàng chỉ hơn hai tháng là đã có khách đến mua.

Lý do ao cá của bà Phượng chưa bán được là vì giá quá thấp. Theo người phụ nữ có nhiều năm kinh nghiệm ươm nuôi cá tra giống này, giá cá giống thời điểm hiện tại ở mức 20.000-21.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá thành sản xuất.

“Ao này cũng khoảng trên dưới 20 tấn, vốn bỏ ra khoảng 450-500 triệu đồng rồi, giờ bán là lỗ trăm mấy chục triệu," bà Phượng nhẩm tính.

Theo những người nuôi cá tra giống tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá cá giống giảm sâu từ cả năm 2019 đến nay, ngoại trừ có một thời điểm lên được 30.000 đồng/kg, còn lại là ở mức dưới 25.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất phải 30.000 đồng/kg, nên nhiều người đành để cá dưới ao, cho ăn cầm chừng đợi giá lên.

Không chỉ người nuôi cá tra giống, những người nuôi cá tra thương phẩm cũng trong tình cảnh tương tự. Vừa bán hơn 70 tấn cá tra thịt, với giá 18.000 đồng/kg, ông Lê Thanh Vân (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) chia sẻ: “Cá vẫn chưa đạt kích cỡ, bán lỗ khoảng 3.000 đồng/kg nhưng cũng phải bán thôi, không dám đợi nữa vì không biết giá lên xuống thế nào."

Ông Vân vẫn còn hai ao cá tra thịt với sản lượng khoảng 170 tấn. Mặc dù cá chưa lớn lắm nhưng cũng không dám cho ăn nhiều, chỉ nuôi cầm chừng để đợi giá. Ngoài ra, ông Vân còn có một ao cá giống thả nuôi từ năm ngoái nhưng vẫn không bán được nên đành để vậy nuôi lớn bán cá thịt.

Trong khi người nuôi đang phải “neo” cá dưới ao thì các doanh nghiệp cũng ngại mua vì còn hàng tồn kho (cả trong nhà máy lẫn ngoài ao nuôi) do xuất khẩu bị đình trệ, việc vận chuyển, thông quan, thanh toán, giao thương bị gián đoạn.

[Ngành thủy sản xây dựng nhiều kịch bản ứng phó COVID-19]

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết theo thông tin từ các doanh nghiệp thì giá cá nguyên liệu giảm sâu, sản xuất, tiêu thụ bị đình đốn do đầu ra bị ách tắc nên xuất khẩu hai tháng đầu năm nay giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Một nguyên nhân sâu xa hơn là do cung vượt cầu. Cụ thể, giá cá lên quá cao và lập đỉnh thời điểm năm 2018, người dân ồ ạt thả nuôi thiếu kiểm soát, diện tích và sản lượng tăng vọt. Nhưng qua năm 2019, giá quay đầu giảm mạnh, không ít người phải bán lỗ hoặc “treo ao."

Bước sang năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến tình hình khó khăn chồng lên khó khăn, do xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Theo đại diện VINAPA, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm đến 662 triệu USD.

Ngành hàng cá tra trước cơ hội mở rộng, tìm kiếm thị trường mới ảnh 2Dây chuyền sản xuất cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Cơ hội mở rộng thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh, dư nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường.

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kỳ và chắc chắn sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra rõ ràng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới. Theo VASEP, một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số thứ hai thế giới.

Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra philê thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Hiện, sản phẩm cá tra philê Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.

Với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong ba năm tới.

Trước mắt, việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc chưa làm việc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng đặc biệt là tại thị trường EU cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc nhận xét, với hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0% thì còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.

Còn đối với thị trường Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này và quan trọng hơn nữa khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.

Tháng 1/2020, xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thị trường số một là Trung Quốc giảm mạnh, còn Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam với giá trị đạt hơn 18 triệu USD (chiếm gần 18% tổng giá trị xuất khẩu cá tra).

Theo kế hoạch của Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc USDA, trong tháng 3/2020, đoàn thanh tra của FSIS tiến hành kiểm tra, đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của các trại nuôi, nhà máy chế biến cá tra, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, do sự lây lan phức tạp của dịch COVID-19 khiến kế hoạch này đã được lùi lại.

Tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng tới hoạt động giao thương thủy sản, nhưng cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh tiêu thụ thủy sản (trong đó cá tra) đang tăng rất mạnh tại Mỹ do tâm lý của người tiêu dùng tích trữ nhiều hơn để đối phó với tình hình dịch bệnh.

Theo số liệu của VASEP, hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 210 triệu USD; trong đó thị trường Mỹ đạt trên 38 triệu USD, chiếm hơn 18%; Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai với hơn 28 triệu USD, chiếm 13,5% , giảm hơn 52% so với cùng kỳ 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục