Ngày khai hội, chùa Hương đón 30.000 lượt khách

Theo Trưởng Ban quản lý Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn, trong ngày khai hội, chùa Hương đón 30.000 lượt khách, thấp hơn so với ngày trước đó.

Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 chính thức khai mạc với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện." (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 chính thức khai mạc với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện." (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 15/2 (mùng 6 Tết), Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức khai hội, thu hút đông đảo khách thập phương về dự hội.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn, trong ngày khai hội, chùa Hương đón 30.000 lượt khách, thấp hơn so với ngày trước đó. Lễ hội chùa Hương chính thức đón khách từ mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ngay trong những ngày đầu năm, rất đông du khách tranh thủ ngày nghỉ Tết về trảy hội.

Chỉ trong 2 ngày (mùng 3 và mùng 4 Tết), đã có gần 60.000 lượt khách tới tham quan, chiêm bái; cao điểm là mùng 5 Tết có gần 40.000 lượt khách.

Sở dĩ ngày khai hội lượng khách trảy hội chùa Hương thấp hơn hôm trước do du khách tranh thủ ngày nghỉ Tết để đi chiêm bái, lễ Phật, trước ngày đi làm.

Như vậy, tính đến nay, chùa Hương đón 13.000 lượt khách.

Theo ghi nhận, khu vực bến Yến tập trung nhiều xuồng, đò nhưng không có tình trạng ùn ứ, khách được hướng dẫn theo trật tự.

Trên dòng suối Yến, lượng đò đi lại tấp nập nhưng đảm bảo an toàn. Khu vực dẫn đến đền Trình, chùa Thiên Trù, khu cáp treo, động Hương Tích… khách đi lại tương đối đông đúc.

Rác thải dọc tuyến đường đi bộ từ bến Thiên Trù đi Hương Tích được thu gom và vận chuyển trong ngày để đảm bảo vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh.

Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương tập trung nâng cao chất lượng và đổi mới công tác quản lý, tổ chức.

Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức tiếp tục chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang bán vé điện tử nhằm tạo sự văn minh, sự minh bạch, công khai về giá, tránh vé giả, vé lậu. Giá vé thu phí thắng cảnh là 120.000 đồng/người/lượt.

Ủy ban Nhân dân huyện giao Ủy ban Nhân dân xã Hương Sơn không bán vé tại hai cổng Đục Khê và Tiên Mai, mà tổ chức quản lý bán vé thắng cảnh, vé xuồng, đò, vé trông giữ phương tiện tại chỗ các bến, bãi để xe để giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho du khách về thăm quan, lễ Phật.

Hệ thống xuồng, thuyền, đò phục vụ cho Lễ hội năm 2024 sẽ do Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương cung cấp quản lý và thực hiện.

Hợp tác xã đã tổ chức Hội nghị tập huấn về luật giao thông đường thủy nội địa, quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ vận chuyển khách.

Trong mùa lễ hội sẽ có từ 3.800 đến 4.500 phương tiện xuồng, đò vận chuyển khách, được trang bị đầy đủ các dụng cụ như: lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, vật nổi, ô che mưa che nắng; lắp đặt hệ thống kiểm soát vé bằng công nghệ; lắp đặt trang trí hệ thống điện chiếu sáng, camera, wifi tại các bến đò kiểm soát…

Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách được niêm yết công khai: tuyến Hương Tích 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; tuyến Long Vân 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; tuyến Tuyết Sơn 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.

Năm nay, Ban tổ chức tiếp tục thực hiện việc sử dụng xe điện phục vụ du khách từ các bến xe vào bến đò theo lộ trình tuyến đường được cấp có thẩm quyền cho phép với 3 tuyến đón, trả khách vào khu vực bến Yến. Số lượng xe điện đưa vào hoạt động là 110 xe, giá vé xe điện 20.000 đồng/người/lượt.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, trong công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng tại khu vực Lễ hội, Ban Quản lý các đền, chùa, động trong Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức, gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của Di tích.

Ban Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để người hành khất trong khu vực Lễ hội, phòng ngừa các tệ nạn xã hội: bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, đổi tiền lẻ, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm...

Huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng trực chờ, kiểm tra, giám sát các hoạt động để Lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; tuyên truyền, khuyến cáo tới du khách, các đơn vị liên quan chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi...

Lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra đến hết ngày 1/5 (ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) và là lễ hội kéo dài nhất trong năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục