Tối 10/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Bộ cho biết đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy tàu cá liên hoàn tại khu vực neo đậu tránh trú bão ở gần cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu vào tối 9/10 là do chập điện từ một tàu cá, sau đó cháy lan sang các tàu bên cạnh khiến 4 tàu bị thiêu trụi hoàn toàn.
Theo đó, vào khoảng 20 giờ 25 phút ngày 9/10, tàu cá NA 950.95 TS của ngư dân Đậu Văn Tình trú ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đang neo đậu tại khu vực gần cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận bất ngờ bốc cháy.
Thời điểm này, ngọn lửa bùng cháy rất nhanh kết hợp với gió biển thổi mạnh nên đã lan sang 3 tàu cá khác là: NA 930.31 TS của ngư dân Trần Văn Ngọc; NA 950.93 TS của ngư dân Hồ Văn Tám đều ở xã Sơn Hải và tàu cá NA 999.85 TS của ngư dân Phạm Văn Tuấn ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu. Các tàu này đều có công suất trên 400CV.
Khi sự cố xảy ra, lực lượng phòng cháy và chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An đã điều 6 phương tiện cùng hơn 100 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường dập lửa.
[Nghệ An: Ngư dân trắng tay khi 4 tàu cá bị cháy liên hoàn]
Ngoài ra, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, bộ đội trên địa bàn huyện cũng có mặt để cùng với ngư dân tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, khu vực cháy là các tàu cá chứa lượng dầu lớn, bình gas, ắc quy, ngư cụ… cộng với gió thổi mạnh nên lửa cháy rất dữ dội, sáng cả một góc trời. Trong gần một giờ, 4 tàu cá bị cháy trụi.
Anh Thái Văn Hải, xã Sơn Hải, chủ tàu NA 97968 TS may mắn thoát khỏi khu vực cháy cho biết với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, tàu chập điện thường ở khu vực khoang máy chứa nhiều dầu nên lửa bùng phát rất nhanh và không thể cứu được. Vì thế, phải tập trung di dời các tàu đậu xung quanh càng nhanh càng tốt để tránh lửa lây lan.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu, 4 tàu cá bị cháy đều không có bảo hiểm nên ngư dân thiệt hại rất lớn. Huyện và các ban ngành cũng đã thăm hỏi, chia sẻ những mất mát với bà con. Hiện lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Ước tính thiệt hại do vụ cháy gây ra khoảng 10 tỷ đồng. Đa phần các chủ tàu đều thế chấp nhà cửa, đất đai vay vốn ngân hàng để đóng tàu. Giờ bà con lâm vào cảnh “trắng tay” khi tàu bị cháy trong khi số tiền nợ ngân hàng chưa thể trả./.