Nghệ nhân Lê Khang được giới am hiểu về nghệ thuật đúc đồng ở Hà Nội coi là “ông vua đồ đồng” hay “thầy phù thủy về đồng.” Ông là một trong số ít nghệ nhân đúc đồng truyền thống còn lại của làng Ngũ Xã (quận Ba Đình, Hà Nội).
Trong gần sáu thập kỷ đeo đẳng với nghề, ông đã “thổi hồn” cho cả ngàn tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu đồng.
[Hoàn thiện hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, xem xét gửi UNESCO]
Đó là những công trình bề thế (như cụm tượng Bác Hồ trò chuyện với Đại đoàn quân tiên phong tại đền Hùng, đặt tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ) hay những bức tượng có kích thước nhỏ, chỉ cao khoảng 10cm về chân dung các danh nhân, nghệ sỹ hay các công trình nổi tiếng của Hà Nội như chùa Một Cột, tháp Rùa…
Dù ở quy mô nào, tác phẩm của nghệ nhân Lê Khang đều tỉ mỉ, sinh động trong từng chi tiết.
Căn nhà nhỏ ở ngõ 82, phố Hàng Khoai của gia đình ông như một bảo tàng tư nhân với hàng trăm bức tượng và các sản phẩm nghệ thuật bằng đồng với nhiều loại kích cỡ, kiểu dáng khác nhau.
Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, nhiều vật dụng bỏ đi đã được “tái sinh,” trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ những chiếc mâm đồng từng bị mang bán đồng nát, ông đã phục chế, khắc chạm thành tác phẩm treo tường theo các chủ đề: tứ linh, tứ quý…
Với nghệ nhân Lê Khang, đúc đồng không chỉ là một nghề thủ công truyền thống mà còn là một thú chơi công phu. Mỗi giọt đồng được nung chảy đều phải được tính toán kỹ lưỡng trước khi rót vào khuôn đúc tượng. Người thợ phải tiếp xúc với đất, cát, khói, bụi, hơi nóng và cần am hiểu về nhiều lĩnh vực (văn hóa, lịch sử, hội họa, nhân tướng học…).
Với những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống, ông là một trong những người thợ tiêu biểu được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (đợt 1, năm 2010)./.