Nghị sỹ Mỹ hối thúc Nhật Bản và Canada mở cửa thị trường nông sản

Chủ tịch Ủy ban Thuế và an sinh xã hội Hạ viện Mỹ Paul Ryan ngày 5/2 đã hối thúc Nhật Bản và Canada mở cửa thị trường nông sản để thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết TPP.
Nghị sỹ Mỹ hối thúc Nhật Bản và Canada mở cửa thị trường nông sản ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Thuế và an sinh xã hội Hạ viện Mỹ Paul Ryan. (Nguồn ảnh: thinkprogress.org)

Chủ tịch Ủy ban Thuế và an sinh xã hội Hạ viện Mỹ Paul Ryan ngày 5/2 hối thúc Nhật Bản và Canada mở cửa thị trường nông sản trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra giữa Mỹ và 11 quốc gia khác.

Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Thương mại quốc tế Washington tổ chức, ông Ryan đề nghị Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản để thúc đẩy tiến trình đàm phán tiến tới ký kết TPP.

Ông để ngỏ khả năng Mỹ sẽ kết thúc đàm phán và ký kết TPP mà không cần sự tham gia của các nước "chưa tìm được tiếng nói chung" trong vấn đề thuế quan.

Nghị sỹ Ryan cũng cho rằng Quốc hội Mỹ cần thông qua việc gia hạn "càng sớm càng tốt" đạo luật mang tên "Quyền xúc tiến thương mại " (TPA) để trao cho chính phủ quyền đàm phán nhanh trong lĩnh vực thương mại.

Theo chính khách trên, gia hạn đạo luật vốn hết hạn từ năm 2007 này là quyết định "sống còn", tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định kinh tế tham vọng TPP.

Cùng ngày, hơn 70 tổ chức nông nghiệp và thực phẩm Mỹ, trong đó có tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước này là Wal-Mart Stores, cũng đã hối thúc Quốc hội thông qua việc gia hạn TPA.

Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Thuế và an sinh xã hội Hạ viện Mỹ được đưa ra trong bối cảnh đàm phán TPP rơi vào bế tắc trong nhiều năm qua, chủ yếu do những bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản.

Ở các vòng đàm phán trước, Mỹ nhiều lần hối thúc Nhật Bản mở rộng cửa thị trường nông sản, trong khi Tokyo muốn duy trì hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nông sản trong nước như lúa gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, đường, sữa...

Trong khi đó, Canada cũng muốn duy trì hạn ngạch nhập khẩu sữa và hàng rào thuế nhập khẩu để đảm bảo bình ổn giá sữa đối với ngành công nghiệp chăn nuôi và sản xuất sữa trong nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Gerry Ritz mới đây tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tham gia TPP.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục