Tìm cách tăng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên

Nghiên cứu giải pháp tăng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên

Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu Ban Chỉ đạo Tay Nguyên nghiên cứu các giải pháp để tăng thu hút đầu tư vào vùng.
Nghiên cứu giải pháp tăng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên ảnh 1Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh : Quang Huy/TTXVN)

Ngày 17/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai công tác năm 2014.

Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận. 

Tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá cao những thành tựu mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết những khó khăn về đất đai, việc làm, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có tăng trưởng bền vững; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. 

Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đôn đốc thực hiện kết quả về giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển thủy lợi, thủy điện; tập trung giải quyết các tồn đọng về xã hội, môi trường trong các vùng dự án.

Đề xuất tiếp tục thực hiện các dự án cấp điện cho các thôn, buôn, bon, làng chưa có điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên từ nay đến năm 2015; triển khai các Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải về phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Các địa phương cần chỉ đạo tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo tiến độ đầu tư và chất lượng nâng cấp đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn qua Tây Nguyên đến năm 2015 đồng thời sớm khởi công dự án kéo dài đường cất, hạ cánh sân bay Pleiku.

Triển khai đề án tổng thể của ngành Ngân hàng hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như tái canh cà phê, cao su, chăn nuôi đại gia súc; thực hiện các mô hình sản xuất nông, công nghệ cao, xây dựng hạ tầng sản xuất, phát triển du lịch. 

Đại tướng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tập trung, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp và chủ động xây dựng các mô hình sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Lập quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ lợi vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng ưu tiên các công trình trọng điểm kết hợp nhân rộng mô hình thủy lợi nhỏ, có chương trình trọng điểm đầu tư và xây dựng, nâng cấp các hồ đập vùng Tây Nguyên để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi của khí hậu; giám sát, tham mưu thực hiện chủ trương quản lý bảo vệ rừng; đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn.

Đại tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên, các Bộ, ban ngành liên quan sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên; nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị về xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm của vùng.

Các địa phương, Bộ, ngành theo dõi, đôn đốc việc xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững cấp huyện cho các tỉnh Tây Nguyên, vùng phụ cận giai đoạn 2013- 2017; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo ở các địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên.

Tập trung theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, văn hóa, nhất là việc củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho con em đồng bào các dân tộc, phát triển hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch. 

Đại tướng Trần Đại Quang lưu ý các tỉnh Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành liên quan bàn chuyên đề giải quyết việc di cư đến ngoài kế hoạch của đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách về tôn giáo, tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả việc thu hẹp số buôn, bon, làng chưa có đảng viên và tổ chức đảng theo Kết luận 12 của Bộ Chính trị… 

Năm 2013 vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên đã duy trì được tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hoàn thành cơ bản nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Tổng sản phẩm (GDP) của các tỉnh Tây Nguyên tăng 10,69%; GDP bình quân đầu người đạt 31,26 triệu đồng, tăng 16% so với năm 2012.

Việc thu hút, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo khá tốt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường bước đầu có chuyển biến. 

Các tỉnh Tây Nguyên đã rà soát, thu hồi các dự án chuyển đổi rừng, đất rừng có dấu hiệu sai phạm. Diện tích và số vụ phá rừng tuy vẫn còn nhiều nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo tiếp tục đạt được một số kết quả.

Nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế đầu tư linh hoạt, tạo điều kiện mở rộng các cơ sở dạy nghề và hỗ trợ con em đồng bào các dân tộc thiểu số học nghề. Việc tăng cường công tác tín dụng chính sách cùng với hỗ trợ tích cực của Nhà nước đối với các huyện, xã, thôn, buôn, bon, làng nghèo đã tạo điều kiện cho trên 44 ngàn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 13,64% (giảm 1,94%); tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 27,26%, giảm 6% so với năm 2012. 

Công tác đào tạo nhân lực theo địa chỉ ở các tỉnh Tây Nguyên được đẩy mạnh, quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Hệ thống trường dân tộc nội trú ngày càng được mở rộng, nâng cao chất lượng dạy học.

Mạng lưới y tế ở Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường gắn với cải tiến thủ tục, nâng chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. 

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã trao gần 8 tỷ đồng (nguồn kinh phí do các nhà hảo tâm đóng góp) cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục