Ngoại giao vaccine - quyền lực mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á?

Bài viết này phân tích về nguồn cung cấp vaccine của Trung Quốc cho Đông Nam Á để đánh giá liệu chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc có chuyển thành lợi ích chiến lược trong khu vực hay không.
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Viện nghiên cứu Đông Nam Á, ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, việc dự trữ vaccine COVID-19 của các nước phương Tây đã gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung cho phần còn lại của thế giới trong nửa đầu năm 2021 và làm tăng nhu cầu toàn cầu đối với vaccine của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chia sẻ rằng tính đến ngày 2/6, Bắc Kinh đã viện trợ vaccine cho hơn 80 quốc gia và xuất khẩu vaccine sang hơn 40 quốc gia khác. Các hợp đồng thương mại chiếm phần lớn nhu cầu vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Theo dữ liệu theo dõi vaccine COVID-19 Trung Quốc của công ty Bridge Consulting, Trung Quốc đã tài trợ 25 triệu liều cho các quốc gia khác (và thêm 10 triệu cho cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX) và đồng ý bán 792 triệu liều theo hợp đồng.

Đông Nam Á là mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực đều đã mua hoặc nhận tài trợ vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Bài viết này phân tích về nguồn cung cấp vaccine của Trung Quốc cho Đông Nam Á để đánh giá liệu chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc có chuyển thành lợi ích chiến lược trong khu vực hay không.

Xét về thế mạnh của mình, chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc được hỗ trợ bằng lợi thế cung cấp vaccine đều đặn.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có được sự độc quyền vaccine ở Đông Nam Á. Hơn nữa, một số động thái chính trị của Bắc Kinh đã hạn chế đáng kể hiệu quả của “quyền lực mềm” thông qua vaccine, do đó hạn chế lòng tin chiến lược mà nước này có thể tạo ra trong khu vực.

Cung cấp vaccine cho Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á đã đặt khoảng 203 triệu vaccine do Trung Quốc sản xuất, chiếm 25,6% số vaccine thương mại mà Trung Quốc cam kết. Indonesia là khách hàng lớn nhất ở Đông Nam Á với lượng vaccine đặt mua là 125 triệu liều Sinovac.

Philippines đứng ở vị trí thứ hai, đã đặt hàng 25 triệu liều Sinovac.

Các khách hàng đáng chú ý khác trong khu vực bao gồm Thái Lan (18,6 triệu liều Sinovac), Campuchia (14,5 triệu liều Sinovac và 4 triệu liều Sinopharm) và Malaysia (12 triệu liều Sinovac và 3,5 triệu liều CanSino).

Về tài trợ, Đông Nam Á đã nhận được 7,3 triệu liều vaccine, chiếm 29% trong tổng số 25 triệu liều vaccine mà Trung Quốc tài trợ miễn phí trên toàn thế giới.

Châu Phi là khu vực đứng thứ hai với 6,6 triệu liều, nhưng được chia đều cho nhiều quốc gia, nên mỗi quốc gia chỉ nhận được từ 100.000 đến 600.000 liều.

Campuchia và Lào là những nước nhận được nhiều vaccine Trung Quốc nhất trong khu vực và trên thế giới, với lần lượt 2,2 triệu và 1,9 triệu liều - một minh chứng cho tầm quan trọng chiến lược của họ đối với Trung Quốc.

Sự hào phóng của Trung Quốc đối với Campuchia đặc biệt nổi bật. Thông tin truyền thông hồi tháng 2/2021 cho biết, Campuchia kỳ vọng Trung Quốc tài trợ 1 triệu liều vaccine, nhưng con số hiện tại đã cao hơn gấp đôi so với những gì Trung Quốc đã hứa.

Philippines và Thái Lan mỗi nước nhận được 1 triệu liều, nhưng đây dường như là một món quà bổ sung cho các giao dịch thương mại vaccine lớn hơn nhiều mà họ đã ký với Trung Quốc.

Một phần của nhu cầu trong khu vực đối với vaccine Trung Quốc có thể là do tính hiệu quả về chi phí.

Chi tiết thỏa thuận mua sắm giữa mỗi quốc gia thường khác nhau (và được giữ bí mật), vaccine Sinovac của Trung Quốc - một loại vaccine bất hoạt - được cho là có chi phí mua và bảo quản rẻ hơn so với vaccine dựa trên công nghệ mRNA.

Ví dụ, Indonesia mua mỗi liều Sinovac với giá 13,60 USD, trong khi giá của vaccine của Pfizer và Moderna tương ứng là từ 15-20 USD và 15-18 USD.

Hơn nữa, các con số trên của hai loại vaccine Pfizer và Moderna chưa phản ánh chi phí bảo quản và vận chuyển, nhất là yêu cầu về dây chuyền lạnh để bảo quản.

Không giống như các nhà cung cấp vaccine khác, Trung Quốc gửi các lô hàng vaccine thường xuyên với số lượng đủ lớn và đáp ứng khoảng 58% đơn đặt hàng của khu vực cho đến nay.

Ví dụ, hàng tháng Campuchia đã nhận được đều đặn các lô hàng vaccine từ Trung Quốc (cả tặng và mua) kể từ tháng 2/2021.

Ngoại giao vaccine - quyền lực mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á? ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những đợt giao hàng thường xuyên này đã giúp 16,6% dân số Campuchia tiêm ít nhất một liều vào đầu tháng 6/2021, khiến nước này trở thành quốc gia có tốc độ tiêm vaccine nhanh thứ hai trong khu vực sau Singapore.

Tương tự, Indonesia đã nhận được các lô vaccine Sinovac đều đặn kể từ tháng 12/2020.

Với 10 triệu liều vaccine mới đây vào ngày 20/6, Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 75% (94,5 triệu trong tổng số 125 triệu liều) tổng đơn đặt hàng vaccine Sinovac của Indonesia.

Tháng 4/2021, Chính phủ Indonesia được cho là đang xem xét mua thêm 90-100 triệu liều vaccine từ Trung Quốc sau khi được thông báo rằng nguồn cung khoảng 100 triệu liều AstraZeneca (50 triệu liều được mua trực tiếp từ nhà sản xuất và phần còn lại thông qua COVAX) sẽ đến chậm.

AstraZeneca chỉ cam kết cung cấp 20 triệu liều vào cuối năm 2021 và 30 triệu liều khác vào quý 2/2022. Số còn lại thông qua COVAX cũng có thể sẽ bị trì hoãn do nguồn cung thiếu hụt.

Tình hình tương tự đang diễn ra ở Philippines. Trong số 14 triệu liều vaccine đã đến nước này vào giữa tháng 6/2021, có 9 triệu liều là của Sinovac.

Trong khi đó, kế hoạch của Thái Lan dựa vào công ty dược phẩm địa phương Siam Bioscience để sản xuất khoảng 60 triệu liều AstraZeneca theo giấy phép đã không diễn ra theo kế hoạch.

Việc sản xuất tại Siam Bioscience “không diễn ra suôn sẻ” khiến Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung của Sinovac để thực hiện chương trình tiêm chủng.

Mặc dù Thái Lan đã đặt hàng các nhà sản xuất vaccine như Pfizer và Johnson & Johnson, nhưng các lô hàng sẽ không sớm được giao. Ngược lại, dự kiến sẽ có thêm 11 triệu liều Sinovac đến Thái Lan từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2021.

Các lô hàng này sẽ khó có thể đến kịp vì các thông tin giữa tháng Sáu cho hay các bệnh viện ở Bangkok đang hoãn các cuộc hẹn tiêm vaccine do có vấn đề về nguồn cung.

Chiến lược đa dạng hóa vaccine của Đông Nam Á

Mặc dù Trung Quốc là nguồn cung cấp vaccine chính cho nhiều quốc gia trong khu vực và có lợi thế đi đầu về việc cung cấp vaccine thường xuyên, nhưng nước này không giành được sự độc quyền cung cấp vaccine cho khu vực.

Các nước Đông Nam Á đã tìm cách đa dạng hóa vaccine của họ với càng nhiều nhà cung cấp càng tốt.

Xem xét kỹ hơn danh mục vaccine của các nước Đông Nam Á, có thể thấy khu vực này nhận thức được rõ sự cấp bách phải đảm bảo càng nhiều liều vaccine càng tốt.

Tất cả các quốc gia trong khu vực không phụ thuộc vào nguồn cung duy nhất Trung Quốc mà tìm cách có thêm ít nhất một nguồn vaccine bổ sung khác.

Bên cạnh việc mua đáng kể vaccine do Trung Quốc sản xuất, danh mục vaccine của Indonesia và Malaysia khá dài.

Ví dụ, Malaysia đã đặt hàng vaccine AstraZeneca, Pfizer và Sputnik V, trong khi Indonesia đã tìm kiếm nguồn cung từ AstraZeneca, Pfizer và Novavax.

Ngoại giao vaccine - quyền lực mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á? ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine Sinova phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cả hai quốc gia cũng đã tìm kiếm nguồn cung thông qua cơ chế COVAX. Tổng cộng, Malaysia đã đặt 64 triệu liều vaccine từ các nhà cung cấp không phải Trung Quốc. Do đó, vaccine từ Trung Quốc chiếm dưới 20% danh mục vaccine của quốc gia này.

Tương tự, vaccine Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 lượng vaccine mà Indonesia đặt mua và đơn hàng khổng lồ 125 triệu liều từ Sinovac được cân bằng thông qua việc mua khoảng 250 triệu liều từ các nhà sản xuất vaccine khác.

Campuchia và Lào chủ yếu dựa vào vaccine của Trung Quốc để thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia, với COVAX đóng vai trò là nguồn cung cấp thay thế chính duy nhất.

Lào được cho là đã đề nghị 2 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, nhưng có rất ít tin tức xuất hiện kể từ khi được cung cấp 1.000 liều hồi tháng 1/2021.

Việc Campuchia đặt cược vào vaccine Trung Quốc là đáng chú ý kể từ khi nước này phê chuẩn việc sử dụng Sinovac tháng 12/2020.

Vào thời điểm có các nghi ngờ về độ hiệu quả của Sinovac, Chính phủ Campuchia lựa chọn các vaccine ngừa COVID-19 thông qua COVAX, với việc Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng “Campuchia không phải là nơi để thử nghiệm vaccine.”

Tuy nhiên, tháng 5/2021, Thủ tướng Hun Sen đã nói rằng “nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, có thể chúng tôi sẽ không có vaccine cho người dân Campuchia.”

Trong khi đó, Việt Nam đã lựa chọn tìm kiếm nguồn cung vaccine thông qua cơ chế COVAX, và một số vaccine nước ngoài, đồng thời tự phát triển vaccine trong nước.

Hai loại vaccine đầy triển vọng - Nanocovax và Covivax - hiện đang được thử nghiệm Giai đoạn hai với hy vọng Nanocovax có thể sử dụng phổ biến vào năm 2022.

Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vaccine của họ, mặc dù mức độ nỗ lực có thể khác nhau.

Khu vực này không muốn đặt cược tất cả vào vaccine của Trung Quốc. Hơn nữa, mặc dù Trung Quốc có lợi thế nhờ việc cung cấp đều đặn, nhưng chiến dịch gia tăng tầm bao phủ của vaccine Trung Quốc gặp phải trở ngại bởi sự không nhất quán giữa thực thi sức mạnh mềm và sức mạnh cứng.

"Sức mạnh mềm" của Trung Quốc

Ngoại giao vaccine là một bài diễn tập về sức mạnh mềm. Vấn đề không phải là ép buộc hay cưỡng ép, mà là thuyết phục hoặc “hợp tác.”

Như “cha đẻ” của thuyết quyền lực mềm, Giáo sư người Mỹ Joseph Nye, nhận định rằng chính sách đối ngoại của một quốc gia có thể hoạt động như một sức mạnh mềm, nhưng điều này có thể bị phá hoại nếu các chính sách khác “có vẻ thờ ơ với ý kiến của nước khác hoặc dựa trên cách tiếp cận hạn hẹp đối với lợi ích quốc gia.”

Trung Quốc dường như đang cảm thấy tự tin trong việc việc nuôi dưỡng sức mạnh mềm với những sắc thái và sự khéo léo cần thiết.

Bài bình luận ngày 25/2 của Đại sứ Trung Quốc tại Timor-Leste được đăng trên báo Suara Timor Lorosae đã viết: “Lấy ví dụ về phân phối công bằng vaccine COVID-19, một số quốc gia giàu và mạnh theo đuổi ‘chủ nghĩa dân tộc’ vaccine, đặt hàng và tích trữ vaccine với số lượng lớn hơn nhiều so với những gì họ cần, nhưng rất khó để các nước đang phát triển có đủ vaccine. Trung Quốc đang chứng minh với thế giới rằng vaccine Trung Quốc, với tư cách là hàng hóa công toàn cầu, sẽ có giá cả phải chăng đối với các nước đang phát triển và thúc đẩy việc phân phối vaccine một cách công bằng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ các quốc gia đang có nhu cầu vaccine bị bỏ lại phía sau, hay bị lãng quên.”

Tuy nhiên, ngày 5/6, Trung Quốc chỉ tặng 100.000 liều vaccine cho Timor-Leste, quốc gia có dân số 1,3 triệu người. Vì thế, Timor-Leste vẫn phải phụ thuộc vào cơ chế COVAX và Australia là chủ yếu.

Yếu tố khác làm giảm sức mạnh mềm của Trung Quốc là thực tế rằng nhiều quốc gia nhận thức được mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã có lịch sử rút lại sự hào phóng của mình và đẩy các quốc gia vào tình thế bất lợi vì những bất đồng giữa hai nước.

Trung Quốc có thể cung cấp vaccine hôm nay, nhưng có thể thực hiện các lệnh trừng phạt thương mại vào ngày mai.

Các chính phủ khu vực thận trọng nhìn nhận về các đòn trả đũa kinh tế và thương mại của Trung Quốc nhằm vào Australia.

Quan trọng hơn, những kinh nghiệm trong quá khứ nêu bật thực tế là mức độ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc có thể dẫn đến sự tổn thương lớn hơn khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt một khi bất đồng không thể tránh khỏi xảy ra.

Hơn nữa, việc Trung Quốc khẳng định sức mạnh cứng trong các lĩnh vực khác về cơ bản đã làm suy giảm sức mạnh mềm của nước này, cản trở việc Bắc Kinh biến lợi thế ngoại giao vaccine thành lợi ích chiến lược bền vững, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Thiện chí trong khu vực đối với chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh có nguy cơ bị cản trở.

Như đã chứng minh trong cuộc khảo sát Thực trạng Đông Nam Á năm 2021 của Viện ISEAS-Yusof Ishak, mặc dù Trung Quốc được công nhận là Đối tác Đối thoại ASEAN đã giúp đỡ nhiều nhất cho khu vực trong đại dịch COVID-19, song sự ngờ vực đối với Bắc Kinh vẫn rất sâu sắc tại khu vực.

Trung Quốc đã có thể khởi đầu thuận lợi với chính sách ngoại giao vaccine, vì các nước phương Tây còn đang bận tâm đến nhu cầu trong nước của họ.

Giờ đây, khi các nước phát triển đang trong quá trình hoàn thành chiến dịch tiêm chủng của họ, nguồn cung cấp vaccine từ phương Tây sẽ bắt đầu dồi dào hơn.

Nếu cam kết tặng 1 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thành hiện thực, con số này sẽ vượt xa con số 742 triệu liều vaccine mà Trung Quốc đã bán và 22 triệu liều mà họ đã tài trợ.

Hơn nữa, một khi Ấn Độ hồi phục sau đợt lây nhiễm hiện tại, năng lực sản xuất vaccine của nước này có thể sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trong chiến dịch tiêm chủng của các nước đang phát triển.

Lợi thế hiện tại mà chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc có được đang giảm dần. Nếu Bắc Kinh tiếp tục cách tiếp cận hiện nay đối với sức mạnh mềm, họ có thể thấy những nỗ lực của họ không đạt được nhiều hiệu quả, đặc biệt là khi đại dịch qua đi và sự phục hồi toàn cầu đang diễn ra tốt đẹp.

Một biện pháp có thể giúp tránh kết quả như vậy là tăng cường tiếp xúc với phương Tây (và Ấn Độ) để hợp tác sản xuất và phân phối vaccine cho các nước đang phát triển, thay vì biến việc tiếp cận vaccine thành một lĩnh vực khác của cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây.

Để làm được điều này, Trung Quốc cũng sẽ cần minh bạch hơn với dữ liệu thử nghiệm vaccine của mình và giải quyết những lo ngại về sự khác biệt trong các báo cáo về hiệu quả vaccine của họ, qua đó góp phần đảm bảo rằng vaccine thực sự là “hàng hóa công cộng toàn cầu,” như các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục