Ngoại trưởng Trung Quốc đánh giá cao quan hệ với ASEAN và châu Âu

Ông Vương Nghị đã đánh giá cao quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Âu, đồng thời kêu gọi Mỹ, Nhật Bản duy trì quan hệ song phương đúng hướng với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc đánh giá cao quan hệ với ASEAN và châu Âu ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/3, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đánh giá cao quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Âu, đồng thời kêu gọi Mỹ, Nhật Bản duy trì quan hệ song phương đúng hướng với Bắc Kinh.

Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, ông Vương Nghị cho biết ASEAN và Trung Quốc đã thiết lập một mô hình hợp tác khu vực năng động và hứa hẹn nhất trong 3 thập kỷ qua; khẳng định mối quan hệ giữa hai bên là không có giới hạn và sẽ phát triển chặt chẽ hơn.

Ông lưu ý song phương nên là các bên tiên phong trong hợp tác quốc tế chống đại dịch COVID-19, dẫn đầu trong hợp tác khu vực, đồng thời là những nhân tố bảo vệ sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

[Bước nhảy vọt trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc sau 30 năm]

Nhận định về mối quan hệ với châu Âu, ông Vương Nghị cho biết đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi sẽ là những nhân tố góp phần làm ổn định hơn thế giới.

Về mối quan hệ với Mỹ, ông Vương Nghị hối thúc Washington đưa chính sách trở lại đúng hướng, đưa quan hệ song phương trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington phải thay thế "cạnh tranh-hợp tác-đối thủ" bằng 3 nguyên tắc gồm tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.

Về quan hệ với Nhật Bản, ông Vương Nghị kêu gọi Tokyo duy trì quan hệ song phương đúng hướng, tăng cường nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ theo hướng hòa bình và thân thiện.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước khác để thực thi Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), với trọng tâm lấy con người làm trung tâm và mục tiêu hàng đầu của sáng kiến là tạo thuận lợi cho việc thực thi Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục