Cách châu Âu và Mỹ cạnh tranh với sáng kiến BRI của Trung Quốc

Với mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, lý do để cạnh tranh với BRI có thể tự được giải thích, nhưng logic của cạnh tranh không đơn giản như vậy, nhất là khi chưa ai định nghĩa rõ BRI.
Cách châu Âu và Mỹ cạnh tranh với sáng kiến BRI của Trung Quốc ảnh 1Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) vừa có bài phân tích về các chiến lược cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cũng như logic của việc cạnh tranh với BRI.

Được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong các ngày 11-13/6, mối quan hệ đối tác “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden coi là một sáng kiến về hạ tầng dân chủ nhằm thay thế BRI của Trung Quốc.

Hiện tại, sáng kiến này vẫn chủ yếu là trên giấy tờ, với hành động cụ thể duy nhất là thành lập một nhóm chuyên trách “nghiên cứu các đề xuất thực tế” và báo cáo lại cho những người đứng đầu chính phủ vào mùa Thu tới.

Thông cáo chung của G7 không đề cập đến BRI, nhưng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng thống Biden đã làm rõ sự so sánh: “Trung Quốc có BRI và chúng tôi nghĩ rằng có một cách công bằng hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia trên thế giới.”

Tất nhiên, việc giải quyết tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 là một mục tiêu thích đáng và cần thiết, nhưng chính xác thì điều này liên quan đến BRI như thế nào?

Với mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, lý do để cạnh tranh với BRI có thể tự được giải thích, nhưng logic của cạnh tranh không đơn giản như vậy, nhất là khi chưa ai định nghĩa rõ được BRI.

Cách châu Âu và Mỹ làm giảm những tác động tiêu cực của BRI

BRI thường được coi là thành công của việc Trung Quốc trong tận dụng sức mạnh kinh tế để tạo ảnh hưởng chính trị. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi BRI gây ra phản ứng dữ dội.

Tuy nhiên, các vấn đề về tính minh bạch và bền vững của nhiều dự án đã làm suy yếu BRI, khi chúng tạo ra hậu quả chính trị và sự thù địch công khai ở các nước chủ nhà.

EU và Mỹ đều nói rõ rằng các phản ứng của họ đối với BRI xuất phát từ những tác động ít mong muốn của sáng kiến này. Mỹ đã trực tiếp chỉ trích Trung Quốc, trong khi EU bớt thẳng thừng hơn.

[G7 tìm kiếm giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường]

Tuy nhiên, chiến lược kết nối của EU ngầm đặt câu hỏi về tính minh bạch, hiệu quả thị trường và tính bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế của các dự án BRI.

Do đó, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án BRI là tăng cường năng lực giám sát và đàm phán dự án của các nước chủ nhà. Những diễn biến gần đây ở Mỹ và EU cho thấy các chính trị gia đã nhận ra thực tế này. Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về việc mở rộng Chiến lược kết nối EU kêu gọi “xây dựng năng lực vì sự bền vững.”

Trong khi đó, Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua đạo luật cho phép chi 75 triệu USD mỗi năm cho Mạng lưới hỗ trợ và giao dịch cơ sở hạ tầng, sáng kiến có nhiệm vụ thúc đẩy “cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng cao” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách cung cấp các dịch vụ liên quan đến dự án cho các nước sở tại.

BRI làm được điều gì mà phương Tây không làm được

Những lời kêu gọi về các lựa chọn thay thế BRI không chỉ được thúc đẩy bởi những thất bại của sáng kiến này. Xét cho cùng, nếu quan ngại duy nhất là giảm thiểu các tác động tiêu cực của BRI thì việc xây dựng năng lực là đủ.

Tuy nhiên, sự khao khát kết nối cạnh tranh còn được thúc đẩy bởi nhận thức rộng rãi về thành công của Trung Quốc. BRI được coi là đang thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh hoặc đóng góp điều gì đó cho sự nghiệp phát triển toàn cầu, mà hiện còn thiếu.

Vẫn chưa rõ liệu BRI có hiệu quả hay không trong việc mang lại lợi ích chiến lược hay hàng hóa công cộng của Trung Quốc, song sáng kiến này làm được điều gì mà phương Tây không làm được?

Bản thân BRI có nguồn gốc là sự thay thế của Trung Quốc cho các mô hình phát triển nguyên trạng. Kể từ những năm 1990, các nước “tài trợ truyền thống” và những tổ chức của họ đã ưu tiên xóa đói giảm nghèo và cung cấp nền tảng hạ tầng “mềm” hơn là các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Và Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc tài trợ cho cơ sở hạ tầng toàn cầu và cung cấp bí quyết kỹ thuật.

Trong khi đó, BRI không chỉ là sáng kiến về cơ sở hạ tầng mà còn là thương hiệu cho tầm nhìn của Trung Quốc về những gì mà Bắc Kinh có thể cung cấp cho thế giới, vì cái mà Bắc Kinh gọi là “hàng hóa công cộng toàn cầu.”

Tầm nhìn mở rộng này bao trùm các lĩnh vực tài chính, thương mại, quy định quản lý và văn hóa.

Tuy nhiên, yếu tố cung cấp hạ tầng kinh tế “cứng” luôn được chú ý nhất, cho dù điều này được đo lường bằng nguồn tài chính từ Bắc Kinh hay sự quan tâm của quốc tế.

Nhờ cách tiếp cận trọng thương nhà nước đối với tài trợ phát triển, Bắc Kinh đã đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn, mà sẽ bị coi là quá rủi ro và không tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư tư nhân.

Giờ có phải là thời điểm để thách thức BRI?

Điều trớ trêu là đỉnh điểm của việc phương Tây mong muốn phản ứng với BRI hiện nay lại diễn ra khi sự nhiệt tình dành cho BRI đã giảm bớt ở Trung Quốc.

Các khoản vay từ ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã cạn kiệt kể từ năm 2016, với việc Bắc Kinh cố gắng hạn chế tiến trình cho các dự án rủi ro vay. Đồng thời, Bắc Kinh nhấn mạnh đến các dự án đối tác công tư (PPP) và “phát triển chất lượng cao.”

Mặc dù thể chế hóa một số khái niệm rõ ràng của Trung Quốc, Sách Trắng mới nhất về hợp tác phát triển quốc tế của nước này, được phát hành tháng 1/2021, đã báo hiệu một hướng đi tập trung vào các chuẩn mực quốc tế, ít nhất là về điểm bền vững.

Trung Quốc, Mỹ và châu Âu có thể thực sự có chung ý kiến trong việc cố gắng giảm thiểu những rủi ro liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Thông thường, việc Bắc Kinh tập trung vào “phát triển chất lượng cao” sẽ báo hiệu cơ hội hợp tác với các bên liên quan có kinh nghiệm như EU. Tuy nhiên, hợp tác với Trung Quốc về kết nối đã không còn hợp thời ngay cả ở châu Âu, chứ chưa nói đến Mỹ.

Trong việc xây dựng các sáng kiến thay thế, EU và Mỹ cần ghi nhớ bản chất thay đổi của BRI và sự thận trọng trong việc phản ứng với sáng kiến cũ. Giới quan chức và bình luận ở Washington và Brussels có xu hướng áp đặt thái độ của họ với BRI lên phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, không có câu trả lời dễ dàng cho việc làm thế nào để EU thúc đẩy các giá trị của mình. Giải pháp không chỉ đơn giản là đưa ra cùng một thông điệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục