“Hơn 50% số dân lúc nào cũng có khoảng 200-300 triệu đồng trong nhà, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú... nhờ vào tôm hùm” - lời kể của anh bạn mới quen về quê hương Cam Bình khiến tôi bỏ lửng chuyến công tác, rẽ ngang vào xã đảo giàu có ở đất Cam Ranh (Khánh Hòa)...
Đảo tỷ phú Bến đò Ba Ngòi nắng chói chang dù mới chỉ 7 giờ sáng. Thấy vị khách lạ nói giọng Bắc hỏi đến Cam Bình, anh lái thuyền có nước da đen nhẻm hồn nhiên: “Mua tôm hùm hở?...” Sau một tiếng chao đảo giữa những cơn sóng lớn, nước táp lên khoang thuyền khiến vị khách đất Bắc lử đử vì say và ướt như chuột lội, tôi đã có mặt ở thôn Bình Ba-thôn giàu có nhất của Cam Bình. Chỉ tay ra những chiếc bè nuôi tôm ngoài khơi, ngư dân Lê Văn Phé (61 tuổi) bảo rằng, cả vùng quê này lột xác là nhờ có tôm hùm. Theo lời ông, chỉ mười năm trước Cam Bình còn nghèo lắm. Người dân sống hoàn toàn nhờ vào nghề đánh bắt thủy sản. Người có ghe, thuyền thì làm chủ, người không có thì làm vạn chài. Đánh bắt thì lúc được lúc chăng, phụ thuộc vào thời tiết, rồi nguồn thủy sản gần bờ cũng dần ít đi nên cuộc sống khá bấp bênh. Thậm chí có hộ thuộc diện đói nghèo. Nghĩ cách làm ăn, nhiều ngư dân ở Bình Ba quyết định nuôi tôm hùm. Nhưng khi ấy, nguồn vốn đầu tư là một vấn đề nan giải. Bàn bạc với vợ, ông Phé dồn vốn liếng thả được 2 lồng tôm (mỗi lồng từ 80-100 tôm hùm, nuôi khoảng 16-17 tháng thì bán). Năm 2000, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa cho người dân vay để phát triển nuôi tôm hùm, ông Phé như mở cờ trong bụng. Vay được 30 triệu đồng, ông Phé đầu tư thêm 3 lồng tôm nữa. Thế rồi, vừa làm vừa nhân rộng, tới nay ông Phé có trong tay 21 lồng. Trừ chi phí, năm 2012, ông Phé cũng “bỏ túi” trên 200 triệu đồng lợi nhuận. Cũng như ông Phé, anh Lâm Tấn Hậu (35 tuổi) cho hay, 12 lồng nuôi tôm thịt và 20 lồng nuôi tôm giống của anh trong vài năm gần đây cho thu nhập đáng kể. Mấy năm nay, nhờ giá tôm hùm tăng, năm nào anh cũng lãi khoảng 300 triệu đồng. Dẫn khách ra bè nuôi tôm nhà mình bằng thuyền nhỏ, anh Hậu bảo rằng nghề tôm hùm tuy có cực, nhưng cho thu nhập ổn định lại không gặp nguy hiểm như nghề đánh bắt. Thêm vào đó, anh có thể chủ động được thời gian để lo việc gia đình. Cười thật tươi, anh Hậu khoe đã xây được nhà tầng với đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra, anh mua chiếc tàu du lịch giá 240 triệu đồng để chở khách từ đất liền ra đảo thăm quan.
Anh Hậu cho hay, khi đã "rủng rỉnh," anh sẽ chọn Ngân hàng NN&PTNT để gửi tiết kiệm.
(Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)
(Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)
“Chủ nợ” của ngân hàng Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cam Bình liên tục cảm ơn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bởi nhờ có nguồn vốn của họ mà người dân nơi đây đã đổi đời. Theo lời người đứng đầu Cam Bình, đã có thời điểm người dân vay Ngân hàng tới 45-47 tỷ đồng, nay số vay còn lại vào khoảng 20 tỷ đồng. Cả xã có 1.176 hộ dân thì chỉ còn 32 hộ nghèo, chiếm 2,27 % (năm 2010 là 10,5% hộ nghèo). Số hộ nuôi tôm là 900 hộ với 4.600 lồng tôm. “Năm 2012, cả xã thu hoạch được trên 180 tấn tôm, bán được khoảng 250 tỷ đồng. Số hộ có sẵn từ 2-300 triệu trong nhà phải đến 50% số dân. Thu nhập của Cam Bình trung bình là 30 triệu đồng/người/năm, dẫn đầu toàn Khánh Hòa về thu nhập trung bình ở nông thôn,” ông Hóa phấn khởi. Để hỗ trợ ngư dân, hàng năm xã đều phối hợp cùng các cán bộ khuyến ngư tỉnh, thành phố tập huấn cho người nuôi tôm các kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc. Khi có dịch bệnh đột xuất, xã và cán bộ khuyến ngư luôn túc trực cùng bà con để xử lý. Ông Hóa cũng cho hay, năm 2012, xã đã thành lập 16 tổ tự quản nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường với 295 thành viên tham gia. Các tổ này đã hoạt động có hiệu quả như hỗ trợ giúp nhau kỹ thuật nuôi tôm, không bán tôm non, chống phá giá, bảo vệ môi trường sinh thái để giảm dịch bệnh tôm... Có tiền, cuộc sống người dân đã thay đổi tích cực. Nhiều nhà cao tầng, kiên cố với các tiện nghi đắt tiền đã mọc lên tại xã đảo. Thậm chí, có người xây nhà nghỉ để phục vụ du khách đi du lịch tại xã đảo này. “Trong tiêu chí nông thôn mới, Cam Bình đã thực hiện được 13/18 tiêu chí vì ở xã đảo không xét tiêu chí về thủy lợi,” ông Hóa nói. Ông Trương Văn Căn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Cam Ranh cho hay, nhờ làm ăn hiệu quả, nhiều ngư dân ở Cam Bình đã đem tiền cho ngân hàng vay lại. Theo tính toán của ông Căn, có tới 30% số hộ dân từng vay vốn ngân hàng ở Cam Bình đã đem tiền tới gửi tiết kiệm. Anh Lâm Tấn Hậu thì kể, dù đã có tiền song gia đình anh vẫn tiếp tục vay ngân hàng 70 triệu đồng để đầu tư thêm lồng nuôi tôm hùm bởi đây đã là con đường làm giàu phù hợp nhất với nhiều ngư dân ở xã đảo Cam Bình./.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa, đến cuối năm 2012, ngân hàng này đã cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 2.783 tỷ đồng, chiếm 73,6%. Riêng cho vay nuôi tôm hùm đạt 283 tỷ đồng. |
Trung Hiền (Vietnam+)