Ngược xuôi lên núi cao ''săn'' lợn đen ăn Tết cổ truyền

Không chỉ còn là tập quán của người miền ngược, nhiều người dân miền xuôi, cả người Hà Nội cũng đã bắt đầu có thói quen “đụng” lợn Tết. đặc biệt là lợn đen một vài năm gần đây.
Ngược xuôi lên núi cao ''săn'' lợn đen ăn Tết cổ truyền ảnh 1Ông Bình chăm chút đàn lợn của gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tháng Chạp gõ cửa nghĩa là thịt lợn đã vào mùa. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, lợn hơi khan hiếm, giá thit lợn cao ngất ngưởng gấp 3-4 lần năm ngoái, nhưng không vì thế mà những chú lợn đen Tây Bắc bị “bỏ quên”, ngược lại, chúng được săn đón đến từng chuồng trại.

“Đụng” lợn nhanh kẻo hết

Không còn là tập quán của người miền ngược, nhiều người dân miền xuôi, cả người Hà Nội cũng đã bắt đầu có thói quen “đụng” lợn Tết một vài năm gần đây. “Đụng” lợn hiểu nôm na tức là mấy gia đình chung tiền mua một con lợn ngon về mổ thịt, làm thực phẩm sử dụng trong mấy ngày Tết truyền thống. Cứ bước sang tháng chạp, chủ nhiều trang trại lợn ở ngoại thành Hà Nội đã bắt đầu nhận tiền đặt cọc của khách. Anh Nguyễn Thủy - chủ một trang trại lợn ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, “năm nay không có cảnh tiểu thương ép giá mà khách hàng tự tìm đến tận nhà, chỉ tay chọn lợn. Những con lợn ngon nhất khoảng 70-80 kg vào dịp Tết đã có chủ”.

Sang hơn, nhiều người dân Thủ đô nghỉ Tết sớm, lặn lội lên tận Lào Cai, Lai Châu… đưa lợn đen về phố. Người ta thường đích thân về thủ phủ của những chú lợn đen được nuôi sạch ở các xã vùng cao Lào Cai như Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… Điểm khác biệt là lợn đen Tây Bắc không có trọng lượng lớn như lợn ngoại thành Hà Nội hay tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ… Đó là những con lợn có trọng lượng vừa đủ, chỉ từ 30 - 50kg, giống lợn cắp nách mà người dân bản chỉ quanh năm nuôi ăn ngô, ăn cám. Thịt lợn đen nổi tiếng trứ danh khắp vùng Tây bắc vì mùi thịt thơm, miếng thịt ngọt dai, không nhạt như thịt ăn tăng trọng.

Nhưng với anh Trung Kiên - ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội: “Tết năm ngoái đặt lợn đen dễ lắm, sang năm nay khó vô cùng. Đặt tiền trước cũng khó có thể mua được một con lợn đen tầm 40-50 kg. Thịt lợn này ngày Tết ăn lẩu nướng hay làm chả, giò rất thơm. Chỉ tiếc là càng ngày càng khan hiếm”.

Ngược xuôi lên núi cao ''săn'' lợn đen ăn Tết cổ truyền ảnh 2Nhiều người trúng lớn vì giữ được đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Anh Kiên thường xuyên đi công tác Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… nên như mọi năm, năm nay, anh lại  được bố mẹ đẻ giao nhiệm vụ mua một con lợn ngon cho cả gia đình cậu em “đụng” Tết. Ngay từ giữa tháng 11 Âm lịch, anh Kiên đã đặt vấn đề mua lợn ngon ở gia đình quen mà anh hay đặt Tết, nhưng năm nay họ không có nhiều, vì ảnh hưởng của dịch tả châu Phi. Anh phải vào tận bản, hỏi dò đến một gia đình có trại lợn mấy chục con sắp xuất chuồng, nhưng “tất cả đã có người đặt tiền mua hết rồi”. Sang tháng Chạp, Trung Kiên đã phải ăn nhờ ở đậu một quê một đồng nghiệp trên Simacai để “nhắm” một chú lợn đen của người dân tộc mang về xuôi.

Chị Lê Ngọc - nhân viên một công ty xuất khẩu ở Hà Nội cũng phải đi hàng trăm cây số lên Lùng Khấu Nhin, Mường Khương, Lào Cai để đặt mua 2 con lợn đen ngon cho công ty liên hoan tất niên. Chị Ngọc đã phải nhờ họ hàng trên Lào Cai dẫn vào tận thôn, hỏi tờng nhà nuôi lợn để chọn với giá khoảng 120-130.000 đồng/kg. Mức giá lợn hơi này cao hơn hẳn năm ngoái, nhưng chị vẫn quyết định chọn 2 con lợn tầm 50kg với tâm lý… bắt nhanh kẻo hết. Chủ nhà đồng ý bán và nuôi hộ chị đến ngày công ty liên hoan nhưng chị Ngọc đã cẩn thận trả tiền trước để người nuôi không bán cho người khác. Theo chị Ngọc, “lợn đen vào bản chọn tận chuồng trại, lựa từng con một nên giá đắt là điều dễ hiểu. Nhưng có tiền cũng chưa chắc mua được, để tìm được lợn đen ngon trong thời điểm này cực kỳ khó, hầu hết những con lợn trong chuồng nhà dân nuôi sạch đã được đặt mua hết”.

Trốn khách như trốn nợ

Lợn đen vùng cao được săn đón hứa hẹn một cái Tết viên mãn với người dân thôn bản, nhưng cũng mang đến không ít muộn phiền cho bao chủ trại chăn nuôi lợn sạch vì cứ đến cuối năm lại được săn “kỹ quá”.

Ông Trần Văn Bình, một chủ trại lợn ở thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên, Bảo Thắng kể lại, mấy tháng trước, khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, ngay lập tức ông lên phương án cách ly chuồng lợn với thế giới bên ngoài. Ông phun thuốc phòng dịch mỗi tuần một lần, đầu tư vôi bột rắc quanh khu chăn nuôi. Không chủ quan, kịp thời phòng chống đã giúp trại lợn của ông Trần Văn Bình vững vàng trước “bão dịch”.  Thời điểm gian khó nhất đi qua, ông cười khề khà, "người chăn nuôi nào giữ được đàn lợn coi như trúng lớn bởi giá lợn hơi leo lên mức kỷ lục”.

[Giá thịt lợn tại thị trường Hà Nội đã có xu hướng giảm]

Hai tuần nay, ông Bình rất bận rộn, một ngày ông phải nghe hàng chục cuộc điện thoại đặt mua lợn thịt của khách hàng, nhiều lúc ông phải tắt máy vì quá tải. Với giá bán lợn hơi cao như hiện nay, hơn 100 con lợn của gia đình ông Bình có thể lãi khoảng 700-800 triệu đồng.

Nhiều cán bộ đang làm việc tại một số xã vùng cao có lợn đen, lợn cắp nách ngon những ngày này cũng đau đầu vì nghe điện thoại. Anh Lưu Tiến An - cán bộ một xã vùng cao Mường Khương mấy hôm nay liên tục nghe điện thoại của người quen nhờ đặt hộ lợn Tết đến mức không biết phải từ chối kiểu gì. Tháng trước, anh đã giúp cho mấy người họ hàng, làng xóm có lợn ngon ăn Tết nên người nọ mách người kia, nhiều người nhớ đến anh quá khiến anh ngại. Nhu cầu thịt lợn Tết đang ngày càng cao, càng giáp Tết càng khan hiếm. Giá lợn đen hơi đang dao động từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, giáp Tết có thể còn cao hơn mà vẫn không đủ cung - cầu.

Ngược xuôi lên núi cao ''săn'' lợn đen ăn Tết cổ truyền ảnh 3Thịt lợn đen luôn được săn đón mỗi ngày Tết đến xuân về. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Trần Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen, Mường Khương, Lào Cai - địa phương có số đàn lợn đen nhiều trên địa bàn Lào Cai cho biết: Dịch tả lợn châu phi khiến tổng đàn lợn của Bản Xen giảm sút, chỉ còn 1.000 con trong đó 600 - 700 con lợn để cung cấp cho thị trường dịp Tết. Số lợn này hầu hết đã được tư thương đặt hàng trước đó. Mặc dù giá lợn ngon đang ở mức “ngất ngưởng” nhưng vẫn không làm nản lòng người tiêu dùng “săn” lợn đen đón Tết. Thời điểm này, mọi mối quan hệ đang được tận dụng tối đa để tìm được những con lợn đen ngon xuất sắc cho gia đình, khu phố có được cái tết vẹn tròn bất chấp giá thịt lợn đang cao.

Giờ đã là những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, những chủ trang trại lợn ở Mường Khương, Simacai… đã thong thả đón Tết vì số lợn nằm trong chuồng trại đã được “khoán” hết cho khách. Người Hà Nội cũng thong dong ngóng đợi những ngày nghỉ lễ dài nhất trong năm gõ cửa. Thế nhưng, có không ít gia đình ở Thủ đô Hà Nội lên đường đi Tây Bắc, vừa kiếm chút may mắn mua được  lợn đen ngon về thết đãi gia đình bạn bè, vừa để kiếm một cành đào rừng về chơi Tết.

Nhắc đến Tây Bắc ngày Xuân, chẳng ai là không biết hai đặc sản thịt lợn đen bản và đào rừng. Năm nào cũng thế, lợn đen luôn là thứ đặc sản nổi tiếng của núi rừng Tây Bắc, chỉ khác là năm nay, chúng được săn đón sát sao hơn, thiết tha hơn, sau một đợt dịch khốc liệt tưởng làm người dân bản gục ngã, khốn đốn đến mất Tết. Ai ngờ, giá thịt lên cao, người tiêu dùng vẫn chẳng thể quên được hương vị khó quên của thịt lợn đen Tây Bắc. Các chủ trại nuôi lợn nhờ thế vẫn nở nụ cười buốt giá trước một cái Tết ấm no đang cận kề…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục