Nhiều người lao động châu Á đang bị mắc kẹt tại Saudi Arabia sau khi các ông chủ người Qatar của họ bị buộc phải rời khỏi nước này do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Quốc gia của Qatar, Ali bin Smaikh Al-Marri cho biết các lao động người Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Nepal đã không còn chỗ ở, tiền bạc và bị xem như sinh sống bất hợp pháp tại Saudi Arabia.
Theo bà Marri, nhiều lao động di cư bị ảnh hưởng bởi vụ việc này, đặc biệt là những nông dân chăn nuôi gia súc giữa hai nước.
[Saudi Arabia tuyên bố quyết không nhượng bộ với Qatar]
Thông thường, những người lao động này theo những ông chủ người Qatar làm việc nhưng bây giờ họ không được phép trở về Qatar, phải sống bất hợp pháp tại Saudi Arabia và không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản.
Qatar sử dụng hệ thống bảo lãnh ràng buộc giữa người lao động và giới chủ. Hiện chưa rõ tại sao những người lao động này bị bỏ lại và không có giấy tờ để trở về.
Ngày 5/6, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và một số nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng Doha bảo trợ khủng bố và có quan hệ thân thiết với Iran, tuy nhiên Qatar đã bác bỏ tất cả các cáo buộc liên quan.
Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế đối với Qatar, trong đó có việc đóng cửa không phận và đóng cửa đường biên giới trên bộ duy nhất nối Saudi Arabia với quốc gia giàu tài nguyên khí đốt này, đồng thời buộc tất cả những người Qatar phải rời khỏi những nước trên./.