Người chiến sỹ trẻ và mong muốn giản dị là luôn “thất nghiệp”

Trung úy Vũ Ngọc Hoàng - một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020 bày tỏ mong muốn người dân chú trọng phòng cháy, chữa cháy để không còn mất mát, tạo điều kiện giúp các anh "thất nghiệp."
Người chiến sỹ trẻ và mong muốn giản dị là luôn “thất nghiệp” ảnh 1Trung úy Vũ Ngọc Hoàng hướng dẫn nghiệp vụ cho chiến sỹ mới tại đơn vị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

“Nhiệt tình, hòa đồng và hài hước trong cuộc sống thường nhật nhưng trong công việc là một người tận tụy, luôn cố gắng hết sức để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao” là nhận xét mà đồng nghiệp dành cho Trung úy Vũ Ngọc Hoàng - một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020 được vinh danh nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021).

Trung úy Vũ Ngọc Hoàng (sinh năm 1992) đang công tác tại Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an quận Đống Đa (Hà Nội).

Sau hơn 10 năm học tập, gắn bó với công việc của một người lính cứu hỏa, năm 2011 người lính trẻ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân.

Chia sẻ về lý do khiến Trung úy Hoàng lựa chọn nghề nghiệp hiện tại, anh tâm sự: "Tôi yêu công việc này, một công việc đặc thù, vất vả, đôi khi còn đòi hỏi những hy sinh lặng thầm. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, chữa cháy - cứu người không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người lính cứu hỏa, mà còn thể hiện tình người, tình đồng chí, đồng đội gắn bó, thiêng liêng và cao cả."

Nghề phòng cháy, chữa cháy là một nghề đặc trưng, mỗi khi xảy ra sự cố cháy nổ, mọi người chạy ra thì những người lính cứu hỏa lại không quản hiểm nguy để lao vào. Là người lính cứu hỏa, anh cùng đồng đội luôn tâm niệm “khi làm nhiệm vụ không có sự sợ hãi, chùn bước.”

Hằng ngày, công việc của Trung úy Ngọc Hoàng và đồng đội là tập luyện thể lực để đảm bảo sức khỏe phục vụ chiến đấu; tập luyện các kỹ, chiến thuật chữa cháy; các phương pháp, biện pháp cứu người bị nạn để vận dụng linh hoạt vào từng tình huống cháy cụ thể, nhằm chữa cháy, cứu người một cách nhanh chóng nhất, an toàn nhất.

[Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn, tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô]

Nhớ lại những kỷ niệm trong quá trình công tác, người chiến sĩ trẻ cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu tiên anh được tham gia chữa cháy rừng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vào đúng đêm Giáng sinh năm 2013.

Cùng với lực lượng dân quân tự vệ, người dân địa phương, những người lính cứu hỏa gần như thâu đêm để phát quang bụi rậm, tạo khoảng cách an toàn, không để đám cháy lan từ quả đồi này sang quả đồi khác. Chữa cháy xong, ai cũng ướt đẫm mồ hôi vì thấm mệt.

Trong lúc tạm nghỉ, mở điện thoại xem thấy mọi người đăng hình ảnh, video đón Giáng sinh vui vẻ, hạnh phúc cùng người thân, gia đình, bản thân anh cũng có chút chạnh lòng nghĩ đến những dịp có khi phải vài ba tháng anh mới được về thăm nhà.

Nhưng rồi nhìn xung quanh, ai cũng lấm lem, mệt mỏi mà vẫn vui mừng, phấn khởi vì đã chặn đứng “bà hỏa,” góp phần bảo vệ cuộc sống bình an của người dân và màu xanh của những cánh rừng, chút chạnh lòng trong anh bỗng nhiên biến mất, thay vào đó là sự tự hào xen lẫn niềm hạnh phúc.

Người chiến sỹ trẻ và mong muốn giản dị là luôn “thất nghiệp” ảnh 2Trung úy Vũ Ngọc Hoàng cùng Ban quản lý chợ Thái Hà phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống cháy nổ cho bà con tiểu thương. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trung úy Ngọc Hoàng cho biết thêm, năm 2019 có lẽ là một năm khó quên đối với anh. Ngày 10/9/2019, anh đã tham gia khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy lớn trên phố Núi Trúc (Ba Đình); đồng thời trực tiếp cứu được một nạn nhân bất tỉnh từ tay của tử thần.

Hồi tưởng lại quá trình tác nghiệp hôm ấy, anh Hoàng vẫn nhớ như in những gì đã xảy ra. Khi đến hiện trường, đám cháy đã rất lớn, lửa, khói và khí độc bao trùm toàn bộ căn nhà.

Với sự hỗ trợ từ Công an quận Ba Đình, khi biết có người vẫn còn mắc kẹt trên tầng 4, anh cùng đồng đội đã lập tức lao vào tìm kiếm. Trong đám cháy lớn, khói tỏa đen kịt, anh tìm thấy em Giang nằm sấp dưới sàn nhà, tim vẫn đập, hơi thở đã rất yếu.

Cùng các đồng đội hỗ trợ, trùm bình thở cho nạn nhân, anh Hoàng nhanh chóng sốc em Giang lên lưng mình và khẩn trương di chuyển ra cầu thang bộ để cõng em xuống.

Tuy nhiên khi ra tới cửa, nhóm cứu hộ bị kẹt lại do cánh cửa phòng tầng 4 chỉ mở được một nửa. Lúc đó, cách duy nhất để vượt qua là phải bỏ lại mũ chữa cháy, bỏ bình thở cho nạn nhân ra, nghiêng người để lách qua mới có thể đi ra phía cầu thang bộ.

Trong quá trình di chuyển xuống phía dưới, anh gặp nhiều khó khăn vì lối đi nhỏ, lượng chất cháy nhiều, không khí ngột ngạt, khói nhiều và sức nóng của vụ cháy tác động.

Cõng em Giang đến chiếu nghỉ giữa tầng 1 và tầng 2, anh gần như đã kiệt sức. Nhưng với quyết tâm đưa nạn nhân ra ngoài, Trung úy Hoàng đã cố gắng hết sức và đã thành công. Rất may mắn, nhờ được đưa ra ngoài và cấp cứu kịp thời, ba ngày sau, em Giang đã tỉnh lại và hiện đã trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Sau hành động dũng cảm quên mình cứu người ấy, khi được nhiều người ví như “người hùng,” Trung úy Hoàng khiêm tốn tâm sự: "Mình chỉ là một người lính phòng cháy, chữa cháy như bao đồng đội khác. Nếu trong trường hợp đó không phải là mình thì những người đồng đội của mình cũng sẽ sẵn sàng hy sinh để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu người."

Người chiến sỹ trẻ và mong muốn giản dị là luôn “thất nghiệp” ảnh 3Trung úy Vũ Ngọc Hoàng tham gia khống chế và dập tắt đám cháy trên phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội), trực tiếp cứu nạn nhân bất tỉnh khỏi biển lửa. (Ảnh: TTXVN phát)

Trải lòng về những trở ngại khi lựa chọn gắn bó với công việc hiện nay, người chiến sỹ trẻ chia sẻ: "Thiệt thòi lớn nhất của người chiến sỹ Công an nhân dân, của anh và các đồng đội có lẽ là thời gian dành cho gia đình khá hạn hẹp. Những ngày lễ, Tết gần như phải trực 100%. Trung úy Hoàng cho biết, từ khi đi làm, anh thường không được đón Giao thừa cùng gia đình, người thân. Vượt lên những khó khăn, những người lính như anh luôn lấy tinh thần “vì nhân dân phục vụ,” lấy tình cảm, sự yêu thương của gia đình làm động lực để không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đã đạt được, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng vinh dự được nhận nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công an, Giấy khen của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Giấy khen của Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa… Anh vinh dự là Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2020.

Mới đây, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020, phần thưởng xứng đáng ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu, hy sinh của những người lính cứu hỏa nói chung và cá nhân anh nói riêng.

Người chiến sỹ trẻ và mong muốn giản dị là luôn “thất nghiệp” ảnh 4Trung úy Vũ Ngọc Hoàng trong buổi vinh danh 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020. (Ảnh: TTXVN phát)

Anh cho biết phần thưởng này là nguồn động lực để bản thân không ngừng quyết tâm, cống hiến, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa cho các bạn trẻ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

“Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp,” lời chúc vui của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sau cuộc míttinh ngày 1/1/1955 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử năm nào vừa là lời động viên vừa là mục tiêu, nhiệm vụ mà Người tin tưởng giao cho lực lượng Công an trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Lời chúc giản dị nhưng ý nghĩa của Bác Hồ dành tặng lực lượng phòng cháy, chữa cháy luôn được Trung úy Hoàng và các đồng nghiệp ghi nhớ. Thông qua lời chúc đặc biệt ấy, anh mong muốn mọi người dân chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy để không còn những đau thương mất mát, tạo điều kiện giúp các anh “thất nghiệp.” Chúc mọi người luôn luôn thất nghiệp trong công tác chữa cháy, nhưng không bao giờ thất nghiệp trong công tác phòng cháy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục