Cairo đang trải qua những thời khắc chưa từng có và cực kỳ khó khăn. Thành phố cổ kính 20 triệu dân này từng là niềm mơ ước của nhiều du khách muốn được một lần đặt chân đến, song giờ đây đang diễn ra cảnh tượng trái ngược hoàn toàn khi người nước ngoài lũ lượt đổ ra sân bay để chạy trốn cảnh loạn lạc nơi đây.
"Huynh đệ tương tàn"
Sáng mùng Một Tết (3/2), một người quen chìa cho tôi xem một chiếc vỏ đạn súng tiểu liên. Nét mặt chưa hết thảng thốt, anh kể lại vụ đấu súng ngay trước cửa nhà đêm qua giữa lực lượng dân phòng và người biểu tình mà như thể mọi chuyện vừa diễn ra.
Nhìn vẻ phờ phạc, tôi hiểu rằng anh lại trải qua một đêm không ngủ. Cuộc sống của người dân thủ đô Cairo như thu ngắn lại vào ban ngày và dài hơn về đêm, mặc dù giờ giới nghiêm đã được giảm bớt từ 17 tiếng xuống còn 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Tại trung tâm thủ đô Cairo, cảnh hỗn loạn tiếp tục diễn ra khi những người biểu tình của hai phe ủng hộ và chống đối Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đụng độ nhau. Nắm đấm, gạch đá, gậy gộc, dao, bom xăng và cả súng, nghĩa là mọi thứ có làm vũ khí đều được người ta sử dụng trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" này.
Mật độ các trạm kiểm soát tại trung tâm thủ đô đã tăng vọt lên so với ngày hôm trước khi bạo lực nổ ra giữa hai phe tại quảng trường Tahrir. Bên ngoài nhà ga tầu điện ngầm Naguib Mahfouz, một người đàn ông Ai Cập cầm gậy gỗ đánh túi bụi một người qua đường, gọi anh ta là kẻ phản bội. Một người đàn ông trung niên đứng gần đó tay cũng lăm lăm một chiếc dùi cui song nhắc nhở mọi người bình tĩnh.
Gần quảng trường Tahrir, những từ "kẻ phản bội" và "kẻ phản quốc" vang lên khắp nơi khi những cuộc cãi vã nổ ra giữa người qua đường và những người dân đứng chốt ở các trạm kiểm soát. Người đi bộ vào quảng trường Tahrir từ hướng quảng trường Talaat Harb phải chịu cảnh khám xét và kiểm tra chứng minh thư hơn một chục lần khi phe chống đối ông Mubarak cố ngăn những người ủng hộ tổng thống vào khu vực quảng trường.
Các phòng khám lưu động trải khắp khu vực khi con số nạn nhân tăng lên hàng giờ, với ít nhất 10 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương. Người dân kháo nhau là có tới 1/5 số người bên trong quảng trường đang đi lại với những miếng gạc trên đầu và mặt.
Ban đêm, những thế trận rõ ràng được lập nên khi những người biểu tình chống tổng thống nấp sau những tấm rào thép, ném đá và bom xăng để giữ khoảng cách với những người ủng hộ ông Mubarak.
Con đường ngay phía trước bảo tàng quốc gia Ai Cập, nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật quý giá, đã biến thành đống gạch vụn do những người biểu tình đập vụn hè phố để tăng viện bằng gạch đá thay cho đạn dược.
Gần các chiến tuyến, những người biểu tình chống Tổng thống Mubarak cố kích thích nhuệ khí bằng cách sử dụng những tấm thép thay tạm cho trống trận. Khói đen bốc lên từ những chiếc xe đang bốc cháy ở khoảng giữa hai nhóm đang chiến đấu. Một người biểu tình nấp cùng một nhóm phía sau bức tượng Abd al-Moneim cách bảo tàng Ai Cập chưa đầy 100 mét, chìa cánh tay lên từ phía sau bức tượng để vẫy là cờ Ai Cập, giữa lúc gạch đá và bom xăng bay qua lại rào rào.
Mọi chi tiết của cuộc đối đầu giữa hai phe biểu tình tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về một cuộc nội chiến thực sự đang diễn ra tại trung tâm thủ đô Cairo. Chỉ khác một điều là người ta sử dụng những vũ khí thô sơ thay thế cho bom đạn, mặc dù mức độ khốc liệt thì không hề thua kém gì.
Sống chung với tiếng súng
Kể từ khi lực lượng cảnh sát rút khỏi các thành phố hôm 27/1, người dân trên khắp Ai Cập phải tự tổ chức các đội tuần tra để bảo vệ nạn cướp bóc đang lan tràn.
Chỉ sau 10 ngày diễn ra các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức, tiếng súng dường như đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân đất nước này.
Kênh truyền hình quốc gia Ai Cập thông báo hơn 4.000 phạm nhân đã vượt ngục, thế nhưng thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết con số này là hơn 17.000 tên tội phạm đã thoát ra ngoài xã hội. Tình trạng trấn lột và cướp vũ trang diễn ra nhiều nơi, mặc dù quân đội thông báo đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng.
Bạo lực leo thang giữa những phe biểu tình càng khiến tình hình vốn phức tạp càng trở nên hỗn loạn. Các barie tự tạo thô sơ và chướng ngại vật được người dân dựng lên nhiều hơn ở mọi nẻo đường, ngõ phố.
Cổng ra vào khu ở của chúng tôi cũng được gia cố thêm, với một bên là bao cát chống đạn còn một bên là dãy thùng phuy quân dụng trông giống như một chiến lũy thực sự. Tối đến, đám đàn ông lại tụ tập trước cổng để canh phòng và bàn tán những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình ở trung tâm thủ đô.
Trên đường phố chỉ còn vài cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và một số ít các cửa hàng xăng dầu còn mở cửa. Thế nhưng, những mặt hàng này đã bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm. Các ngân hàng vẫn đóng cửa. Cảnh xếp hàng trước các máy rút tiền tự động không còn nữa vì máy đã hết tiền hoặc bị đập phá.
Người dân nghèo là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập.
Ali Mohamed, một nông dân, chia sẻ với tôi: "Chúng tôi rất buồn. Mọi người đều sợ và không thiết làm việc gì khác ngoài ngồi trước tivi để xem tin tức cập nhật chiến sự. Người nghèo không có tích lũy nên cần việc làm để mưu sinh trong khi giá cả đang leo thang do khan hàng."
Tại nhiều thành phố, cảnh sát giao thông đã được bố trí làm việc trở lại trên các tuyến phố. Tuy nhiên, khác với vẻ lạnh lùng như trước đây, cảnh sát luôn tươi cười niềm nở với những người tham gia giao thông. Cảnh tượng này trái ngược hoàn toàn với những gì đã diễn ra trong những ngày qua, khi lực lượng cảnh sát và an ninh là mục tiêu tấn công của nhiều người dân. Thậm chí, những cảnh sát được bố trí gác tại các đại sứ quán nước ngoài ở Cairo phải xin trú nhờ trong sứ quán vì quá hoảng sợ trước đoàn biểu tình. Tình hình căng thẳng đến mức nhiều cảnh sát và an ninh phải vội vã trút bỏ sắc phục để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trong khi cuộc nội chiến tại trung tâm thủ đô Cairo ngày càng leo thang, người dân đang sống trên đất Ai Cập đều phải cố quen và chấp nhận tiếng súng như một phần của cuộc sống của mình./.
"Huynh đệ tương tàn"
Sáng mùng Một Tết (3/2), một người quen chìa cho tôi xem một chiếc vỏ đạn súng tiểu liên. Nét mặt chưa hết thảng thốt, anh kể lại vụ đấu súng ngay trước cửa nhà đêm qua giữa lực lượng dân phòng và người biểu tình mà như thể mọi chuyện vừa diễn ra.
Nhìn vẻ phờ phạc, tôi hiểu rằng anh lại trải qua một đêm không ngủ. Cuộc sống của người dân thủ đô Cairo như thu ngắn lại vào ban ngày và dài hơn về đêm, mặc dù giờ giới nghiêm đã được giảm bớt từ 17 tiếng xuống còn 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Tại trung tâm thủ đô Cairo, cảnh hỗn loạn tiếp tục diễn ra khi những người biểu tình của hai phe ủng hộ và chống đối Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đụng độ nhau. Nắm đấm, gạch đá, gậy gộc, dao, bom xăng và cả súng, nghĩa là mọi thứ có làm vũ khí đều được người ta sử dụng trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" này.
Mật độ các trạm kiểm soát tại trung tâm thủ đô đã tăng vọt lên so với ngày hôm trước khi bạo lực nổ ra giữa hai phe tại quảng trường Tahrir. Bên ngoài nhà ga tầu điện ngầm Naguib Mahfouz, một người đàn ông Ai Cập cầm gậy gỗ đánh túi bụi một người qua đường, gọi anh ta là kẻ phản bội. Một người đàn ông trung niên đứng gần đó tay cũng lăm lăm một chiếc dùi cui song nhắc nhở mọi người bình tĩnh.
Gần quảng trường Tahrir, những từ "kẻ phản bội" và "kẻ phản quốc" vang lên khắp nơi khi những cuộc cãi vã nổ ra giữa người qua đường và những người dân đứng chốt ở các trạm kiểm soát. Người đi bộ vào quảng trường Tahrir từ hướng quảng trường Talaat Harb phải chịu cảnh khám xét và kiểm tra chứng minh thư hơn một chục lần khi phe chống đối ông Mubarak cố ngăn những người ủng hộ tổng thống vào khu vực quảng trường.
Các phòng khám lưu động trải khắp khu vực khi con số nạn nhân tăng lên hàng giờ, với ít nhất 10 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương. Người dân kháo nhau là có tới 1/5 số người bên trong quảng trường đang đi lại với những miếng gạc trên đầu và mặt.
Ban đêm, những thế trận rõ ràng được lập nên khi những người biểu tình chống tổng thống nấp sau những tấm rào thép, ném đá và bom xăng để giữ khoảng cách với những người ủng hộ ông Mubarak.
Con đường ngay phía trước bảo tàng quốc gia Ai Cập, nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật quý giá, đã biến thành đống gạch vụn do những người biểu tình đập vụn hè phố để tăng viện bằng gạch đá thay cho đạn dược.
Gần các chiến tuyến, những người biểu tình chống Tổng thống Mubarak cố kích thích nhuệ khí bằng cách sử dụng những tấm thép thay tạm cho trống trận. Khói đen bốc lên từ những chiếc xe đang bốc cháy ở khoảng giữa hai nhóm đang chiến đấu. Một người biểu tình nấp cùng một nhóm phía sau bức tượng Abd al-Moneim cách bảo tàng Ai Cập chưa đầy 100 mét, chìa cánh tay lên từ phía sau bức tượng để vẫy là cờ Ai Cập, giữa lúc gạch đá và bom xăng bay qua lại rào rào.
Mọi chi tiết của cuộc đối đầu giữa hai phe biểu tình tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về một cuộc nội chiến thực sự đang diễn ra tại trung tâm thủ đô Cairo. Chỉ khác một điều là người ta sử dụng những vũ khí thô sơ thay thế cho bom đạn, mặc dù mức độ khốc liệt thì không hề thua kém gì.
Sống chung với tiếng súng
Kể từ khi lực lượng cảnh sát rút khỏi các thành phố hôm 27/1, người dân trên khắp Ai Cập phải tự tổ chức các đội tuần tra để bảo vệ nạn cướp bóc đang lan tràn.
Chỉ sau 10 ngày diễn ra các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức, tiếng súng dường như đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân đất nước này.
Kênh truyền hình quốc gia Ai Cập thông báo hơn 4.000 phạm nhân đã vượt ngục, thế nhưng thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết con số này là hơn 17.000 tên tội phạm đã thoát ra ngoài xã hội. Tình trạng trấn lột và cướp vũ trang diễn ra nhiều nơi, mặc dù quân đội thông báo đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng.
Bạo lực leo thang giữa những phe biểu tình càng khiến tình hình vốn phức tạp càng trở nên hỗn loạn. Các barie tự tạo thô sơ và chướng ngại vật được người dân dựng lên nhiều hơn ở mọi nẻo đường, ngõ phố.
Cổng ra vào khu ở của chúng tôi cũng được gia cố thêm, với một bên là bao cát chống đạn còn một bên là dãy thùng phuy quân dụng trông giống như một chiến lũy thực sự. Tối đến, đám đàn ông lại tụ tập trước cổng để canh phòng và bàn tán những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình ở trung tâm thủ đô.
Trên đường phố chỉ còn vài cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và một số ít các cửa hàng xăng dầu còn mở cửa. Thế nhưng, những mặt hàng này đã bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm. Các ngân hàng vẫn đóng cửa. Cảnh xếp hàng trước các máy rút tiền tự động không còn nữa vì máy đã hết tiền hoặc bị đập phá.
Người dân nghèo là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ai Cập.
Ali Mohamed, một nông dân, chia sẻ với tôi: "Chúng tôi rất buồn. Mọi người đều sợ và không thiết làm việc gì khác ngoài ngồi trước tivi để xem tin tức cập nhật chiến sự. Người nghèo không có tích lũy nên cần việc làm để mưu sinh trong khi giá cả đang leo thang do khan hàng."
Tại nhiều thành phố, cảnh sát giao thông đã được bố trí làm việc trở lại trên các tuyến phố. Tuy nhiên, khác với vẻ lạnh lùng như trước đây, cảnh sát luôn tươi cười niềm nở với những người tham gia giao thông. Cảnh tượng này trái ngược hoàn toàn với những gì đã diễn ra trong những ngày qua, khi lực lượng cảnh sát và an ninh là mục tiêu tấn công của nhiều người dân. Thậm chí, những cảnh sát được bố trí gác tại các đại sứ quán nước ngoài ở Cairo phải xin trú nhờ trong sứ quán vì quá hoảng sợ trước đoàn biểu tình. Tình hình căng thẳng đến mức nhiều cảnh sát và an ninh phải vội vã trút bỏ sắc phục để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trong khi cuộc nội chiến tại trung tâm thủ đô Cairo ngày càng leo thang, người dân đang sống trên đất Ai Cập đều phải cố quen và chấp nhận tiếng súng như một phần của cuộc sống của mình./.
Bùi Hoàn/Cairo (Vietnam+)