Người dân Indonesia đổ xô mua thuốc ký sinh trùng để chữa COVID-19

Trong khi COVID-19 đang bùng phát khó kiểm soát tại Indonesia thì các thông tin sai lệch về phương pháp điều trị, đặc biệt là các tin đồn vô căn cứ về một loại "thần dược," cũng đang lây lan nhanh.
Người dân Indonesia đổ xô mua thuốc ký sinh trùng để chữa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 1/7. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Trong khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát khó kiểm soát tại Indonesia thì các thông tin sai lệch về phương pháp điều trị, đặc biệt là các tin đồn vô căn cứ về một loại "thần dược," cũng lây lan nhanh không khác gì virus gây bệnh.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, chứng kiến hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.

Đây cũng là lúc xuất hiện những thông tin lan truyền về tác dụng điều trị COVID-19 của thuốc invermectin và đáng lo ngại là trong số những người góp phần quảng bá cho loại thuốc này có cả những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội.

Dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng người dân đã đổ xô đi mua thuốc dẫn tới tình trạng khan hiếm nghiêm trọng trên thị trường toàn quốc và giá thuốc cũng bị đẩy lên những mức chưa từng có. 

Ivermectin là loại thuốc uống, thường dùng trong điều trị chấy và các loại bệnh do nhiễm ký sinh trùng khác. Do nhu cầu tăng đột biến, các cửa hàng dược trên toàn Indonesia đều đã "cháy" loại thuốc này.

[Dịch COVID-19: Indonesia có hơn 1.000 ca tử vong trong 24 giờ qua]

Yoyon, một trưởng nhóm kinh doanh dược phẩm tại một khu chợ ở thủ đô Jakarta, cho biết người mua thường đưa cho người bán hình ảnh của thuốc với dòng chú thích invermectin có thể chữa được COVID-19. Giá loại thuốc này hiện nay đã tăng gần gấp đôi từ 175.000 lên 300.000 rupiah/lọ (12 USD-21 USD/lọ).

Chính những bài đăng với nội dung khẳng định tác dụng của loại thuốc này trong điều trị COVID-19 tràn lan trên mạng xã hội, với sự ủng hộ của những người có ảnh hưởng đã khiến tình trạng trở nên khó kiểm soát.

Reza G., một chủ tài khoản Twitter với 350.000 lượt theo dõi, thậm chí còn khẳng định chắc nịch rằng"đây là một trong những chìa khóa an toàn và hiệu quả để chấm dứt đại dịch."

Iman S., nhà đồng sáng lập mạng truyền thông Asumsi rất phổ biến ở Indonesia, cũng đăng lên mạng truyền thông này thông tin về người quen đã khỏi COVID-19 nhờ uống thuốc này dù chính chủ nhân của bài đăng cũng chưa thực sự tin tưởng rằng thuốc là tác nhân chính giúp khỏi bệnh.

Sylvie Bernadi, một người dân ở ngoại ô Jakarta, cho biết cô tìm mua thuốc ivermectin cho người thân mắc bệnh vì nhìn thấy nhiều tin nhắn trên WhatsApp và các bài đăng trên mạng xã hội quảng cáo cho thuốc này.

Trước đó, tại một số nước từng trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng từ Brazil cho đến Nam Phi hay Liban, nhu cầu thuốc invermectin cũng tăng vọt.

Tuy nhiên, chính nhà sản xuất Merck đã xác nhận không có cơ sở khoa học nào chứng minh loại thuốc này có tác dụng điều trị COVID-19 đồng thời cảnh báo những nguy cơ nếu dùng thuốc không hợp lý.

Các nhà khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số cơ quan quản lý dược phẩm, bao gồm của cơ quan quản lý ở Indonesia, cũng nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng thuyết phục về khả năng thuốc có tác dụng điều trị COVID-19.

Sau khi nhu cầu thuốc invermectin tăng vọt tại Mỹ Latinh, hồi tháng 3 vừa qua, WHO đã khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc trong thử nghiệm lâm sàng.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thậm chí còn cảnh báo nguy cơ từ việc sử dụng thuốc tùy tiện sau khi xuất hiện những ca nhập viện điều trị vì lý do này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục