Người dân không chủ quan với bất kỳ lý do nào trước “giặc lửa”

Hầu hết các vụ hỏa hoạn xảy ra gần đây có nguyên nhân từ ý thức chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao.
Người dân không chủ quan với bất kỳ lý do nào trước “giặc lửa” ảnh 1Hiện trường vụ cháy chợ Cửa Ông. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ám ảnh là hầu hết các vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ ý thức chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao.

Hậu họa khôn lường từ “giặc lửa” còn do sự lơ là, thậm chí là buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở không ít nơi cũng gây nhiều nhức nhối…

Theo các báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, làm hàng chục người chết.

Riêng tháng 8, toàn quốc xảy ra 218 vụ cháy, làm chết 8 người, bị thương 3 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 90 tỷ đồng và trên 32ha rừng.

Thống kê còn cho thấy các vụ cháy vẫn tập trung tại khu vực nhà dân, khu dân cư, cơ sở sản xuất, kho tàng và tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến các vụ hỏa hoạn được xác định phần lớn do sự cố hệ thống, thiết bị điện và do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Thực tế đó cũng cho thấy dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng không ít người vẫn chủ quan, xem nhẹ, bất cẩn, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thậm chí coi thường “bà hỏa," cố ý vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy. Thế nên sau mỗi vụ cháy có hậu quả nghiêm trọng lại có những quyết định khởi tố vụ án về việc vi phạm pháp luật phòng cháy, chữa cháy liên quan tới những đối tượng liên quan.

Điển hình thực trạng đáng báo động này là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đêm 12/9 ở chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 56 người, làm 37 người bị thương. Đây là tòa nhà có diện tích khoảng 200m2, xây cao tầng, có một lối thoát hiểm duy nhất cũng là mặt tiền tòa nhà, lại nằm trong ngõ nhỏ. Chung cư mini này được xác định xây dựng sai phép, có văn bản yêu cầu cưỡng chế nhưng công trình vẫn được tồn tại, đưa vào sử dụng và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Sau hậu quả thảm khốc đêm 12/9, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Nghiêm Quang Minh - chủ của chung cư mini này để điều tra về những sai phạm liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.

[Quảng Bình: Hỏa hoạn xảy ra tại chợ Ba Đồn, 3 quầy hàng cháy rụi]

Theo cơ quan Công an, Nghiêm Quang Minh biết rõ việc xây dựng công trình chung cư mini ở Thanh Xuân vượt 4 tầng là không đúng so với giấy phép xây dựng, không đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy là vi phạm pháp luật... nhưng vì lợi nhuận vẫn bất chấp thực hiện.

Qua quá trình điều tra vụ án, ngoài công trình xảy ra cháy ở quận Thanh Xuân, Công an Hà Nội xác định Nghiêm Quang Minh còn là chủ đầu tư xây dựng đối với 8 chung cư mini ở các quận nội thành Hà Nội. Các công trình này vi phạm hàng loạt các quy định như xây không đúng với giấy phép, vượt tầng; không đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn, trang thiết bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy…

Các cơ quan chức năng đã ban hành 6 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các công trình loại hình chung cư mini của bị can Nghiêm Quang Minh.

Cơ quan chức năng đã tiến hành triệu tập một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo giữ chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn quận Thanh Xuân để làm rõ trách nhiệm trong vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong.

Người dân không chủ quan với bất kỳ lý do nào trước “giặc lửa” ảnh 2Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Những con số đáng lo ngại và vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng đêm 12/9 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng như hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các chung cư, cao ốc, nhà dân, cơ sở sản xuất trong những năm gần đây ở các thành phố lớn, các địa phương gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, có thể thấy, cháy nổ xảy ra là điều không ai mong muốn.

Lực lượng chức năng cũng như các phương tiện truyền thông, báo chí đã truyền tải rộng rãi đến từng người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính quyền cơ sở và từng người đứng đầu mỗi đơn vị về hiểm họa, nguy cơ của “bà hỏa” để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Vấn đề đặt ra là ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định, pháp luật về phòng, chống cháy nổ của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở cơ sở.

Cùng với nâng cao nhận thức, ý thức của tất cả cá nhân, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, địa phương phải là việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm mọi vi phạm liên quan. Đây là hai đòi hỏi tất yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tương tự xảy ra.

Dân gian vẫn thường ví “nhất thủy, nhì hỏa” và gọi thủy, hỏa là “giặc” để nói về những tai họa do nước, lửa gây ra đối với con người cực kỳ nguy hiểm. Thế nên, tính mạng, sự an toàn của con người là trên hết. Xin đừng chủ quan với bất kỳ lý do nào trước “giặc lửa” để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mỗi người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục