Cuộc sống hiện đại dường như đã khiến người dân thành phố "lười" đi, không muốn đụng tay vào những công việc chân tay. Nhiều người cứ đụng phải bất kể việc gì trong nhà là lại thuê thợ, mà nói như nhiều người thì dân thành phố đang mắc bệnh "Chân-tay-mướn" (nhại theo Chân tay miệng).
Chị Giang (Đê La Thành) ấm ức mất mấy hôm vì bị "ăn quả lừa" của cánh thợ sửa ống nước. Ngồi ngẫm lại, chỉ vì hai vợ chồng chẳng chịu xắn tay vào sửa cuộn dây ống nước mà cả nhà mất oan tiền triệu để sửa sang thứ chẳng hỏng hóc gì.
Số là, mấy tuần rồi, nhìn chiếc máy bơm hút nước cứ lào khào như lên cơn hen, đã thế, cuộn ống nước dẫn xuống bể chẳng hiểu sao lại cứ rỉ nước ướt đẫm cả một khoảng sân, chị Giang phát nản.
Đã mấy lần, chị định bụng dành ngày cuối tuần để hai vợ chồng cùng đi thay đường ống nước và kiểm tra xem chiếc máy bơm bị làm sao. Nhưng rồi, tuần nào cũng như tuần nào, hai người lại bận túi bụi, thế là nước vẫn dầm dề cả một góc nhà.
"Cánh thợ bảo máy bị hỏng van một chiều, nếu không thay thì dễ cháy máy, mình thì bận nên việc trông thợ nhờ hết bà ngoại. Cánh thợ bảo gì bà nghe nấy. Ai ngờ lúc xem lại thì mới hay chỉ là bị khô dầu chứ chẳng thấy hỏng hóc gì," chị Giang kể.
Chưa hết, đoạn ống nước chỉ bị rò, chỉ cần cuốn dây cao su là lại dùng tốt thì cũng được hai người thợ tận tình thay mới luôn. Chi phí vì thế đội lên cả trăm nghìn lúc nào chẳng hay.
"Chẳng biết kêu ai, vì cái tội lười," chị Giang than thở.
Chẳng riêng mình chị Giang, chuyện trăm sự trong nhà đều nhắm mắt khoán hết cho thợ không phải hiếm, thậm chí, đang ngày một trở nên phổ biến.
Chị Trần Hương Lan (Cầu Diễn) nhớ lại ngày hai vợ chồng chị mới cưới. Thuê được căn nhà cấp 4 mốc thếch. Hai người hì hụi cạo lớp vôi cũ rồi mỗi người một tay quét lại sơn nhà. Dù hai người cố nắn nót thế nào nhưng rồi bức tường cũng chẳng tránh được cảnh nham nhở, chỗ một tảng sơn, chỗ thì mỏng tang như chẳng có.
Sau này, căn phòng ấy nhường lại cho cậu em rể nhưng chị Lan bảo, đến giờ mỗi lần nhớ lại hai vợ chồng vẫn tự hào lắm.
"Nhưng thời ấy cũng qua lâu rồi. Bây giờ hai vợ chồng bận cả tuần, ngày thứ bảy, chủ nhật nào rảnh thì đưa con đi chơi," chị Lan thật thà.
Nhìn quanh nhà mình, chính chị Lan cũng phải thừa nhận, có nhiều hôm bỏ bẵng chẳng dọn nhà được kỹ, chị lại thuê người đến lau chùi một buổi. Thế nên, những việc ‘lớn’ hơn như sơn lại cái cửa nhà lại càng là nhiệm vụ bất khả thi.
Nói về "bệnh lười" này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, nhiều người đang vin vào lý do cuộc sống bận rộn để bao biện cho căn bệnh thích mướn tay, chân của mình.
Ông Bình nhận xét, cuộc sống hiện đại đôi khi như một cỗ máy đã được lập trình sẵn với đầy đủ ốc vít khớp với nhau. Trong môi trường "cơ học" như thế, người ta thường quên đi những công việc đôi khi rất nhỏ như cùng nhau dọn nhà, trồng cây, sửa nhà. Những việc này rất đơn giản nhưng nếu làm cùng nhau sẽ khiến con người ta gần gũi nhau hơn.
"Những món quà sang trọng chỉ để ngắm nhưng những việc làm như thế lại có ý nghĩa hoàn toàn khác,’" ông Bình nhận định.
Ông Bình cũng đưa ra ví dụ, ở nước ngoài, cuộc sống khá giả nhưng những việc trong nhà, nhiều người vẫn thích tự tay làm. Trong khi đó, nhiều gia đình ở Việt Nam, cuộc sống tuy chỉ ở mức bình thường nhưng hễ đụng đến việc tay, chân là lười.
"Cuộc sống thành thị đang tạo cho người ta thói quen rất lạ. Chúng ta chỉ cần bốc điện thoại lên là có mọi thứ. Chất nhân văn trong cuộc sống cũng vì thế mà đang mất dần đi," ông Bình chua xót./.
Chị Giang (Đê La Thành) ấm ức mất mấy hôm vì bị "ăn quả lừa" của cánh thợ sửa ống nước. Ngồi ngẫm lại, chỉ vì hai vợ chồng chẳng chịu xắn tay vào sửa cuộn dây ống nước mà cả nhà mất oan tiền triệu để sửa sang thứ chẳng hỏng hóc gì.
Số là, mấy tuần rồi, nhìn chiếc máy bơm hút nước cứ lào khào như lên cơn hen, đã thế, cuộn ống nước dẫn xuống bể chẳng hiểu sao lại cứ rỉ nước ướt đẫm cả một khoảng sân, chị Giang phát nản.
Đã mấy lần, chị định bụng dành ngày cuối tuần để hai vợ chồng cùng đi thay đường ống nước và kiểm tra xem chiếc máy bơm bị làm sao. Nhưng rồi, tuần nào cũng như tuần nào, hai người lại bận túi bụi, thế là nước vẫn dầm dề cả một góc nhà.
"Cánh thợ bảo máy bị hỏng van một chiều, nếu không thay thì dễ cháy máy, mình thì bận nên việc trông thợ nhờ hết bà ngoại. Cánh thợ bảo gì bà nghe nấy. Ai ngờ lúc xem lại thì mới hay chỉ là bị khô dầu chứ chẳng thấy hỏng hóc gì," chị Giang kể.
Chưa hết, đoạn ống nước chỉ bị rò, chỉ cần cuốn dây cao su là lại dùng tốt thì cũng được hai người thợ tận tình thay mới luôn. Chi phí vì thế đội lên cả trăm nghìn lúc nào chẳng hay.
"Chẳng biết kêu ai, vì cái tội lười," chị Giang than thở.
Chẳng riêng mình chị Giang, chuyện trăm sự trong nhà đều nhắm mắt khoán hết cho thợ không phải hiếm, thậm chí, đang ngày một trở nên phổ biến.
Chị Trần Hương Lan (Cầu Diễn) nhớ lại ngày hai vợ chồng chị mới cưới. Thuê được căn nhà cấp 4 mốc thếch. Hai người hì hụi cạo lớp vôi cũ rồi mỗi người một tay quét lại sơn nhà. Dù hai người cố nắn nót thế nào nhưng rồi bức tường cũng chẳng tránh được cảnh nham nhở, chỗ một tảng sơn, chỗ thì mỏng tang như chẳng có.
Sau này, căn phòng ấy nhường lại cho cậu em rể nhưng chị Lan bảo, đến giờ mỗi lần nhớ lại hai vợ chồng vẫn tự hào lắm.
"Nhưng thời ấy cũng qua lâu rồi. Bây giờ hai vợ chồng bận cả tuần, ngày thứ bảy, chủ nhật nào rảnh thì đưa con đi chơi," chị Lan thật thà.
Nhìn quanh nhà mình, chính chị Lan cũng phải thừa nhận, có nhiều hôm bỏ bẵng chẳng dọn nhà được kỹ, chị lại thuê người đến lau chùi một buổi. Thế nên, những việc ‘lớn’ hơn như sơn lại cái cửa nhà lại càng là nhiệm vụ bất khả thi.
Nói về "bệnh lười" này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, nhiều người đang vin vào lý do cuộc sống bận rộn để bao biện cho căn bệnh thích mướn tay, chân của mình.
Ông Bình nhận xét, cuộc sống hiện đại đôi khi như một cỗ máy đã được lập trình sẵn với đầy đủ ốc vít khớp với nhau. Trong môi trường "cơ học" như thế, người ta thường quên đi những công việc đôi khi rất nhỏ như cùng nhau dọn nhà, trồng cây, sửa nhà. Những việc này rất đơn giản nhưng nếu làm cùng nhau sẽ khiến con người ta gần gũi nhau hơn.
"Những món quà sang trọng chỉ để ngắm nhưng những việc làm như thế lại có ý nghĩa hoàn toàn khác,’" ông Bình nhận định.
Ông Bình cũng đưa ra ví dụ, ở nước ngoài, cuộc sống khá giả nhưng những việc trong nhà, nhiều người vẫn thích tự tay làm. Trong khi đó, nhiều gia đình ở Việt Nam, cuộc sống tuy chỉ ở mức bình thường nhưng hễ đụng đến việc tay, chân là lười.
"Cuộc sống thành thị đang tạo cho người ta thói quen rất lạ. Chúng ta chỉ cần bốc điện thoại lên là có mọi thứ. Chất nhân văn trong cuộc sống cũng vì thế mà đang mất dần đi," ông Bình chua xót./.
Lê Trần (Vietnam+)