Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin

30 năm gắn bó với đất nước chùa Tháp, nhà báo Trần Chí Hùng của TTXVN được ví như người chép sử Campuchia bằng tiếng Việt và ông được tặng Huân chương Công trạng hạng Nhất của Campuchia.
Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 1Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Phnom Penh, nhà báo Trần Chí Hùng nhận huân chương Hạng Nhất (hạng Thephaden). (Nguồn: TTXVN)

Gần 40 năm làm báo thì có ngót 30 năm gắn bó với đất nước chùa Tháp, nhà báo Trần Chí Hùng được ví như một trong những người chép sử bằng tiếng Việt cho nước bạn Campuchia.

Ông cũng một trong số ít nhà báo Việt Nam có thời gian thường trú ở nước ngoài lâu nhất.

Từ nhà báo chiến trường đối diện sinh tử...

Phải đợi đến khi nhà báo Trần Chí Hùng nghỉ hưu bạn bè chúng tôi mới có thể tìm gặp được ông trong ngôi nhà của mình tại Thành phố Hồ Chí Minh bởi trước đó hầu như ông “đóng đô” ở Campuchia với nhiệm vụ là Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại nước bạn. Do yêu cầu công tác, lãnh đạo TTXVN đã kéo dài tuổi nghỉ hưu nhà báo Trần Chí Hùng hơn 2 năm, để tiếp tục làm Trưởng cơ quan thường trú Phnom Penh đến hết năm 2018.

Một chiều mưa tháng Sáu, trong ngôi nhà ấm cúng gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhà báo Trần Chí Hùng kể về 30 năm cầm bút và những câu chuyện ông trải qua ở xứ chùa Tháp. Câu chuyện, cuộc đời của ông như một cuốn phim tài liệu gắn với cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước Campuchia.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng trai Văn khoa Trần Chí Hùng đầu quân về Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và được điều động sang Campuchia trong bối cảnh đất nước này vừa thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.

Sau khi học khóa cấp tốc tiếng Khmer, Trần Chí Hùng khăn gói đến với vùng đất xa lạ - một địa bàn khó khăn với những hiểm nguy đang chực chờ.

Đất nước Campuchia vừa hồi sinh ngổn ngang khó khăn, chồng chất nguy hiểm, mọi cái được xây dựng từ con số không và truyền thông cũng chập chững những bước đi ban đầu.

Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 2Nhà báo Trần Chí Hùng cùng nhiều đại diện báo chí Campuchia và quốc tế được Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk tiếp tại Hoàng cung, năm 2003.

Một đoàn chuyên gia của TTXVN được cử sang giúp đỡ Thông tấn xã Campuchia SPK, có tên gọi tắt là Đoàn S78. Biết tiếng Khmer, Trần Chí Hùng được phân công vừa thực hiện tin, bài song song cho TTXVN và Thông tấn xã Campuchia, vừa là một thông dịch viên cho các chuyên gia Việt Nam.

Cũng từ đó, ngoài nghề báo, Trần Chí Hùng còn có thêm nghề phiên dịch. Kể từ thập niên 90 cho đến trước khi nghỉ hưu vào đầu năm 2019, nhà báo Trần Chí Hùng là một trong những phiên dịch tiếng Khmer chính của TTXVN.

[Campuchia trao Huân chương cho cán bộ Ngoại giao và Báo chí Việt Nam]

Ông từng phiên dịch cho các cuộc hội đàm, các chuyến thăm của lãnh đạo TTXVN và SPK (nay là AKP) đến ngày nghỉ hưu.

Hồi tưởng lại thời điểm đó, nhà báo Trần Chí Hùng chia sẻ, ông và các chuyên gia của TTXVN là những nhà báo chiến trường thực sự. Bởi dù trên lý thuyết, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, tháng 1/1979 Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng của quân Pol Pot nhưng gần 10 năm sau đó, đất nước chùa Tháp vẫn trong sự khốc liệt, nguy hiểm của tình trạng nửa chiến tranh nửa hòa bình, các vùng “xôi đỗ, da báo” xen kẽ giữa chính quyền cách mạng Campuchia và quân Pol Pot.

Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 3Nhà báo Trần Chí Hùng (thứ hai, hàng trái từ trong ra), đang phiên dịch trong buổi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Phó Tổng giám đốc hãng Thông tấn Campuchia AKP Keo Chandara thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Lãnh đạo TTXVN, tháng 9/2017. 

“Dù chế độ Khmer Đỏ đã bị lật đổ vào tháng Giêng 1979 nhưng lực lượng tan rã của chúng đã lập căn cứ ở nhiều nơi và trà trộn vào dân thường để hoạt động khắp các phum, sóc (thôn, bản). Ban ngày họ có thể chỉ là một người dân bình thường nhưng đêm đến hiện nguyên hình là lính Khmer Đỏ rất nguy hiểm.

Ngày ấy, cánh chuyên gia Việt Nam truyền nhau câu "ta ở đầu phum, Pot cuối phum" để nêu cao cảnh giác là vì thế,” nhà báo Trần Chí Hùng chia sẻ.

Và hình ảnh mỗi một nhà báo tay cầm máy ảnh, sổ ghi chép nhưng trên lưng luôn mang theo cả súng AK trong các chuyến công tác xuống các địa phương là chuyện thường tình lúc bấy giờ.

Không ít lần, Trần Chí Hùng và các đồng đội ở TTXVN thoát chết trong gang tấc trên đất nước bạn. Đó là những lần phải di chuyển giữa đêm khuya, xuyên rừng, có thể rơi vào ổ phục kích của quân Khmer Đỏ bất cứ lúc nào.

Đáng nhớ nhất là chuyến công tác vào đầu năm 1982 xuống tỉnh Kongpong Chàm bằng xe Uoát.

Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 4Các phóng viên TTXVN và SPK trước lúc lên xe đi làm tin bầu cử Quốc hội Campuchia (1981). Trong ảnh: Nhà báo Trần Chí Hùng đứng hàng đầu, mặc áo xám cộc tay, đội nón cối, bên phải là nhà báo Nguyễn Quốc Uy, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN. 

Trong con mắt của người dân địa phương lúc bấy giờ, những người ngồi trên phương tiện này đều là "lục thum” (nghĩa là ông lớn). Và đương nhiên, những chiếc xe Uoát cũng sẽ là mục tiêu ưu tiên của quân Khmer Đỏ.

“Sau khi làm việc xong với địa phương, chúng tôi trở về. Khi xe gần ra khỏi thị xã Kongpong Chàm, Trưởng Đoàn S78 Trần Hữu Năng bỗng nói với cả đoàn: "Mình vào chợ mua ít xoài về cho các chị nuôi (cấp dưỡng)" và thế là chúng tôi quay xe vào chợ thị xã. Đang chọn xoài thì thấy người dân xôn xao, hỏi ra mới biết đã xảy ra vụ nổ súng do quân Pol Pot phục kích trên quốc lộ 7, thuộc huyện Cheung Prey, cách thị xã Kongpong Chàm chừng 10km.

Mục tiêu là chiếc xe tải Zil của Công ty cao su Chup ở tỉnh Kongpong Cham. Tin đầu tiên cho biết xe trúng đạn B40 của quân Pol Pot, có người chết và bị thương. Không nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều thầm nghĩ mình đã may mắn thoát nạn, bởi nếu không quay lại chợ thì đã rơi vào ổ phục kích.

Trên đường về, chúng tôi dừng lại ít phút ở hiện trường rồi vội vàng chạy thẳng về Phnom Penh, tránh hiểm nguy, bất trắc có thể xảy ra tiếp,” nhà báo Trần Chí Hùng kể.

Đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí có khi đối diện với tử thần trong gang tấc nhưng Trần Chí Hùng không xin về Việt Nam như nhiều người khác. Khi đoàn chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, ông vẫn tiếp tục ở lại đất nước này thực hiện nhiệm vụ của một nhà báo Thông tấn.

Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 5Nhà báo Trần Chí Hùng đang phỏng vấn cựu Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Campuchia, Tiến sỹ Benny Widyono (người Indonesia) tại hiện trường cuộc bầu cử năm 2008. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đưa tin về sự hồi sinh của đất nước Campuchia, ông đồng thời phản ánh hoạt động, kể cả sự mất mát hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam cả sau ngày giải phóng Campuchia.

Ông cũng là nhà báo tác nghiệp tại tất cả các cuộc rút quân tình nguyện khỏi Campuchia sau khi hoàn thành sứ mệnh giúp nước bạn. Sau này ông trở thành Trưởng đại diện Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia.

Và cứ thế, trong khi biết bao người đến rồi đi theo nhiệm kỳ thì ông vẫn tiếp tục gắn bó với đất nước Campuchia như một mối lương duyên. Cứ hết 1 nhiệm kỳ theo quy định (mà đều kéo dài thành 2 nhiệm kỳ) ông trở về Việt Nam nhận công tác, để rồi sau đó Trần Chí Hùng lại quay trở lại với đất nước Campuchia, trở thành người thạo tin, thông địa bàn như một “thổ địa” thực sự.

Chia sẻ về quyết định ở lại một địa bàn không nhiều người muốn đến như Campuchia, ông cho hay mình không hợp với công tác quản lý mà chỉ có hòa mình vào thực tế khốc liệt mới có thể thỏa được chí "tang bồng" đã ăn vào máu. Vì thế, năm 2011 đang giữ chức Phó Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, nhà báo Trần Chí Hùng đã tự nguyện trở lại Campuchia để làm Trưởng cơ quan thường trú Phnom Penh.

... đến người chép sử Campuchia bằng tiếng Việt

30 năm gắn bó với đất nước chùa Tháp, nhà báo Trần Chí Hùng gần như chứng kiến toàn bộ lịch sử phát triển của Campuchia thời hiện đại.

Bằng các bản tin gửi về Tổng xã mỗi ngày, ông trở thành người tường thuật lịch sử nước bạn bằng tiếng Việt. Thông thuộc địa bàn, thông thạo tiếng nước sở tại (tiếng Khmer) và ngoại ngữ thông dụng ở khu vực (tiếng Anh), am tường hình hình chính trị, có mối quan hệ với nhiều chính khách, nhiều giới trong xã hội, am hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nước bạn, nắm vững đường lối đối ngoại của nước ta, chính là chìa khóa để Trần Chí Hùng có được những nhận định xác đáng về diễn biến chính trị ở Campuchia.

Nhà báo Trần Chí Hùng đã tác nghiệp với tư cách phóng viên thường trú của TTXVN trong hầu hết các kỳ bầu cử Quốc hội ở Campuchia, cả dưới chính thể Cộng hòa nhân dân Campuchia và Vương quốc Campuchia hiện nay.

Trước mỗi một cuộc bầu cử, Trần Chí Hùng đều phản ánh, phân tích tình hình diễn biến bầu cử và cả dự đoán kết quả khá chính xác với diễn biến thực tế, từ số cử tri đi bầu, đảng nào ở thế thượng phong, cho đến phản ứng quốc tế ra sao sau cuộc bầu cử…

Những đánh giá, nhận định của ông gửi về luôn được lãnh đạo các cấp và các cơ quan nghiên cứu liên quan đánh giá cao, TTXVN và các báo chí bạn sử dụng với tần suất cao.

Với một đất nước có tình hình chính trị, xã hội phức tạp, khó lường, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra như Campuchia, trong quá trình tác nghiệp, Trần Chí Hùng luôn dặn mình phải giữ "cái đầu lạnh" nhưng với những người dân, đồng nghiệp ông lại luôn đối đãi bằng một "trái tim nóng" đầy nhiệt huyết.

Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 6Nhà báo Trần Chí Hùng và Tổng Giám đốc Đài truyền hình quốc gia Campuchia (TVK), ông Kunnawath, trên sóng TVK nhân một phóng sự về Việt Nam (năm 2005).

Đó cũng chính là bí quyết thành công của nhà báo Trần Chí Hùng trong suốt 30 năm tác nghiệp ở đất nước này. Đặc biệt, ông có sự hiểu biết khá sâu về Hoàng gia Campuchia, nhất là về cố Quốc vương Norodom Shihanouk, vị quân vương nổi tiếng, một trong những biểu tượng xứ chùa Tháp.

Cho đến nay, chỉ có Trần Chí Hùng dám viết về cuộc đời của ông Hoàng này với những chi tiết rất riêng, độc đáo mà nhiều người khác hoặc không biết hoặc chưa dám viết.

Hoàn thành tốt công việc với tư cách phóng viên TTXVN tại Campuchia, ông còn cộng tác với khá nhiều báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, An ninh Thế giới, Thời báo Kinh tế Sài gòn..., với nhiều bài viết được sử dụng làm bài đinh trong các số báo như loạt bài 15 kỳ về Quốc vương Shihanouk đăng trên báo Tuổi trẻ...

Ông cũng là người dịch sang tiếng Việt cuốn sách nổi tiếng “Shihanouk Reminisces: Wolrd Leaders I Have Known" (Hồi ký Shihanouk: Những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết) do sử gia gốc Đức Bernard Krisher chấp bút.

Năm 2018, sau 30 năm gắn bó với đất nước chùa Tháp, nhà báo Trần Chí Hùng nghỉ hưu theo chế độ. Trước khi tạm biệt đất nước này, ông vinh dự được nhận Huân chương Công trạng hạng Nhất của Vương quốc Campuchia.

Trước đó, trong thập kỷ 80 ông cũng đã nhận Huy chương Hữu nghị của Cộng hòa nhân dân Campuchia. Bộ trưởng Thông tin Campuchia ngài Khieu Khanharith cũng đã gửi thư cho nhà báo Trần Chí Hùng cảm ơn trước khi ông hết nhiệm kỳ cuối cùng vào cuối năm 2018.

Thư có đoạn viết: 'Ông Trần Chí Hùng, Trưởng Văn phòng thường trú tại Phnom Penh của Thông tấn xã Việt Nam đã có những cố gắng tuyệt vời với tư cách là người thu thập và chuyển tải thông tin về sự thật ở Campuchia và sự phát triển của đất nước này đến công luận; đặc biệt nâng cao sự hợp tác hữu nghị và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa Chính phủ Vương quốc Campuchia và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.”

Chẳng quan tâm đến nhiệm kỳ cũng không đếm thời gian mình tác nghiệp ở nước bạn, chỉ cần có cơ hội, Trần Chí Hùng lại đến Campuchia và ở lại lâu nhất có thể.

Người ghi chép sử của Xứ sở chùa Tháp bằng những dòng tin ảnh 7Nhà báo Trần Chí Hùng trong một chuyến đi công tác.

Luận về kiến thức lịch sử, chính trị, văn hóa, con người Campuchia, làng báo nước ngoài thường trú ở đây không mấy ai bì kịp ông. Qua lăng kính và bằng ngòi bút của mình, nhà báo Trần Chí Hùng luôn phản ánh đầy đủ các sự kiện chính trị quan trọng cũng như đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Các tác phẩm của ông từng nhiều lần đạt giải thưởng lớn như Giải báo chí toàn quốc, Giải báo chí về thông tin đối ngoại... Nhưng có lẽ cái được lớn nhất về nghề nghiệp là mỗi khi nói về tình hình Campuchia, những người quan tâm đều nghĩ đến nhà báo Trần Chỉ Hùng. Rất nhiều độc giả, đồng nghiệp đã gọi ông là "Hùng Campuchia" để phân biệt với nhiều nhà báo cùng tên khác.

Kinh qua nhiều biến động lịch sử của nước bạn, giờ đây nhà báo Trần Chí Hùng đã tạm thời xếp tất cả chiến tích mình đạt được khi ở Campuchia vào trong ký ức. Và cũng nhiều lúc trong ngày, khi nhìn ra đường băng Tân Sơn Nhất, ông lại nhớ về mảnh đất đầy nắng lửa của xứ chùa Tháp, nơi in dấu từng bước chân, nơi chứng kiến hoài bão thời hoa lửa của một nhà báo Thông tấn ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục