Đứng trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên đang dần mai một, chị H’Yam BKrông, người dân tộc Êđê, đã tìm mọi cách để bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống này.
Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, nghề này đang dần bị mai một trong thời gian gần đây khiến cho chị H’Yam BKrông, người dân tộc Êđê hết sức trăn trở. Chị nung nấu ý định phải tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên đất cao nguyên.
Dáng người dong dỏng cao, đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, đó là ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với chị H’Yam BKrông - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Chị H’Yam cho biết người con gái Êđê từ thủa lên bảy, lên mười đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp, thật sang để dùng vào các dịp lễ, tết ngày hội của buôn làng.
Nếu ai có bộ váy áo đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang, và sẽ được nhiều chàng trai để mắt. Đó là một thước đo về mặt giá trị tinh thần mà trước đây người con gái Êđê luôn phấn đấu, còn người con trai xem đó là tiêu chí để chọn bạn gái.
Thế nhưng, những năm gần đây, đời sống kinh tế đã khá hơn nên bà con trong buôn làng dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơmi…, nên nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một.
Nhìn những khung cửi bị vứt trong xó nhà, còn chị em thì không mặn mà với khung cửi nữa, H’Yam rất buồn. Chị lo đến một ngày nào đó phụ nữ Êđê không còn biết “đưa thoi” và những sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc thiểu số sẽ bị lãng quên.
Những trang phục rực rỡ với những hoa văn tinh xảo, mộc mà không thô, đã thôi thúc H’Yam làm sao phải giữ được nét truyền thống của dân tộc. Khi là cán bộ phụ nữ buôn Tăng Yú, chị đã trình bày trăn trở, suy tư của mình với các cấp chính quyền phải làm sao giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc.
Được sự ủng hộ của chính quyền xã, trong nỗ lực để duy trì nghề đang có nguy cơ mất dần trong đời sống cộng đồng của người dân bản địa, năm 2003 Hợp tác xã Dệt Thổ cẩm Tơng Bông do chị H’Yam làm chủ nhiệm ra đời với 10 xã viên.
Do chị em còn nhiều khó khăn về kinh tế nên chị tự bỏ ra hơn 280 triệu đồng để làm vốn duy trì hoạt động của Hợp tác xã.
H’Yam cũng đã không quản ngại vất vả vào Nam, ra Bắc, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị tâm sự, khi mới thành lập, Hợp tác xã gặp khó khăn đủ bề do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ..., mỗi xã viên phải tự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi nhờ các cửa hàng trên phố bán giúp. Khó khăn là vậy nhưng không ai bỏ nghề.
Là người yêu thổ cẩm, lại làm chủ nhiệm Hợp tác xã nên chị H’Yam luôn tự nhủ phải làm mọi cách để chị em không ai xa rời khung cửi. Để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu khách hàng, chị đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm.
Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, Hợp tác xã còn dệt túi xách, ví, hộp đựng đồ trang sức… Vì thế, những sản phẩm chị em trong Hợp tác xã Dệt Thổ cẩm Tơng Bông làm ra đã dần dần được thị trường đón nhận.
Sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất ra không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…đặt mua.
Giờ đây, Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 42 chị em là xã viên với thu nhập bình quân từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tháng, và tạo việc làm thời vụ cho 100 chị em trong buôn.
Nỗ lực của chị H’Yam không những giúp nghề dệt truyền thống được bảo tồn, phát huy mang lại thu nhập, mà còn giúp đời sống của chị em trong xã dần thay đổi.
Nói về hướng đi sắp tới của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Yam tâm sự, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Vì vậy, dệt thổ cẩm cần có sự hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa. Có như vậy thổ cẩm cũng như những sản phẩm của các làng nghề truyền thống mới được gìn giữ, phát triển, từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên./.
Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, nghề này đang dần bị mai một trong thời gian gần đây khiến cho chị H’Yam BKrông, người dân tộc Êđê hết sức trăn trở. Chị nung nấu ý định phải tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên đất cao nguyên.
Dáng người dong dỏng cao, đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, đó là ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với chị H’Yam BKrông - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Chị H’Yam cho biết người con gái Êđê từ thủa lên bảy, lên mười đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp, thật sang để dùng vào các dịp lễ, tết ngày hội của buôn làng.
Nếu ai có bộ váy áo đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang, và sẽ được nhiều chàng trai để mắt. Đó là một thước đo về mặt giá trị tinh thần mà trước đây người con gái Êđê luôn phấn đấu, còn người con trai xem đó là tiêu chí để chọn bạn gái.
Thế nhưng, những năm gần đây, đời sống kinh tế đã khá hơn nên bà con trong buôn làng dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơmi…, nên nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một.
Nhìn những khung cửi bị vứt trong xó nhà, còn chị em thì không mặn mà với khung cửi nữa, H’Yam rất buồn. Chị lo đến một ngày nào đó phụ nữ Êđê không còn biết “đưa thoi” và những sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc thiểu số sẽ bị lãng quên.
Những trang phục rực rỡ với những hoa văn tinh xảo, mộc mà không thô, đã thôi thúc H’Yam làm sao phải giữ được nét truyền thống của dân tộc. Khi là cán bộ phụ nữ buôn Tăng Yú, chị đã trình bày trăn trở, suy tư của mình với các cấp chính quyền phải làm sao giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc.
Được sự ủng hộ của chính quyền xã, trong nỗ lực để duy trì nghề đang có nguy cơ mất dần trong đời sống cộng đồng của người dân bản địa, năm 2003 Hợp tác xã Dệt Thổ cẩm Tơng Bông do chị H’Yam làm chủ nhiệm ra đời với 10 xã viên.
Do chị em còn nhiều khó khăn về kinh tế nên chị tự bỏ ra hơn 280 triệu đồng để làm vốn duy trì hoạt động của Hợp tác xã.
H’Yam cũng đã không quản ngại vất vả vào Nam, ra Bắc, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị tâm sự, khi mới thành lập, Hợp tác xã gặp khó khăn đủ bề do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ..., mỗi xã viên phải tự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi nhờ các cửa hàng trên phố bán giúp. Khó khăn là vậy nhưng không ai bỏ nghề.
Là người yêu thổ cẩm, lại làm chủ nhiệm Hợp tác xã nên chị H’Yam luôn tự nhủ phải làm mọi cách để chị em không ai xa rời khung cửi. Để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu khách hàng, chị đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm.
Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, Hợp tác xã còn dệt túi xách, ví, hộp đựng đồ trang sức… Vì thế, những sản phẩm chị em trong Hợp tác xã Dệt Thổ cẩm Tơng Bông làm ra đã dần dần được thị trường đón nhận.
Sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất ra không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…đặt mua.
Giờ đây, Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 42 chị em là xã viên với thu nhập bình quân từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tháng, và tạo việc làm thời vụ cho 100 chị em trong buôn.
Nỗ lực của chị H’Yam không những giúp nghề dệt truyền thống được bảo tồn, phát huy mang lại thu nhập, mà còn giúp đời sống của chị em trong xã dần thay đổi.
Nói về hướng đi sắp tới của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Yam tâm sự, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Vì vậy, dệt thổ cẩm cần có sự hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa. Có như vậy thổ cẩm cũng như những sản phẩm của các làng nghề truyền thống mới được gìn giữ, phát triển, từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên./.
Anh Dũng (TTXVN)