Ngay khi mẫu tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được trưng bày vào sáng 29/10, rất đông người dân đã đến “mục sở thị” và có những quan điểm nhận xét trái chiều về hình thức màu sắc cũng như thiết kế.
Tuy nhiên, theo cam kết của Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư, tất cả các ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được lắng nghe một cách cầu thị để có những chỉnh sửa phù hợp nhất.
Người khen, kẻ chê
Từ khi biết được thông tin mẫu tàu đô thị trưng bày, bác Chu Xuân Nhạn, 65 tuổi, ở Hà Đông đã có mặt từ đầu giờ sáng để được chiêm ngưỡng mẫu tàu này.
Về thiết kế ngoại thất, theo bác Nhạn, hình thức toa xe phù hợp với người Việt Nam, màu sắc trang nhã, hợp cảnh quan môi trường, trong toa hợp yêu cầu thoáng mát rộng rãi. Các biển hiệu báo ga lên xuống cũng rõ ràng, thuận tiện lên xuống cho người già, trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, bác cũng chỉ ra các chi tiết chưa hợp lý đó là tay nắm bên trong toa tàu dành cho người đứng cần thêm nhiều hơn nữa để bớt chông chênh mỗi khi tàu vận hành.
“Tôi mong tuyến này sớm được khai thác để cảm nhận được ngồi trên tàu điện đô thị khác gì so với tàu điện leng keng của thủ đô ngày trước,” bác Nhạn ví von.
Tin tưởng về độ an toàn vì mẫu tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cũng chỉ chạy 40km/giờ, bác Nhạn chỉ băn khoăn khi không biết tiếng ồn lúc chạy sẽ như thế nào vì chưa được ngồi thực tế trong toa.
Trái ngược với quan điểm đó, anh Nguyễn Xuân Quang, ở số nhà 123 Pháo Đài Láng lại cho rằng, đầu tàu cảm thấy chưa hấp dẫn, cảm giác "thô cục," không thanh thoát, nhanh nhẹn, màu sắc xanh lá cây trông sáng quá. Về kết cấu nội thất, các cửa lên xuống, ô cửa sổ vừa với vóc dáng người Việt. Ghế ngồi thấp 2 bên và bên trong có tay vịn để người đứng.
“Màu sắc thì nên chuyển sang màu trắng sữa hoặc trắng bạc với các viền trang trí màu vàng hoặc đỏ cờ sẽ sang trọng và nổi bật hơn, còn màu xanh như hiện tài nhìn bình bình, không bắt mắt. Cá nhân tôi thấy mẫu tàu không đẹp, không có sự hiện đại khi quan sát con tàu ở phía ngoài do đó cần đổi lại thiết kế đầu tàu và màu sắc,” anh Quang bày tỏ quan điểm.
Có cái nhìn giống như một chuyên gia và cũng là người được đi thực tế trên các tuyến đường sắt đô thị ở nước ngoài, bác Nguyễn Đình Hải, ở 124 Âu Cơ nhìn nhận, trong tờ phiếu khảo sát ý kiến chỉ có yêu cầu nhận xét của nhân dân về màu sắc, kiểu dáng thì nói chung là sơ sài, trang thiết bị nội thất thế này cũng hợp lý, gần ngang với tàu ở nước ngoài.
“Còn về công suất và vận hành tàu thì thấy còn nhiều thắc mắc về an toàn và năng lực vận chuyển hành khách bởi theo công suất thiết kế chuẩn bị đưa vào khai thác là 6 phút/chuyến. Mật độ hành khách như thế này thì liệu có đảm bảo năng lực vận chuyển hành khách không?,” bác Hải đặt ra câu hỏi.
Bên cạnh đó, vị khách tham quan này cũng lo sợ sự quá tải trên thực tế khi lượng hành khách đông lúc giờ cao điểm lên xuống tàu.
Sẽ lắng nghe và điều chỉnh phù hợp
Khẳng định tầm quan trọng của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, hiện nay, nhiều tuyến giao thông Hà Nội đang phải “cõng” một lượng hành khách rất lớn, trong khi một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc.
“Lượng vận tải theo thiết kế từ ga đầu tới ga cuối năng lực tối đa cho một chiều mỗi giờ là 28.500 khách để đủ thấy năng lực vận chuyển của đoàn tàu trong một giờ là rất lớn. Khi có tuyến đường trên cao chạy độc lập và không bị cản trở, mọi người sử dụng thì chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ là rất lớn,” ông Lê Kim Thành cho hay.
Lý giải những thắc mắc của đa số người dân tham quan gian trưng bày mẫu tàu, ông Lê Kim Thành thừa nhận, để lựa chọn màu sắc không phải dễ, quá trình từ ý tưởng đến lựa chọn màu sắc này đã có hẳn một hội đồng xem xét đánh giá thì đây là màu sắc phù hợp với Hà Nội.
“Sở dĩ (tàu đường sắt trên cao) chọn màu xanh lá cây (là để) tạo sự tươi sáng, cảm giác trẻ trung, năng động và thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Hà Nội đã là thành phố vì hòa bình nay thêm phần thân thiện, bền vững,” ông Lê Kim Thành nói.
Ngoài ra, về họa tiết trang trí, do đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội, để thể hiện nét đặc trưng văn hóa của thành phố Hà Nội, lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh-Hà Đông, tạo vẻ trang nghiêm.
Trả lời câu hỏi, sau một tháng tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia, Ban Quản lý dự án đường sắt có điều chỉnh lại thiết kế đoàn tàu hay chỉ điều chỉnh trong giới hạn một số chi tiết, ông Lê Kim Thành cho biết, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, phân loại và đánh giá tính thực tiễn của ý kiến đóng góp.
“Mỗi người có một quan điểm khác nhau, việc tìm ra một điểm chung nhất là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải cùng Tổng thầu và các đơn vị liên quan phân tích, chỉnh sửa cho phù hợp nhất,” ông Thành khẳng định.
Về tính an toàn khi đoàn tàu đưa vào vận hành, đại diện Chủ đầu tư dự án khẳng định, tính an toàn và tiện lợi cho hành khách luôn được đặt lên hàng đầu và là yếu tố quyết định.
Liên quan đến nhận xét của người dân và một số chuyên gia về đầu tàu thiếu độ vát, gây cảm giác thô cục, ông Lê Kim Thành cho rằng, đường sắt đô thị không chạy tốc độ cao (tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/giờ) nên đầu tàu được thiết kế dạng tù phẳng. Còn tàu cao tốc do chạy tốc độ cao nên mới thiết kế dạng đầu vát, dáng thuôn. Hơn nữa, do tàu đường sắt đô thị trên cao bố trí cửa thoát hiểm ở đầu tàu, nên phần mũi đầu tàu phẳng thì việc thoát hiểm cũng dễ dàng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, toàn bộ ý kiến chỉnh sửa đoàn tàu của người dân sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu ý kiến và có văn bản điều chỉnh phù hợp gửi sang đơn vị thiết kế đoàn tàu chỉnh sửa.
“Dự kiến sau điều chỉnh, đến tháng 5/2016, mẫu tàu hoàn chỉnh sẽ về Việt Nam và tháng 9/2016 sẽ vận hành thử tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh-Hà Đông,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết./.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu (52 toa xe) chuẩn B1 với cấu thành 4 toa xe/1 đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu 79m. Chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m. Độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8m. Tốc độ đoàn tàu tối đa 80km/giờ. Tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/giờ. Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.
Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC với vốn đầu tư khoảng 868,04 triệu USD (tương đương 18.001 tỷ đồng), trong đó phần vốn vay ODA Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam (chủ yếu dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án…).