Trên thế giới, rất nhiều công ty khởi nghiệp thành công với điểm xuất phát từ những ý tưởng “điên rồ.” Tuy nhiên để có những tên tuổi lừng lẫy như Apple, Facebook, Amazon, PayPal…, các ý tưởng kinh doanh "tưởng như kỳ quặc" đã được thổi bùng nhờ những môi trường khởi nghiệp vô cùng thuận lợi.
Tại Việt Nam, để khởi nghiệp một công ty, các ông chủ hầu như phải "ba đầu, sáu tay" làm mọi việc, từ A đến Z các công đoạn kinh doanh, như xây dựng ý tưởng, lên kế kế hoạch, huy động vốn, xử lý các loại thủ tục hành chính, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường…
Ông chủ là phải … biết tuốt
Trong trang phục lịch lãm, song trên khuôn mặt trẻ tuổi đã sớm màu khắc khổ với nước da cháy nắng, Lê Ngọc Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình mang phong cách chân chất như chính cái nghề kinh doanh của mình. Tìm đến một diễn đàn khởi nghiệp, Tùng chia sẻ những trăn trở từ quá trình kinh doanh và mong muốn tìm kiếm các đối tác có năng lực về công nghệ, kinh nghiệm phát triển sản phẩm, thị trường.
Với ý tưởng phát triển ngành nghề theo hướng nông thôn mới, Tùng rời bỏ đại học giữa chừng và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề làm trống truyền thống của quê hương, nhưng công việc này đã sớm thất bại. Để rồi khi đi qua làng đá Ninh Bình và thấy hoạt động sản xuất tấp nập nhưng chưa được phát triển ra quy mô lớn, Tùng quyết định dừng chân và xây dựng sự nghiệp nơi đất khách quê người.
Học chuyên ngành công nghệ thông tin đã giúp Tùng lợi thế mở rộng thị trường ra toàn quốc theo phương thức online. Bằng số vốn ít ỏi, bắt đầu sự nghiệp từ năm 2011 và đến nay doanh thu của Công ty cũng đạt khoảng gần 30 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, Tùng cho biết đó là một quá trình làm việc mò mẫm, không ngừng nghỉ với không ít thăng trầm.
“Giai đoạn thành lập công ty, tôi vừa làm ông chủ, làm nhân viên, tự bê đá cùng công nhân, thiết kế mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm nguồn khai thác đá, vào trong mỏ xin giấy phép, sang Trung Quốc tìm mua máy móc, thiết bị chế tác… Mỗi ngày, tôi chạy tới, chạy lui giữa Hà Nội và Ninh Bình, đơn thân độc mã, cô độc tưởng chừng muốn dừng bước. Rồi, tôi lại tự đối diện với chính mình, gác bỏ hết đam mê để toàn tâm tập trung vào sự nghiệp,” Tùng nói.
Câu chuyện của Tùng khá phổ biến trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam, giai đoạn đầu từ một đến ba năm đã sớm “đốn bỏ” vô số các ông chủ lập nghiệp và chỉ có rất ít người trong số họ có thể trụ vững để đi tiếp.
Công ty nằm trong tốp 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam năm 2016, song trái với phong cách bên ngoài giản dị, nhân hậu, Nguyễn Văn Thi, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông số liệu Việt Nam lại là một con người gan góc, kiên trì và nhiều tham vọng.
Năm 2013, một nhóm gồm năm người trẻ tuổi cùng nhau khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhưng không được bao lâu thì khó khăn chồng chất, khiến từng người, từng người ra đi. Còn lại một mình, Thi cho biết mình đã rơi vào tình cảnh tưởng như bế tắc.
“Ba năm đầu rất khó khăn, bởi tôi chỉ có kiến thức về kỹ thuật mà không có kinh nghiệm về các kỹ năng tổ chức, quản lý, thị trường, tài chính, thủ tục hành chính… Có giai đoạn, tôi dồn hết sức lực và tài chính tập vào công ty, kinh tế gia đình đã phải dựa hoàn toàn vào mức lương viên chức ít ỏi của vợ mình,” anh Thi chia sẻ.
[Tinh thần khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ song lại thiếu “vốn mồi”]
Hệ sinh thái “lạc hậu”
Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo giới chuyên gia Việt Nam cần phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi.
Tiến sỹ Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, các hoạt động kinh doanh và khởi sự kinh doanh bị chi phối bởi môi trường kinh doanh chung của mỗi quốc gia. Môi trường kinh doanh bao gồm các yếu tố cơ bản, các yếu tố giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và các điều kiện kinh doanh.
Theo Báo cáo chỉ số kinh doanh toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor – GEM) năm 2015, Việt Nam có ba chỉ số đạt thứ hạng cao nhất là năng động của thị trường nội địa (11/62), văn hóa và chuẩn mực xã hội(14/62) và chính sách của Chính phủ (15/62). Song đáng nói ở đây, bốn chỉ số có thứ hạng thấp nhất lại rơi vào các hạng mục mấu chốt như giáo dục về kinh doanh bậc phổ thông (47/62), giáo dục về kinh doanh sau phổ thông (47/62), chương trình hỗ trợ của Chính phủ (50/62) và tài chính cho kinh doanh (50/62).
Điều kiện kinh doanh ở Việt Nam và các nước ASEAN năm 2015 (đơn vị: điểm)
So sánh với các nước ASEAN, trong số 12 chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam không có chỉ số nào được đánh giá tốt hơn bốn nước trong khu vực là Philippine, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, trong khi đó Việt Nam có tới 8 chỉ số kém hơn tất cả bốn nước này, là tài chính cho kinh doanh, chương trình hỗ trợ Chính phủ, giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông, giáo dục về kinh doanh sau phổ thông, chuyển giao công nghệ, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội
“Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện sớm, có như vậy mới thúc đẩy được các hoạt động khởi sự và kinh doanh, theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực.
Nếu không có những biện pháp cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, các nhà đầu tư và các nhà khởi nghiệp sẽ lựa chọn điểm đến là các quốc gia như Maylaisia, Singapore, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn, để tiến hành các hoạt động khởi nghiệp, thay vì có thể làm ở Việt Nam,” ông Huân cảnh báo.
Theo đó, ông Huân đề xuất một số khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Thêm vào đó, việc cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh ở Việt Nam là hết sức cần thiết và phải đi vào thực chất từng vấn đề.
Ngoài ra yếu tố không thể thiếu khác, đó là việc nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong khởi nghiệp cũng như khuyến khích khởi nghiệp trong các lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ phát triển kinh doanh.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng góp một số kiến nghị liên quan đế chính sách thuế và việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bà Lê Anh dẫn dắt, để khuyến khích các nhà đầu tư Thiên thần tham gia vào thị trường khởi nghiệp đầy rủi ro, một số nước Anh, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha… ban hành những chính sách thuế ưu đãi, như giảm 30% - 50% thuế cho các quỹ đầu tư vào giai đoạn gieo mầm cho start-up; không thu thuế thu nhập từ các khoản đầu tư "thiên thần" kéo dài trên 3 năm hay các khoản lỗ từ đầu tư "thiên thần" có thể được bù đắp từ các khoản thuế./.