Người phiên dịch cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane và Bác Hồ

Bác Nguyễn Văn Nghiệp, chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào từng có 11 năm làm việc với Tổng Bí thư Kaysone (từ năm 1980-1991) và nhiều lần được phục vụ phiên dịch cho lãnh đạo Việt Nam-Lào.

Ở vào tuổi gần 90, với trên 40 năm (1948-1991) tham gia phục vụ cách mạng Lào, cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam Nguyễn Văn Nghiệp vẫn nhớ như in những năm tháng đầy can trường trên đất bạn Lào.

Ông cũng là người nhiều lần được phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước của Việt Nam và Lào trong những lần đi phiên dịch và quãng thời gian 11 năm (1980-1991) làm Trợ lý cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane.

“Những kỷ niệm đó luôn hiển hiện một cách rõ nét mỗi khi tôi suy nghĩ về cuộc đời mình, về những năm tháng sống chiến đấu trên đất Lào gian khổ nhưng thấm đẫm tình nghĩa đoàn kết quân-dân Việt Lào” - cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam Nguyễn Văn Nghiệp bộc bạch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài thơ về tình hữu nghị Việt-Lào

Người phiên dịch cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane và Bác Hồ ảnh 1Cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào Nguyễn Văn Nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Thế Trung/Vietnam+)

Trong cuộc đời tham gia cách mạng, tôi có nhiều ký ức, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong thời gian ở trong nước cũng như ở Lào, trong đó có một vinh dự, một kỷ niệm không thể nào quên là tôi được làm phiên dịch cho Bác Hồ và cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hồi đó, chiến đấu, công tác tại Lào nhưng tôi chưa được học bất kỳ một lớp chữ tiếng Lào nào. Tôi chỉ tự học trong nhân dân, chiên sỹ, cán bộ Lào qua tiếp xúc, giao lưu trong sinh hoạt, trong công tác, qua tự điển, qua báo chí, văn bản, qua đài phát thanh…

Là một cán bộ làm công tác nghiên cứu, làm chuyên gia, được đi đến các địa phương từ Hạ, Trung đến Thượng Lào nên tôi có những hiểu biết, tích lũy nhất định về tình hình, về phong tục tập quán Lào nên những lúc cần, cơ quan còn giao cho tôi làm phiên dịch phục vụ các đồng chí lãnh đạo, các cuộc hội đàm giữa hai Bộ Chính trị.

Từ ngày 10-13/3/1963, Quốc vương Lào Sisavang Vatthana dẫn đầu đoàn đại biểu Vương quốc Lào sang thăm chính thức Việt Nam trong đợt đi cảm ơn các nước đã ký kết Hiệp nghị Geneva 1962 về Lào.

Theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao, cơ quan Ban công tác miền Tây đã giao cho tôi làm phiên dịch phục vụ Bác Hồ trong cuộc đón tiếp vua Lào. Tôi nhận nhiệm vụ trong lo âu, hồi hộp vì chưa bao giờ phải đảm nhận một việc quan trọng như vậy, nhỡ sai sót thì biết xử lý ra sao?

Ngày hôm sau, tôi được đồng chí Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Lễ tân đưa đến giới thiệu với Bác Hồ. Sau khi nghe giới thiệu, Bác quay sang bảo tôi: “Thế thì tốt. Chú yên tâm, phiên dịch cho Bác không khó đâu, chủ yếu là các bài phát biểu trong míttinh, chiêu đãi, tiễn đưa, còn tiếp xúc bình thường, Bác sẽ nói tiếng Pháp với nhà vua và đoàn bạn.”


[Người phi công và những chuyến bay chở Hoàng thân Souphanouvong]

Rồi Bác quay sang bảo đồng chí Việt Dũng: “Chú nhớ liên hệ với Văn phòng nhận các bài phát biểu của Bác giao cho chú này dịch trước.” Nghe lời Bác, tôi nhẹ cả người và hiểu rằng với quan điểm quần chúng, Bác luôn thông cảm với người phục vụ, với niềm lo âu của một phiên dịch như tôi.

Các bài phát biểu của Bác đều ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Tôi dịch xong lại tham khảo ý kiến một số anh chị em phiên dịch trong cơ quan. Riêng bài phát biểu hôm tiễn đoàn, Bác có 4 câu thơ:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua;
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Tôi bí quá không thể dịch thành thơ, đành dịch theo thể văn xuôi.

Bài thơ này, sau đó được đồng chí Phumi Vongvichit, Ủy viên Bộ Chính trị Lào dịch ra thơ Lào và có tham khảo ý kiến của nhà giáo Lê Duy Lương. Từ đó bài thơ được lưu hành rộng rãi ở Việt Nam và Lào, và thường được sử dụng khi ca ngợi mối quan hệ Việt Nam-Lào.

Vinh hạnh nhất trong đời tôi là đã 3 lần gặp Bác, nhưng đây là lần ở gần Bác lâu nhất. Kết thúc đợt phục vụ Bác Hồ, tôi vô cùng thấm thía và ngưỡng mộ nếp sống giản dị, quan điểm, tác phong, quần chúng, lòng nhân ái của Bác.

Người phiên dịch cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane và Bác Hồ ảnh 2Cựu chuyên gia tình nguyện Việt Nam giúp Lào, ông Nguyễn Văn Nghiệp chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên nóc dinh của Bun Ụm, Pạc Xê, Hạ Lào (tháng 4/1979). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Còn lần tôi vinh dự được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là năm 1979. Sau thắng lợi trong cuộc chiến ở biên giới phía bắc và nhân dịp Tết té nước (Tết năm mới ) ở Lào, lãnh đạo Đảng, Nhà nước mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân thăm Lào từ ngày 11 đến 20/4/1979.

Theo yêu cầu của Đại tướng, Ban cán sự Đảng về công tác C giao cho tôi làm phiên dịch giúp Đại tướng. Lần này, việc phiên dịch không khó mấy vì tôi đã có kinh nghiệm, mà cái khó là phải đáp ứng yêu cầu của chuyến thăm dài ngày, đến nhiều địa phương, nhiều di tích, thắng cảnh, tiếp xúc nhiều đối tượng. Vì vậy, tôi phải mang theo một tấm bản đồ Lào.

Chuyến đi diễn ra trong 8 ngày, đến 7 tỉnh, 4 quân khu và 12 di tích, thắng cảnh của Lào. Trước khi đến thăm địa phương, đơn vị nào, tối hôm trước, Đại tướng đều hỏi tôi về đặc điểm tình hình của địa phương đơn vị đó, về cơ quan lãnh đạo, về quan hệ Việt-Lào. Nhiều lúc tôi phải mở bản đồ để giới thiệu về vị trí, đường đi, về sự tích các di tích, thắng cảnh sẽ đi thăm.

Trong buổi chiêu đãi tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Kaysone phát biểu: “Tiếc là lần này anh mới đến được 7 tỉnh, thành phố. Nhân dân chúng tôi tất cả đều mong được đón anh chị đến thăm. Như vậy là anh chị còn nợ nhân dân chúng tôi 5 tỉnh (lúc bấy giờ toàn Lào có 12 tỉnh, thành phố).” Nghe Tổng Bí thư nói, tất cả mọi người cùng cười, vỗ tay.

Kết thúc chuyến thăm Lào, bốn ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho mời tôi và cô Thể, phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đi theo đoàn, đến nhà dự cơm thân mật và tặng tôi tập ảnh về toàn bộ chuyến thăm lần này.

11 năm trợ lý và bất ngờ về Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane

Tôi đã từng có 11 năm làm việc với Tổng Bí thư Kaysone (từ năm 1980-1991) và được Tổng Bí thư Kaysone rất tin cậy.

Lật giở cuốn sổ tay cũ đã sờn gáy, ông Nghiệp cho biết: “Trong cuốn sổ này được ghi từ tháng 12/1990 đến tháng 5/1991, tôi đã ghi lại những lần dự họp của Tổng Bí thư Kaysone tại hội nghị của Trung ương, Bộ Chính trị Lào.”

Vì được tin cậy nên cứ có việc gì là tôi được Tổng Bí thư Kaysone chỉ đạo chuẩn bị các bài phát biểu, chuẩn bị cho các cuộc đi thăm nước ngoài. Sáng ra Tổng Bí thư Kaysone vừa tập thể dục, vừa cho bảo vệ viết một mẩu giấy như “Nghiệp ơi, mấy giờ vào gặp anh!”, có thể là bất kỳ lúc nào, sáng tối để chuẩn bị dịch cho Tổng Bí thư.

Người phiên dịch cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane và Bác Hồ ảnh 3Cựu chuyên gia tình nguyện Việt Nam giúp Lào, ông Nguyễn Văn Nghiệp chụp ảnh với Tổng Bí thư Kaysone Phomvihan tại nhà khách Hồ Tây, Hà Nội ngày 14/5/1990. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Được ở gần Tổng Bí thư Kaysone, tôi thấy ông là một người chịu khó học tập, hay mời chuyên gia đến nói về các vấn đề quan tâm, rồi ông ghi âm lại rồi nghe đi nghe lại nhiều lần rồi ghi chép.

Có một kỷ niệm về Tổng Bí thư Kaysone làm tôi nhớ mãi. Hồi đó, văn phòng của Tổng Bí thư Kaysone thường nhận được rất nhiều thư từ khắp nơi gửi đến. Chỉ có những thư và báo cáo chính thức là được ưu tiên đọc, còn nhiều thư khác không thể đọc hết.

Một hôm, tôi mới thấy có một bức thư gửi từ Đồng Tháp, tôi và anh phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư mới bảo nhau: “Thư này chắc có vấn đề và hay là cứ mở ra xem”. Mở ra thì đó là bức thư của cậu em con bà cô của Tổng Bí thư Kaysone gửi sang, kể về gia đình họ hàng còn những ai và rất mong được gặp Tổng Bí thư

Tôi thấy bức thư đó rất quan trọng về tình cảm gia đình, hai anh em bàn với nhau báo cáo với Tổng Bí thư Kaysone. Đọc thư xong, Tổng Bí thư Kaysone chia sẻ đúng là từ nhỏ ông chưa về thăm bà con và hỏi tôi: “Theo cậu thì nên như thế nào?”

Tôi trả lời: “Đúng là bây giờ anh về quê thì không tiện, anh có thể cử một cháu thay mặt anh về Đồng Tháp thăm bà con”. Tổng Bí thư Kaysone lăn tăn chuyện người mà ông cử đi không biết tiếng Việt, tôi tham mưu cho ông nhờ phía Việt Nam, cụ thể là Ban Đối ngoại cử người về quê đại diện ông thăm họ hàng.

Sau đó tôi mới biết Tổng Bí thư Kaysone có bố tên là Nguyễn Trí Luận, người Sa Đéc, Đồng Tháp. Ông Luận khi sang Lào làm bưu điện, lấy vợ người Lào và sinh ra Kaysone và 2 người con gái nữa. Tổng Bí thư Kaysone được đặt tên là Nguyễn Trí Mưu.

Năm 1935, Tổng Bí thư Kaysone đã đến Hà Nội để dự thi vào Trường trung học Bảo hộ (còn gọi là Trường Bưởi, nay là Trường phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội). Tại đây, ông giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đến giờ tôi vẫn giữ được cuốn sổ tay về những ngày tháng làm việc cuối cùng bên Tổng Bí thư Kaysone, ông Nghiệp cho biết. “Mỗi năm có đến mấy cuốn sổ tay, khi tổ chuyên gia Việt Nam rút về nước, tôi đã gửi những cuốn sổ tay đó về nước và gửi tặng cho Viện lưu trữ, hy vọng chúng giúp ích cho việc nghiên cứu, lưu giữ tư liệu về Tổng Bí thư và về tình hữu nghị Việt-Lào.”/.

Người phiên dịch cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane và Bác Hồ ảnh 4Cuốn sổ do cựu chuyên gia tình nguyện Việt Nam giúp Lào, ông Nguyễn Văn Nghiệp ghi chép trong những ngày tháng cuối cùng làm việc với Tổng Bí thư Kaysone Phomvihan. (Ảnh: Nguyễn Thế Trung/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục