Nguy cơ chiến tranh mạng Ukraine-Nga lan rộng ra toàn thế giới

Kiev không trực tiếp cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng rạng sáng 14/1 mà chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính ngờ vực về điều này. Về phần mình, Moskva đã phủ nhận mọi liên quan.
Nguy cơ chiến tranh mạng Ukraine-Nga lan rộng ra toàn thế giới ảnh 1Lời cảnh báo bằng tiếng Ukraine, tiếng Nga và tiếng Ba Lan xuất hiện trên trang web của Bộ Ngoại giao Ukraine sau vụ tấn công mạng. (Nguồn: Reuters)

Theo TTXVN/BBC/Trang mạng washingtonpost.com, báo Le Monde, Ukraine vừa ra tuyên bố khẳng định “có bằng chứng” về việc Moskva đã tham gia cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào nước này, khiến quan hệ giữa hai bên bị đẩy lên một nấc thang mới.

Theo tờ Washington Post, một vài manh mối cho thấy vụ tấn công mạng này không chỉ bắt nguồn từ Kremlin, mà còn sẽ tiếp tục lan rộng ra các nước châu Âu khác và Mỹ, qua đó sẽ gây căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới.

Ngày 16/1, Kiev tuyên bố đã tìm thấy “bằng chứng” về việc Nga tham gia vào cuộc tấn công mạng lớn vào rạng sáng 14/1 nhằm vào một số địa chỉ của chính phủ Ukraine.

Bộ chuyển đổi số Ukraine khẳng định: “Cho đến hôm nay, tất cả các bằng chứng đều chỉ ra rằng Nga đứng sau cuộc tấn công mạng. Hành động phá hoại này là một biểu hiện của ‘chiến tranh lai’ mà Nga nhằm vào Ukraine từ năm 2014 (thời điểm Moskva sáp nhập Crimea và bùng nổ xung đột ở Donbass).”

Cơ quan trên cũng nhấn mạnh cuộc tấn công “không chỉ đe dọa xã hội,” mà còn “gây mất ổn định tình hình ở Ukraine,” làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền nước này bằng cách xuyên tạc thông tin về nguy cơ tổn thương của cấu trúc thông tin nhà nước và sự rò rỉ dữ liệu cá nhân của người Ukraine.

[Nguy cơ cuộc chiến tại biên giới Nga-Ukraine lớn tới đâu?]

Tuy nhiên, Kiev không trực tiếp cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mà chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính ngờ vực về điều này. Về phần mình, Moskva đã phủ nhận mọi liên quan.

“Người Ukraine! Tất cả dữ liệu cá nhân của các bạn đã được tải lên mạng công cộng. Mọi dữ liệu trên máy tính đều bị phá hủy và không thể khôi phục.”

Thông điệp trên, được viết bằng các thứ tiếng Ukraine, Nga và Ba Lan, đã xuất hiện hôm 13/1 trên một số trang web của chính phủ, bao gồm cả của Bộ Ngoại giao, Bộ Cựu chiến binh, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước và Bộ Năng lượng. Giới chức Ukraine đã bác bỏ khả năng mọi dữ liệu bị đánh cắp. Tuy nhiên, ngày 16/1, Microsoft cảnh báo rằng cuộc tấn công có thể khiến toàn bộ cấu trúc máy tính của chính phủ Ukraine không thể hoạt động được.

Cùng ngày, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, phát biểu: “Sẽ không làm tôi ngạc nhiên chút nào nếu đó là Nga. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xác định những người chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công này. Chúng tôi đang tích cực tìm ra kẻ chủ mưu của vụ tấn công.”

Ông cảnh báo nếu điều này cho thấy Nga là thủ phạm tấn công Ukraine và nếu điều này tiếp diễn trong tương lai, tất nhiên Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để đưa ra biện pháp đáp trả tương xứng.

Từ nhiều tháng trước, Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về khả năng Nga sử dụng các vụ đột nhập vào hệ thống mạng để làm leo thang căng thẳng ở Ukraine. Sullivan nhấn mạnh: “Đó là một phần trong chiến lược của họ, trước đây họ đã làm như vậy trong các bối cảnh khác nhau.”

Vụ tấn công mạng xảy ra trong bối cảnh Nga triển khai khoảng 100.000 binh sỹ dọc biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược và gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế.

Phát biểu trước các phóng viên ngày 14/1, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh: "Nga đã bố trí trước một nhóm các mật vụ để tiến hành điều mà chúng tôi gọi là cuộc tấn công ‘cờ giả’ (false flag), một cuộc tấn công được thiết kế như thể nạn nhân bị nhắm đến là phía Nga hay là người Ukraine nói tiếng Nga để từ đó có cớ đặt chân vào Ukraine."

Ông Kirby nói rằng Mỹ muốn thế giới biết cách mà một cuộc xâm lược có thể diễn tiến như thế nào, bởi vì kịch bản này cũng tương tự “binh pháp” mà Nga sử dụng ở Crimea. Đây là một nước cờ đáng kể sau một tuần ngoại giao căng thẳng với những bản đề xuất, song không đạt được sự đồng thuận nào để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Liên minh châu Âu (EU) cũng ngay lập tức có những phản ứng ban đầu. Josep Borrell, quan chức phụ trách vấn đề đối ngoại của EU, bày tỏ quan điểm: “Tôi không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, bởi vì tôi không có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng chúng tôi có thể hình dung được ai đã làm điều này” đồng thời cho biết khối này đã huy động mọi phương tiện cần thiết để giúp Kiev khắc phục hậu quả mà cuộc tấn công gây ra.

Một quan chức cấp cao của Mỹ đã cáo buộc Nga “định vị từ trước” các phần mềm gián điệp ở Ukraine “để có thể tạo ra cái cớ cho một cuộc xâm lược, bao gồm các hành động phá hoại và các chiến dịch bóp méo thông tin.” Điện Kremlin gọi những cáo buộc này là “vô căn cứ”, nhấn mạnh rằng chúng “không được hỗ trợ bởi bất kỳ bằng chứng nào.”

Trước vụ tấn công này, Mỹ và Anh đã bí mật điều các chuyên gia an ninh mạng tới Ukraine để hỗ trợ nước này chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, kể cả các trường hợp lưới điện, hệ thống ngân hàng và các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế và chính phủ Ukraine trở thành mục tiêu.

Ngày 20/12/2021, Thời báo New York cho biết các quan chức và chuyên gia Mỹ khẳng định chiến dịch tấn công mạng nhằm vào Ukraine chưa bao giờ dừng lại và “đã tăng cường trong tháng trước.”

Đây không phải lần đầu tiên Nga thực hiện các cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào Ukraine. Năm 2015, tin tặc Nga đã nhắm vào trung tâm điều hành của một công ty điện lực nhà nước, khiến một trạm điện phải ngừng hoạt động và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 230.000 người. Năm 2017, trong một cuộc tấn công thậm chí còn lớn hơn, phần mềm tống tiền “NotPetya” đã nhắm vào một số địa chỉ, bao gồm các bộ, ngân hàng và công ty năng lượng của Ukraine.

Yuri Schigol, Giám đốc Cơ quan truyền thông đặc biệt và Bảo vệ thông tin Ukraine, nhận định: “Hơn 90% các cuộc tấn công từ nước ngoài có liên quan đến Nga và các nhóm tấn công do chính phủ Nga tài trợ.”

Cơ quan này khẳng định đã ngăn chặn hơn 1,7 triệu cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Ukraine trong 5 tháng đầu năm 2021.

Trung tâm truyền thông chiến lược, một tổ chức chuyên chống thông tin sai lệch của Ukraine, lưu ý: “Một số cuộc tấn công mạng có quy mô lớn đến mức chúng đã được đưa vào sách giáo khoa trên khắp thế giới dành cho các chuyên gia về mạng.”

Tuy nhiên, trung tâm này khẳng định “chưa có một cuộc tấn công nào lớn như vậy nhằm vào các cơ quan chính phủ trong một thời gian dài,” đồng thời liên kết vụ tấn công mới nhất với bối cảnh Ukraine đang tích cực đàm phán với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về các chủ đề hợp tác trong tương lai. Nga muốn đảm bảo rằng nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sẽ không bao giờ tham gia NATO.

Vài giờ sau vụ tấn công mạng, NATO tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực an ninh mạng. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận mới “trong những ngày tới” theo đó “Ukraine sẽ được cấp quyền truy cập nền tảng chia sẻ thông tin về các phần mềm độc hại của NATO”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục