Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh: “Đi qua số phận” một ngày tháng Tư

Số phận đã chơi trò đùa nghiệt ngã nhất khiến chuyến trở về chiến trường xưa của nhà báo Trần Mai Hạnh thành chuyến đi định mệnh và TPHCM là nơi ông đóng lại chương kết của Biên bản cuộc đời mình.

Một trong những bức ảnh hiếm hoi tác giả chụp cùng nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh với thi sĩ Bùi Kim Anh (vợ ) và nhà báo Trần Mai Anh (con gái cả) của ông. (Nguồn: Vietnam+)
Một trong những bức ảnh hiếm hoi tác giả chụp cùng nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh với thi sĩ Bùi Kim Anh (vợ ) và nhà báo Trần Mai Anh (con gái cả) của ông. (Nguồn: Vietnam+)

1- “Tan nát”- đó là 2 tiếng cuối cùng của ông với tôi, khi tôi nắm tay ông nói lời chia buồn trong lần gặp vội vã ở một sự kiện đông đúc mà cả hai chúng tôi đều là khách mời, chỉ vài ngày sau khi Hiền Anh, cô con gái thứ của ông mất vì bạo bệnh.

Đó cũng là lần cuối mà tôi gặp ông ngoài đời.

Nhưng tôi vẫn luôn biết ông đang viết, hăng say và đầy trách nhiệm như ông đã từng như vậy trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, từ khi còn là một phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam đến lúc số phận đặt ông thành chứng nhân lịch sử của đất nước… cho đến sau khi bị vướng vòng lao lý và trở lại vang dội với "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75…”- cuốn sách được ông viết “cả trong những giờ phút đắng cay nhất của số phận.”

Tôi vẫn biết cuốn sách ông ấp ủ bao năm qua vừa mới hoàn thành và dự định rằng, khi sách ra, tôi sẽ ‘trả nợ” ông bài phỏng vấn đã hẹn từ nhiều năm trước.

Nhưng ở trên trang mạng xã hội thì tôi vẫn gặp ông, qua những bài báo, qua những thông tin và mới đây nhất là trên trang Facebook của em trai ông- nhà báo Trần Mai Hưởng-nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Chính ở đó tôi biết, hai anh em Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng-hai nhà báo, chiến sĩ của Thông tấn xã Việt Nam năm xưa đang cùng một nhóm các nhà báo thực hiện hành trình về lại chiến trường xưa dọc theo con đường lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh mà đỉnh cao là cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

image0.jpeg
Hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà báo Trần Mai Hưởng tái hiện lại cuộc gặp gỡ tại Huế 49 năm trước khi tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh trên: cuộc gặp tại Huế ngày 4/4/1975 và ảnh dưới hai ông trên cầu Trường Tiền ngày 26/3/2024.

Hành trình theo dấu chân 49 năm trước của đoàn quân giải phóng và của chính các ông những nhà báo chiến trường đã lao vào vùng chiến sự khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, bên cạnh giấy bút, máy ảnh cho tác nghiệp…còn cả vũ khí để sẵn sàng chiến đấu.

Tôi đã háo hức theo dõi hành trình đầy ý nghĩa này ngay từ dòng trạng thái chia sẻ đầu tiên, những bức ảnh khái quát điểm đến… do nhà báo Trần Mai Hưởng cập nhật. Hành trình- như chia sẻ của nhà báo Trần Mai Hưởng, đã được các ông ấp ủ và chuẩn bị từ lâu, dọc theo con đường của Chiến dịch Tây Nguyên tiếp đến là Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Tấm ảnh đầu tiên là ở Quảng Bình, ngày 23/3, kế đến là Thành cổ Quảng Trị. Rồi từ cầu Hiền Lương các anh vô cầu Tràng Tiền; theo dấu chân năm xưa vào giải phóng Đà Nẵng (29/3), ghé qua Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang rồi Phan Rang, Phan Thiết…và nhất định phải qua ngả Xuân Lộc để tiến về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh như gần nửa thế kỷ trước các ông đã từng đi.

Chuyến đi dự định kéo dài 17 ngày. Các nhà báo chiến trường năm xưa hăm hở hướng tới điểm đến cuối cùng: Thành phố Hồ Chí Minh, nơi nhà báo Trần Mai Hưởng đã có bức ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc một chiếc xe tăng số hiệu 846 của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập; Nơi nhà báo Trần Mai Hạnh ghi bài tường thuật đầu tiên về thời khắc Sài Gòn giải phóng truyền về hậu cứ ở Tây Ninh và lập tức phát ra Hà Nội…

Bài tường thuật trực tiếp từ Sài Gòn được chuyển về Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội vào chiều 30/4/1975 và được phát báo trên Bản tin Đấu tranh Thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam ngay trong đêm 30-4-1975 với tiêu đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” sau đó, vào trưa 1-5-1975 được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng trong Bản tin Thời sự Đặc biệt trưa cũng với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”...- tiêu đề được nhà báo Trần Mai Hạnh đặt với một dự cảm đặc biệt hiếm có. Tên gọi này, hơn một năm sau vào Kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau khi thống nhất đất nước diễn ra từ 24/6-3/7/1976 mới được thông qua tại Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI (Ngày 2/7/1976) theo đó, chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng, số phận trớ trêu đã không cho Trần Mai Hạnh đến được cái đích mà 49 năm trước (thiếu 28 ngày)- khi ông đã có mặt vào đúng thời khắc lịch sử của đất nước để báo tin thắng trận về Thủ Đô, và để sau này có một "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75.”

Mặc dù chiều hôm 2/4- ngày thứ 11 của hành trình, Trần Mai Hạnh đã vào đến Thành phố Hồ Chí Minh- nhưng đột ngột bị suy hô hấp và qua đời trong bệnh viện.

Bức ảnh cuối cùng được em trai ông- nhà báo Trần Mai Hưởng đưa lên là sáng 2/4, khi các ông dừng chân ở Phan Thiết, chụp ảnh ở con đường mang tên Lâm Hồng Long và thăm nhà tưởng niệm Lâm Hồng Long ở thị xã Lagi- Nghệ sỹ Nhiếp ảnh-tác giả của tác phẩm ảnh“ Bác Hồ bắt nhịp Kết Đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt” được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh!

Trong những bức ảnh đó, Trần Mai Hạnh luôn rạng rỡ nụ cười. Nụ cười chiến thắng, nụ cười mãn nguyện, nụ cười của người luôn lạc quan và yêu đời, nụ cười của một người yêu đất nước bằng cả máu thịt, từng hơi thở…bất chấp mọi biến cố của số phận-như tôi đã từng nhận xét khi đọc và viết về "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” khi tác phẩm vừa được xuất bản vào tháng 4 năm 2014

2- Chiều muộn 2/4, điện thoại báo có tin nhắn, của một người em đồng nghiệp, dòng tin đập vào mắt như một cú đấm khiến tôi xa xẩm mặt mày: “Chú Mai Hạnh mất rồi chị ạ. Đột tử tối nay..” Phải mất hơn 20 giây tôi mới định thần và nhấn số gọi…

Ôi, tôi ước đó chỉ là một trò đùa Cá Tháng Tư, hoặc có sự lầm lẫn, có sự vội vã khi thông tin, rằng ông chỉ mệt thôi, rằng ông đã hồi tỉnh, nở nụ cười chưa bao giờ vương chút ngạo nghễ - và bảo tôi vẫn đây: “Cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước…” Nhưng, khi đó đã qua rồi, Ngày Nói dối!

Và tôi buộc phải tin rằng, số phận đã chơi trò đùa nghiệt ngã nhất với ông, với người chiến sĩ-nhà báo-nhà văn nhiệt tâm, đa tài và đa truân của báo chí và văn chương Việt Nam. Trò đùa số phận khiến chuyến đi về chiến trường xưa của ông trở thành chuyến đi của định mệnh, và Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh tháng Tư là nơi, là thời điểm Trần Mai Hạnh đóng lại chương cuối cùng của Biên bản cuộc đời mình.

Xét về văn bản giấy tờ tôi và ông có nhiều điểm chung, chúng tôi là đồng môn, cùng dân văn Đại học Tổng hợp; là đồng nghiệp cùng cơ quan, đều khởi nghiệp ở TTXVN; cùng là hội viên Hội Nhà báo nhưng thực tế là “văn kì thanh bất kiến kì hình.”

Bởi khi ông tốt nghiệp văn khoa tôi còn chưa ra đời, khi tôi tấp tểnh bước vào cổng số 5 Lý Thường Kiệt (Trụ sở TTXVN) thì ông đã rời đi và giữ vị trí Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, (với tôi khi đó là cao chót vót). Và khi tôi có được chiếc thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thì ông đã rơi vào vòng lao lý…

Nhưng tôi lại thân thiết với vợ ông- nhà thơ Bùi Kim Anh và có mối quan hệ thân tình với các con của ông Mai Anh và Mai Linh. Bởi vậy ấn tượng theo suốt nhiều năm của tôi về ông là hình ảnh "một người" luôn hiện hữu trong nỗi buồn thấm đẫm trong từng tứ thơ của nhà thơ Bùi Kim Anh. Đó là cái người mà chị và con gái “chờ đợi và giấu nhau sự chờ đợi,” cái người "đi chưa thấy trở về” … Cộng với những gì tôi được nghe kể về ông, dấu ấn của ông ở báo Tuần Tin Tức- nơi ông từng là Phó Tổng Biên tập cũng là nơi tôi có 7 năm công tác. Những câu chuyện ngoài lề của Vụ án Năm Cam… Trần Mai Hạnh trong tôi chỉ là một người đàn ông lắm tài nhiều tật, có thể nói là “xấu xí”- người "đã mang đi vui vẻ của hai người/niềm vui ấy lại trao cho người xa lạ..." Cho đến trước tháng 5/2014.

3- Tôi thực sự không thể nào nhớ, vì sao tôi lại có trong tay cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” rất sớm. Có thể là chị Bùi Kim Anh đưa cho tôi, cũng có thể theo một cách khác. Tôi đã mang theo cuốn sách này trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 với ý nghĩ là sẽ viết cho cho mục Điểm Nhạc-Phim- Sách của VietnamPlus theo đúng tinh thần "cúng cụ!"

Nhưng "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã buộc tôi viết khác. Bài báo vừa lên trang thì có điện thoại, số lạ. “Alo, có phải Đoàn Ngọc Thu không? Anh Trần Mai Hạnh đây…”

Cuộc gặp của chúng tôi diễn ra sau đó ít ngày ở nhà của ông, ông ra tận đầu ngõ đón tôi vào. Ngọc Thu à, em ngồi đi. Này nhiều người viết về "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” lắm nhé, nhưng chưa ai tiếp cận theo hướng của em. Lạ thật, em đọc được ý của anh. À, mà sao em có sách vậy? Anh là biên tập kỳ cựu đấy nhé, mà anh không sửa được chữ nào, hiếm đấy…

Ngọc Thu, em uống nước đi, anh cho em xem này, cái này là tư liệu... Cứ thế, các câu hỏi dồn dập nhưng dường như không cần trả lời. Cách nói chuyện của ông thật cuốn hút, rất sôi nổi nhưng lại có thanh âm nhẹ nhàng, nhanh nhưng không hề vấp váp, lặp lại, đài từ chuẩn mực như của phát thanh viên kỳ cựu và nội dung thông tin tuôn chảy như một mạch nước nguồn không ồ ạt nhưng không bao giờ cạn… khiến cho đứa lắm lời và hay hỏi xoáy là tôi chỉ biết ngồi nghe và ghi chép. Ngay buổi gặp đầu tiên đó và những lần sau này, tôi luôn có chung một câu hỏi là không hiểu người đàn ông này lấy đâu ra nhiều năng lượng như vậy? Sao một người từ đỉnh cao quyền lực và vinh hoa bỗng chốc mất tất cả, rơi vào vực thẳm cuộc đời lại có sự lạc quan đến kỳ lạ như vậy?

Không mảy may bóng dáng của sự bất mãn hay sự cay nghiệt mỉa mai vốn là những cảm xúc thường thấy ở hoàn cảnh tương tự, thậm chí ít tệ hơn rất nhiều.

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí về nhà báo Trần Mai Hạnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói “nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh là người đã đi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Một cuộc chiến tranh trong thời chiến và một cuộc chiến tranh trong thời bình với những thăng trầm, vinh nhục của số phận. Song, văn chương đã giúp ông vượt qua tất cả.” Tôi cũng đồng tình với anh Thiều, nhưng văn chương chỉ là một phần. Chính tình yêu vô cùng sâu đậm của Trần Mai Hạnh với đất nước, với nghề báo, với con người và cuộc đời đã là sức mạnh cùng ông vượt qua mọi giông tố của đời mình. Văn chương chính là phương tiện để Trần Mai Hạnh thể hiện tình yêu sâu đậm đó của mình. Do đó, từ: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", đến "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống", "Viết và Đối thoại" với hơn 2.500 trang sách, tất cả đều thấm đẫm nhân sinh quan tươi sáng được viết cẩn trọng, trách nhiệm với sự tận tậm của một nhà báo kỳ cựu và có cuộc đời nhiều trải nghiệm.

435274561_3605230393125470_2379369488411629979_n.jpg
Các tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.


Văn là người! Đó chính là điều tôi đã nhận thấy khi đọc "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" - như ông bảo, em đọc được ý anh. Sau này, chính ông đã phát biểu: Trong những thời điểm khắc nghiệt của số phận, chính thời khắc huy hoàng trưa 30/4/1975 được chứng kiến và tường thuật về những giờ phút lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp tôi bình tâm và đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về con người mình, về lý tưởng cao đẹp mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống, tiếp tục làm những việc có ý nghĩa trong cuộc đời này.

4- Ngọc Thu à, anh không trả lời phỏng vấn bạn phóng viên VietnamPlus đâu nhé… Anh chỉ trả lời phỏng vấn của em và Hồng Thanh Quang…

Bài phỏng vấn ấy lẽ ra được thực hiện cùng thời điểm với bài “ Nghề báo, nghiệp văn” do nhà báo Hồng Thanh Quang thực hiện sau khi Trần Mai Hạnh với tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đại diện cho văn học Việt Nam nhận Giải thưởng Năm của Hội đồng tổ chức Giải thưởng Văn học ASEAN (SEA Writer Awards). Nhưng tôi đã chủ động dừng bài viết lại, cho dù sự đeo đẳng có thể nói là ‘dai như đỉa” của tôi cho những câu hỏi ngõ ngách sâu kín, cả những vấn đề hết sức nhạy cảm… đã được ông đồng ý chia sẻ. Tôi đã nói với ông rằng, em thấy chưa thích hợp. Và ông đã từng cười tôi vì “ hỏi cho bằng được rồi lại không đăng.”

Tôi đã dự định rằng, sẽ thực hiện bài phỏng vấn khi "Đi qua số phận" - cuốn sách của cuộc đời, như ông nói- được ra mắt. Cuốn sách đã xong khâu cuối cùng và chỉ đợi ra mắt trong tháng Tư này. Nhưng Trần Mai Hạnh đã ra đi, như mọi lần. Vợ ông, nhà thơ Bùi Kim Anh phàn nàn, đấy ông ý cứ thế lẳng lặng mà đi, chẳng nói câu nào. Trên trang Facebook của mình, chị đăng lại mấy câu thơ: hoa loa kèn gọi tháng Tư ơi/ ta trải mây trắng để ngồi làm thơ/cưỡi lên ngọn gió mà chờ/tháng Tư ơi tắt cơn mơ thì về…”

Bùi Kim Anh vẫn như mọi lần chờ đợi, và giấu đi sự chờ đợi, cái người “ đi chưa thấy trở về.” Nhưng lần này, người đàn ông ấy sẽ không về với loa kèn tháng Tư trắng muốt như tóc người vợ tào khang đang ngóng đợi. Không về với gái cả Mai Anh, với con trai Mai Linh, với các cháu, với Thiện Nhân… Không về với những trang viết còn đợi ông để ra mắt… Và để Ngọc Thu nợ ông bài phỏng vấn độc quyền, vĩnh viễn không thể trả.

Gần 49 năm sau, nhà báo Trần Mai Hạnh vào với “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” để rồi trút hơi thở cuối cùng ở đó. Giải thích theo y học, thì có lẽ trái tim của nhà báo, nhà văn ở tuổi ngoài bát thập niên đã không chịu nổi những nhịp dập dồn dập của cảm xúc sau hơn 10 ngày lội về ký ức… Những ký ức đầy hào hùng và cũng đầy chất chứa hòa trộn từ thời khắc lịch sử 49 năm trước và của những biến cố thăng trầm vinh hoa và cay đắng thời gian sau đó…Trái tim đó, đã thêm phần nặng trĩu nỗi nhớ niềm đau kể từ bạo bệnh cướp đi của ông cô con gái nhỏ Hiền Anh bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của ông và gia đình để níu giữ Hiền Anh ở lại. Với ông, cú sốc đó quá nặng, nặng hơn tất thảy những gì ông đã phải đón nhận. Và tôi đã nhận ra điều đó, khi ông nói với tôi hai từ “Tan nát…”
Con trai ông, Mai Linh kể rằng, cô nhân viên khách sạn nơi ông cư trú một thời gian ngắn ngủi rằng, khi đưa ông đi cấp cứu, ông đã suy hô hấp rất nặng, bị xung huyết… nhưng trước khi lịm vào giấc ngủ, người cha ấy vẫn dùng hết chút sức lực còn lại để dặn “cất hộ chiếc đồng hồ của Hiền Anh tặng…”

Giờ thì ông đã đi gặp lại dấu yêu bé bỏng của mình rồi. Ông đã chọn tháng Tư, chọn Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng để “Đi qua số phận”- đủ mọi cung bậc của mình.

Xin được tiễn biệt ông./.

Tin cùng chuyên mục